Đối mặt với “cơn bão” COVID-19, nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì nguồn nhân lực, giữ nguyên lương
Đó là thông tin từ kết quả khảo sát 400 doanh nghiệp và 1.200 người tìm việc trong tháng 8-2021 của Navigos Group - đơn vị sở hữu mạng tuyển dụng Vietnamworks.
Theo khảo sát, khoảng 49,9% doanh nghiệp không cắt giảm nhân sự và giữ nguyên lương, phúc lợi đồng thời có khoảng 11,6% doanh nghiệp tiếp tục gia tăng tuyển dụng trong thời điểm này; 3% doanh nghiệp đã tạm thời dừng hoạt động; 9,4% doanh nghiệp đã chọn cắt giảm nhân sự và cắt giảm lương; 7,3% đã cắt giảm nhân sự nhưng vẫn giữ nguyên lương, phúc lợi và 18,9% chọn cắt giảm lương, phúc lợi.
Theo một khảo sát thực hiện trên 400 doanh nghiệp, khoảng 49,9% doanh nghiệp không cắt giảm nhân sự và giữ nguyên lương, phúc lợi như trước khi đại dịch xảy ra, khoảng 11,6% doanh nghiệp vẫn tăng tuyển dụng trong thời điểm này.
"So với kết quả của một khảo sát tương tự thực hiện vào năm 2020, chúng ta thấy được một điểm sáng: Tỉ lệ doanh nghiệp "Không cắt giảm nhân sự và giữ nguyên lương, phúc lợi như trước khi đại dịch xảy ra" hiện tại đang chiếm 49,9% (2021), so với 43,2% (2020)", báo cáo đưa ra nhận định.
Theo đó, đa số doanh nghiệp trong mảng tài chính - ngân hàng - bảo hiểm và công nghệ không cắt giảm nhân sự, giữ nguyên lương và phúc lợi. Cụ thể, khoảng 29% là doanh nghiệp có quy mô 10-50 nhân lực, 24% là doanh nghiệp có quy mô 101-300 nhân lực, 16% là doanh nghiệp có quy mô 51-100, 16% là doanh nghiệp có quy mô hơn 1.000 nhân lực.
Đặc biệt, ở cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin đều có sự tăng trưởng lớn nhất về tuyển dụng nhân sự.
Đồng thời các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin có quy mô 101 - 300 nhân lực có sự tăng trưởng lớn nhất về tuyển dụng nhân sự. Đối lập với nhóm ngành nói trên, doanh nghiệp mảng du lịch/khách sạn cắt giảm lương nhiều nhất.
Về vị trí công việc, hành chính - thư ký là phòng ban bị cắt giảm nhiều nhất. Đây là một trong những phòng ban mà doanh nghiệp lựa chọn cắt giảm đầu tiên (12,3% ý kiến của doanh nghiệp tham gia khảo sát). Tiếp theo là phòng kinh doanh/bán hàng (8,4%) và phòng chăm sóc khách hàng (4,7%).
Dữ liệu từ báo cáo cũng cho thấy hơn 87% người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Cụ thể, có đến 41,5% người lao động cho biết họ đã thôi việc và chưa có việc làm mới. Lý do thôi việc chiếm chủ yếu là nằm trong diện bị cắt giảm nhân sự của công ty (30%), bị cắt giảm lương và chế độ phúc lợi (chiếm gần 25%).
Theo báo cáo, đại dịch cũng tác động rất lớn đến quyết định thay đổi việc làm của người lao động, với gần 52% người lao động cho biết sẽ chuyển việc sau khi đại dịch COVID-19 kết thúc. Bên cạnh đó, hơn 30% người lao động quyết định vẫn sẽ làm việc tại công ty nếu lương và chế độ phúc lợi được giữ nguyên. 11% người lao động sẽ đề nghị tăng lương và chế độ phúc lợi được giữ nguyên sau khi hết dịch.
Những hướng đi khác được số ít người lao động lựa chọn là: Tìm kiếm công việc yêu thích, đúng chuyên môn ngành nghề, tìm công việc mới với mức lương và chế độ phúc lợi tốt hơn, tìm việc làm mới ổn định, có thể gắn bó lâu dài.
Về những phòng, ban mà doanh nghiệp sẽ cắt giảm, kết quả khảo sát cho thấy hành chính-thư ký là một trong những phòng ban mà doanh nghiệp sẽ lựa chọn đầu tiên và chiếm 12,3% ý kiến của doanh nghiệp, tiếp theo là phòng kinh doanh/bán hàng chiếm 8,4% và phòng chăm sóc Khách hàng chiếm 4,7%.
Đến nay, do đã có nhiều kinh nghiệm và sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn để đối mặt với đại dịch, nhiều doanh nghiệp lựa chọn biện pháp tối ưu hóa chi phí trong việc quản trị nhân sự. Theo đó, cắt giảm lương và phúc lợi nhằm giảm chi phí cho nguồn nhân lực hàng tháng được doanh nghiệp lựa chọn nhằm hạn chế cắt giảm nhân sự.
Ở mức cắt giảm lương và phúc lợi cao nhất lên tới 80%, có khoảng 3,7% doanh nghiệp, chủ yếu thuộc các ngành nhà hàng/khách sạn/du lịch; giáo dục/đào tạo. Có 9,9% doanh nghiệp cắt giảm 50-75% lương và phúc lợi, đây là những doanh nghiệp ngành giáo dục/đào tạo.
37,9% doanh nghiệp thực hiện cắt giảm 25-50% lương và phúc lợi, tập trung vào các ngành bất động sản/cho thuê ngắn hạn, dài hạn; xây dựng/kiến trúc và gia công/chế biến/sản xuất; 29,2% doanh nghiệp đã cắt giảm 15%-20% lương và phúc lợi trong thời gian khó khăn. Những doanh nghiệp này thuộc ngành nhập khẩu/xuất khẩu; thương mại/bán lẻ/bán sỉ; dịch vụ quảng cáo/tiếp thị trực tuyến/truyền thông
Có 19,3% doanh nghiệp cắt giảm ở mức thấp nhất là 5-10% lương và phúc lợi. Đây là những doanh nghiệp có quy mô hơn 1.000 người lao động đến từ ngành điện tử /điện tử viễn thông; tài chính/ngân hàng/bảo hiểm./.
Xem thêm: Toyota giảm 40% sản lượng vì cuộc "khủng hoảng chip" toàn cầu