SSI Research: Bộ nhận diện mới sẽ giúp Vinamilk bảo vệ thị phần, tăng doanh thu
Giảm giá sữa bột nhập khẩu sẽ là động lực chính cho tăng trưởng lợi nhuận ròng
Trong quý II, VNM đạt doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt là 15.200 tỷ đồng và 2.230 tỷ đồng, tăng 2% và 6% so với cùng kỳ.
SSI Research cho rằng kết quả này là khá tích cực vì đây là quý đầu tiên VNM ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương sau 9 quý giảm liên tiếp. Thị phần tổng thể của VNM cũng bắt đầu cải thiện kể từ đầu năm. Đối với doanh thu, SSI Research kỳ vọng chiến lược chuyển đổi trung hạn của VNM (với bộ nhận diện thương hiệu mới) sẽ giúp thúc đẩy doanh thu và bảo vệ thị phần.
Với thị trường nội địa, doanh thu quý II của VNM tăng 2,6% so với cùng kỳ và tăng 11,3% so với quý trước. Theo chia sẻ của ban lãnh đạo VNM, thị phần tổng thể được cải thiện so với quý trước nhờ hiệu quả cao của sữa đặc, sữa chua uống và sữa chua (cả hai ước tính đạt thị phần 80% trong danh mục tương ứng). Trước đó, thị phần của VNM đã bị ảnh hưởng tiêu cực trong thời kỳ Covid, sau đó dần trở lại trong quý I. Với diễn biến tích cực gần đây, doanh nghiệp kỳ vọng thị phần tổng thể sẽ trở lại mức trước Covid vào cuối năm nay, nhờ các sáng kiến chuyển đổi và nhận diện thương hiệu mới.
Đối với sữa uống, sản lượng tiêu thụ cũng cải thiện so với quý trước và sữa tươi Greenfarm đạt mức tăng trưởng hai con số so với cùng kỳ, nhờ các kênh phân phối được tối ưu hóa, đặc biệt là thông qua các cửa hàng của VNM (6% doanh thu nội địa) và doanh thu bán hàng trực tuyến (1% doanh thu nội địa). Mặt khác, doanh thu của Sữa Mộc Châu (mã: MCM) giảm 6% do sức mua yếu tại khu vực Tây Nguyên.
Về tình hình xuất khẩu và các công ty con ở nước ngoài, doanh thu xuất khẩu giảm 10% do các thị trường truyền thống bị ảnh hưởng bởi nhu cầu không ổn định, trong khi các công ty con ở nước ngoài duy trì tăng trưởng doanh thu ở mức 9% do tăng trưởng của Driftwood đã trở về mức bình thường.
Về biên lợi nhuận gộp, VNM đã đạt mức 40,5% trong quý II/2023, giảm 0,2 điểm % so với cùng kỳ nhưng tăng 1,7 điểm % so với quý trước đó, là mức tăng so với quý trước lớn nhất kể từ năm 2021 do chi phí tồn kho sữa nguyên liệu nhập khẩu giảm.
Trong thời gian tới, đơn vị chứng khoán kỳ vọng xu hướng giảm giá sữa bột nhập khẩu sẽ là động lực chính cho tăng trưởng lợi nhuận ròng của VNM. Đồng thời, đà tăng biên lợi nhuận gộp của VNM sẽ duy trì đến năm 2024. Hiện tại, công ty vẫn chưa ký hợp đồng mới để ấn chốt giá sữa bột nguyên kem (WMP) và sữa bột gầy (SMP) cho năm tới. Tuy nhiên, do Trung Quốc - nước nhập khẩu sữa bột lớn nhất, đang tăng nguồn cung sữa trong nước và giảm nhập khẩu, công ty cho rằng rủi ro biến động giá nguyên liệu thấp hơn trước.
Biên lãi gộp của Vinamilk sẽ không bị ảnh hưởng khi áp dụng bộ nhận diện mới
Theo SSI Research, mặt trái của việc triển khai chiến dịch nhận diện thương hiệu mới trong tháng 7 vừa rồi là tăng các chi phí bán hàng và quản lý, dự kiến sẽ gia tăng từ nửa cuối năm 2023. Tuy nhiên, theo chia sẻ của ban lãnh đạo, chi phí liên quan đến việc thay thế bao bì mới có thể được hạch toán vào chi phí bán hàng và sẽ không ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp trong thời gian tới. Trước đó trong quý II, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp của VNM lên tới khoảng 3.700 tỷ đồng, tương đương 24% doanh thu.
Theo lộ trình, bao bì mới cho sữa uống có thể sẽ được phân phối cho các kênh thương mại tổng hợp (GT) từ tháng 8/2023, tiếp theo là sữa chua vào tháng 9/2023 và sữa bột vào năm 2024. Với tác động dự kiến tích cực đến doanh thu, ban lãnh đạo kỳ vọng xu hướng chi phí bán hàng và quản lý/doanh thu sẽ ổn định hàng năm trong vài năm tới. Tuy nhiên, có thể tăng trong một số quý tùy thuộc vào các hoạt động tiếp thị.
Trong năm 2023, SSI Research đã hạ dự phóng cho kết quả của VNM so với báo cáo trước đó xuống 63.400 tỷ doanh thu và 9.100 tỷ đồng lãi ròng, cùng tăng gần 6% so với năm 2022. Trong đó, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng trong nửa cuối năm 2023 sẽ tăng lần lượt 10% và 18%.
Cho năm 2024, các nhà phân tích dựkỳ vọng doanh thu thuần của VNM sẽ đạt 67.400 tỷ đồng và lãi 10.700 tỷ.Với giả định tỷ suất lợi nhuận gộp năm 2024 sẽ đạt 43% so với mức 42,1% năm 2023 để phản ánh xu hướng giảm giá sữa bột nhập khẩu.