Doanh nhân và khát vọng đổi mới sáng tạo: Chuyển đổi hay là chết

Thùy Dung 17:45 | 11/10/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chiều 11/10, trong sự kiện chủ đề “Khát vọng doanh nhân” để kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam, nâng cao tinh thần doanh nhân, khát vọng ý chí sáng tạo và trách nhiệm xã hội; Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam tổ chức Hội thảo “Đổi mới sáng tạo” trong kinh doanh.

 

Hội thảo "Đổi mới sáng tạo" do Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, nằm trong chuỗi sự kiện của Hội nhân dịp kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.  PGS.TS. Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, nguyên: Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh,  Giám đốc học viện Hành chính Quốc gia chủ trì Hội thảo.

PGS.TS. Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam chủ trì Hội thảo đổi mới sáng tạo diễn ra chiều 11/10.

Tại Hội thảo, dưới sự điều phối của ông Trương Hoài Vũ (Phó trưởng Văn phòng Đại diện miền Nam, Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam), các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đã có những thảo luận sôi nổi về vai trò của đổi mới sáng tạo trong hoạt động kinh doanh của doanh nhân, doanh nghiệp ở thời đại mới, nhất là bối cảnh hậu COVID-19.

   Hội thảo diễn ra sôi nổi với phần thảo luận, hỏi đáp chất lượng từ các chuyên gia và doanh nhân. 

Doanh nhân - Doanh nghiệp chuyển đổi số: Thiếu đủ thứ và lời khuyên ‘liệu cơm gắp mắm’

Nói về các chính sách của Nhà nước và tác động đến quá trình vận hành chuyển đổi số của doanh nghiệp, TS. Trần Quý (Viện trưởng Viện phát triển kinh tế số Việt Nam) nhận định những năm gần đây, với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự phát triển của nền kinh tế số, Chính phủ đang thúc đẩy nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nhân, doanh nghiệp trong chuyển đổi số, chẳng hạn các chương trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học Công nghệ...

 Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Về kinh tế số, mục tiêu đến năm 2025 là kinh tế số chiếm 20% GDP; và mục tiêu đến năm 2030 là kinh tế số chiếm 30% GDP.  

Về phía doanh nhân và doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Thắng (Cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt - LienVietPostBank) cho rằng quá trình tiếp xúc những năm gần đây cho thấy phần lớn doanh nhân Việt Nam đã nhận thức được vai trò của đổi mới sáng tạo, “nhưng đổi mới thế nào là vấn đề”. 

“Chúng ta thiếu đủ thứ, không biết làm thế nào hoặc không biết bắt đầu từ đâu”, ông Thắng nhận định. Theo vị này, việc đổi mới sáng tạo không chỉ cần doanh nghiệp muốn làm, máu lửa làm, mà nguồn lực để làm là vô cùng quan trọng.

“Lời khuyên là liệu cơm gắp mắm, cái gì dễ thì chuyển đổi trước, ví dụ lên sàn thương mại điện tử…. Trước hết phải lựa năng lực và đối tác để chọn chiến lược, bước đi phù hợp để chuyển đổi số thành công, vì nếu không chuyển đổi thì chúng ta chết”, ông Thắng nhấn mạnh.

Cũng nói về khát khao đổi mới sáng tạo của doanh nhân và doanh nghiệp, ông Dương Quốc Thái (Tổng Lãnh sự danh dự Pakistan, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển Doanh nghiệp) chia sẻ rằng trong kinh doanh, doanh nhân cần xác định rất rõ hai vấn đề: mục đích và phương tiện. “Mục đích là chúng ta muốn gì, sau 5 hay 10 năm nữa chúng ta về đâu; từ mục đích đó chúng ta sẽ biết chúng ta dùng phương tiện gì, đổi mới sáng tạo như thế nào để đạt mục đích đó”. 

Ông Thái cũng khẳng định vai trò của chính sách trong quá trình thúc đẩy, định hướng đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp và doanh nhân, vì “nếu không có chính sách thì làm gì cũng khó. Chính phủ luôn cần đi trước doanh nghiệp”.

Chuyển đổi số và kinh nghiệm thực tiễn từ doanh nghiệp

Tại Hội thảo đổi mới sáng tạo; TS. Nguyễn Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT An Tín Group chia sẻ về kinh nghiệm thực tế chuyển đổi số tại doanh nghiệp với những bước đi bài bản.

Theo ông Thọ, với An Tín, bước đầu tiên trong chuyển đổi số không gì khác là chuyển đổi từ trong nhận thức của cán bộ nhân viên; xác lập được mục tiêu doanh nghiệp.

Bước thứ hai, số hóa các giấy tờ, tài liệu thông qua việc buộc lưu và scan tất cả các công văn đến và đi, tiến hành 5S trên nền tảng số.  Bước thứ ba là số hóa quy trình thủ tục (5W 1H). 

Bước thứ tư, căn cứ trên số hóa tài liệu và quy trình thì xây dựng platform trên web hoặc app, đưa vào big data để xây dựng hệ thống quan hệ khách hàng, quan hệ cổ đông, quản lý kế toán, quản lý nhân sự…. Bước thứ năm, xây dựng big data để biết được nhu cầu khách hàng, từ đó tích hợp số liệu thống kê, chăm sóc khách hàng theo phân khúc và sale trên nền tảng số. 

Cũng chia sẻ với PV về kinh nghiệm chuyển đổi số, ông Phạm Văn Việt (Chủ tịch HĐQT Việt Thắng Jean) nhận định đây là xu hướng tất yếu của doanh nghiệp nếu muốn cạnh tranh và tồn tại. Ông Việt thông tin, riêng trong ngành dệt may, tại Hội thảo tổng kết đầu năm nay, ước khoảng 16% doanh nghiệp đã thực hiện chuyển đổi số. 

Đồng quan điểm với ông Thọ, Chủ tịch Việt Thắng Jean Phạm Văn Việt cho hay muốn chuyển đổi số thành công, yếu tố quan trọng nhất không gì khác ngoài tư duy, nhận thức của con người; từ lãnh đạo cao nhất cho đến các phòng ban. “Mấu chốt để chuyển đổi số thành công là tái cấu trúc doanh nghiệp, sắp xếp lại các phòng ban, không để cách làm cũ còn lưu lại. Chúng ta cần đưa công nghệ vào để tăng năng suất, đương nhiên sẽ có một số công đoạn cần bổ sung nhân sự mới cho phù hợp với công nghệ, cũng như sắp xếp lại nhân sự cũ”.

 Ông Phạm Văn Việt (Chủ tịch HĐQT Việt Thắng Jean).

Chuyển đổi số, theo ông Việt định hình, phải bắt đầu từ bộ máy nhân sự quản trị - hành chính, rồi mới đến các bộ máy thấp hơn. Phải đào tạo được con người sẵn sàng tiếp cận, ứng dụng, khai thác công nghệ mới. 

“Hiện nay chúng tôi đang sản xuất sản phẩm cũ, nhưng nếu ứng dụng công nghệ mới thì hiệu quả sẽ khác hẳn. Vậy chúng ta ứng dụng công nghệ vào và khai thác các thị trường, chẳng hạn Việt Thắng từ năm 2012 - 2016 mới ứng dụng thành công cả về quản trị, sản xuất cho đến thị trường - ở đây là thị trường nước ngoài như châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc… những thị trường chuyên về công nghệ mới”, ông Việt cho biết.

Còn theo ông Phan Hoàng Tuấn, Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng Gia Thy, hai điều kiện song hành để đảm bảo doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, không gì khác chính là ý chí lãnh đạo và tư duy lãnh đạo.

“Đương nhiên trong quá trình chuyển đổi số, doanh nghiệp mới cần xây dựng các quy trình cho các hoạt động, từ sản xuất cho đến quy trình thanh toán, xây dựng kế hoạch…; điều đó phụ thuộc vào loại hình doanh nghiệp. Nhưng câu chuyện quy trình làm việc trong chuyển đổi số, từ việc biến quy trình làm việc đó tiến lên tích hợp vào công cụ số, lúc đó chúng ta chỉ cần chọn Yes, No hoặc Return… để vận hành mọi thứ”, ông Tuấn nói.

 Ông Phan Hoàng Tuấn (Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng Gia Thy)

Làm chủ công nghệ để đứng vững

Trở lại chủ đề sự kiện “Khát vọng doanh nhân”, TS. Nguyễn Đức Thọ, Chủ tịch An Tín Group nhấn mạnh so với nhiều loại khát vọng khác, doanh nhân cần thể hiện khát vọng khác biệt ở tư duy lớn, “rằng nếu bán bất cứ sản phẩm nào dù là que tăm, cũng phải nghĩ rằng làm sao để bán ra cả thế giới”.

Cùng đó, phải xác định năng lực cốt lõi, lợi thế doanh nghiệp, lợi thế quốc gia là gì, để khi đọ sức với các quốc gia khác, ta biết được ta có điều gì hơn họ…. 

“Tôi rất tâm đắc với câu nói của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, rằng biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể, biến nguy thành cơ, và phải mãi mãi tinh thần khởi nghiệp kiến quốc’, ông Thọ nhấn mạnh. “Chúng ta ngồi đây để tập hợp sức mạnh, làm sao để kết nối các mảnh ghép với nhau, làm thế nào cùng vươn ra biển lớn.

Cũng chia sẻ khát vọng vươn mình ra biển lớn, ông Nguyễn Đình Thắng khẳng định tầm quan trọng của việc doanh nghiệp trong nước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền tảng AI, blockchain… phục vụ cho sản xuất trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. “Những lớp doanh nhân đi trước phải làm sao thực sự thúc đẩy được khát khao đổi mới sáng tạo của người trẻ. Chỉ có như vậy thì chúng ta mới đứng vững được, không lệ thuộc”.

Một số hình ảnh khác tại Hội thảo: