Doanh nhân Nguyễn Như So và những lùm xùm tại dự án Vườn Sen

07:17 | 21/08/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tập đoàn Dabaco là một trong 3 “ông lớn” đang bị nhiều khách hàng của dự án KĐT Vườn Sen tố ngầm móc ngoặc để móc túi người mua nhà nhưng người đứng đầu Dabaco – ông Nguyễn Như So vẫn im lặng một cách khó hiểu.

Vài nét về doanh nhân Nguyễn Như So

Ông Nguyễn Như So sinh ngày 23/8/1957, là một doanh nhân và chính trị gia người Việt Nam. Ông So hiện là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 14 nhiệm kì 2016 – 2021, thuộc đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Bắc Ninh.

Trong vai trò doanh nhân, ông So là Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Vào năm 2008, ông So được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. 

Doanh nhân Nguyễn Như So và những lùm xùm tại dự án Vườn Sen

Trên thương trường cũng như đối với công chúng, ông So được biết tới là người khá kín tiếng. Ông So chỉ xuất hiện trên báo chí tại một số sự kiện đặc biệt do ngành đặc thù như Nông nghiệp-PTNT tổ chức hay tại Kỳ họp Quốc hội.

Nhắc tới Dabaco, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới cái nôi sản xuất những sản phẩm giống nông nghiệp chủ lực như Gà Ji Dabaco hay các dòng lợn giống.

Tiền thân của Dabaco là doanh nghiệp nhà nước, được thành lập năm 1996 và được cổ phần hóa năm 2005. Từ một doanh nghiệp nhỏ bé vốn chỉ có 657 triệu đồng và 28 cán bộ, công nhân viên, đến nay Dabaco đã phát triển thành Tập đoàn kinh tế đa ngành với trên 50 công ty, nhà máy và đơn vị thành viên, có tổng tài sản hàng nghìn tỷ đồng.

“Vườn Sen” mà chẳng ngát hương

Để làm được điều đó, Dabaco cũng như doanh nhân Nguyễn Như So đã quyết định lấn sân sang lĩnh vực bất động sản với nhiều dự án đình đám tại Bắc Ninh. Dự án làm nên tên tuổi của Dabaco trong lĩnh vực bất động sản có lẽ là Khu công nghiệp Quế Võ III, tổng diện tích trên 600ha tại huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Bên cạnh đó, Dabaco còn đầu tư xây dựng một số dự án khu đô thị, tổ hợp với quy mô lớn, hiện đại như: Khu đô thị Đền Đô, Cụm công nghiệp Hương Mạc, Khu đô thị Dabaco Vạn An, Đình Bảng, Phù Khê…

Như Doanh nhân Việt Nam đăng tải, ngày 4/4/2019, Dabaco và Cen Land đã ký kết hợp tác phát triển dự án khu đô thị Vườn Sen. Đây vốn là dự án BĐS bị “ngâm tôm” nhiều năm do Cty TNHH Nam Hồng, trụ sở tại thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) làm chủ đầu tư. Doanh nhân Nguyễn Như So đại diện cho Dabaco xuất hiện và đặt bút ký vào biên bản hợp tác.

Doanh nhân Nguyễn Như So và những lùm xùm tại dự án Vườn Sen

Chưa rõ vai trò trong dự án Vườn Sen của các bên ra sao, nhưng sau lễ ký kết, đối tác của Dabaco đã phát đi nhiều bản tin thông qua các cơ quan truyền thông về sự hợp tác này. Sau đó, Cen Land tiếp tục với danh nghĩa chủ đầu tư huy động vốn của các khách hàng với dòng vốn nhiều tỷ đồng.

Giữa sự mập mờ pháp nhân mua bán, một khách hàng đã tố cáo đồng thời 3 chủ thể là Cen Land, Dabaco và Cty Nam Hồng có hành vi móc ngoặc, lừa dối, chiếm đoạt tài sản. Chưa dừng lại ở đó, vị nữ khách hàng tiếp tục gửi đơn lên Cục thuế tỉnh Bắc Ninh tố các đơn vị thực hiện dự án Vườn Sen có dấu hiệu bắt tay để trốn thuế Nhà nước.

Phóng viên Doanh nhân Việt Nam nhiều lần liên hệ với bà Nguyễn Huệ Minh, Chánh văn phòng Tập đoàn Dabaco qua điện thoại để tìm hiểu sự việc. Sau cùng, bà Minh khẳng định “Dabaco không liên quan gì tới dự án Vườn Sen”. Và rằng, Dabaco đã yêu cầu Cen Land làm rõ thông tin báo chí quan tâm để tránh gây hiểu lầm. Khi được đề nghị trao đổi trực tiếp, bà Minh không còn liên lạc lại.

Giữa những lùm xùm, người đứng đầu tập đoàn Dabaco – ông Nguyễn Như So vẫn im lặng, phải chăng “Cây ngay không sợ chết đứng” hay còn những uẩn khúc gì!? Sự im lặng này càng làm dấy lên những hoài nghi về hành vi vi phạm của các bên tại dự án khu đô thị Vườn Sen.

Im lặng để được ưu ái?

Trong vòng 10 năm qua, người dân tỉnh Bắc Ninh không ít lần ngạc nhiên về cách những người đứng đầu địa phương dành sự iu ái đặc biệt cho Tập đoàn Dabaco.

Điển hình là năm 2010, Bộ Y tế đồng ý cho xây dựng Bệnh viện Đa khoa tư nhân Dabaco. Sau đó, Tập đoàn Dabaco đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bắc Ninh về việc xin thuê 8.715,4m2 đất tại thành phố Bắc Ninh (phường Võ Cường 3.657,1m2; phường Kinh Bắc 5.058,3m2) để xây bệnh viện.

Sau nhiều năm “giữ chỗ” hơn 8 nghìn m2 đất mà không triển khai, Dabaco vẫn nghiễm nhiên được tỉnh Bắc Ninh cho phép chuyển đổi sang làm dự án nhà ở theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất để tạo vốn đối ứng, công trình Công viên hồ điều hòa Văn Miếu theo hình thức BT.

Doanh nhân Nguyễn Như So và những lùm xùm tại dự án Vườn Sen

Năm 2015, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục thu hồi 14.013 m2 đất tại phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh để giao cho Dabaco xây dựng khu nhà ở để bán làm vốn đối ứng cho dự án Công viên hồ điều hòa Văn Miếu.

Tới năm 2018, Dabaco lại được tỉnh Bắc Ninh chỉ định làm chủ đầu tư một loạt dự án BT khác như: Trung tâm thể dục thể thao Công viên hồ điều hòa Văn Miếu; Dự án đầu tư xây dựng đường H2 – TP. Bắc Ninh… Ngoài ra, hàng loạt dự án xây siêu thị cũng được doanh nghiệp này tìm cách xin chuyển đổi sang xây nhà để bán.
 
Và tới đây, với những lùm xùm về dự án khu đô thị Vườn Sen, khi có kết luận từ các cơ quan chức năng, liệu người đứng đầu tập đoàn Dabaco còn có thể tiếp tục im lặng được nữa hay không?

Kế Toại

Xem thêm: Các quy định pháp luật về huy động vốn