Toyota giảm 40% sản lượng vì cuộc "khủng hoảng chip" toàn cầu

06:36 | 20/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tập đoàn sản xuất ôtô lớn nhất thế giới cắt giảm 40% sản lượng ôtô trong tháng 9 vì cuộc khủng hoảng chip toàn cầu và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Cắt giảm 40% sản lượng

Zing.vn, đưa tin, Tập đoàn sản xuất ôtô lớn nhất thế giới cắt giảm 40% sản lượng ôtô trong tháng 9 vì cuộc khủng hoảng chip toàn cầu và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Theo Bloomberg, cổ phiếu Toyota Motor Corp. đã giảm 4,7% sau khi tập đoàn sản xuất ôtô buộc phải cắt giảm 40% sản lượng ôtô toàn cầu vì thiếu hụt nguồn cung chip.

Toyota dự định sản xuất khoảng 900.000 ôtô trong tháng tới, dựa trên dự báo đưa ra vào tháng 7. Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn cung chip, chỉ còn khoảng 500.000 chiếc sẽ được sản xuất. Người phát ngôn của Toyota từ chối bình luận về vấn đề.

Theo Nikkei, đợt bùng phát dịch do chủng Delta trên khắp Đông Nam Á đã ảnh hưởng đến hoạt động mua sắm phụ tùng ôtô của tập đoàn Nhật Bản.

Toyota giảm 40% sản lượng vì cuộc khủng hoảng chip toàn cầu - ảnh 1

Ảnh minh họa

Việc Toyota vẫn giữ nguyên dự báo lợi nhuận kinh doanh hàng năm bất chấp nhu cầu ôtô toàn cầu tăng nhanh khiến nhiều nhà đầu tư thất vọng. Tập đoàn sản xuất ôtô duy trì mức dự báo lợi nhuận 2,5 nghìn tỷ yen (22,7 tỷ USD), thấp hơn mức 2,95 nghìn tỷ yen mà các nhà phân tích đưa ra.

Trong khi nhiều tập đoàn sản xuất ôtô chịu thiệt hại nặng nề từ khủng hoảng chip ôtô toàn cầu trong 9 tháng qua, Toyota vẫn duy trì hoạt động kinh doanh ổn định nhờ thế mạnh về chuỗi cung ứng và nguồn cung nguyên liệu sản xuất dồi dào.

Tuy nhiên, đợt bùng phát Covid đáng báo động khắp Đông Nam Á đang đe dọa hãng sản xuất ôtô Nhật Bản. Toyota đã đóng cửa toàn bộ ba nhà máy sản xuất ở Thái Lan, nơi ghi nhận số ca mắc kỷ lục. Các nhà máy của Toyota ở Thái Lan có tổng công suất sản xuất là 760.000 chiếc mỗi năm.

Cổ phiếu của các nhà cung cấp linh kiện và các chi nhánh của Toyota cũng sụt giảm, trong đó Toyota Industries Corp giảm 4,1% và Aisin Corp giảm 5,8%. Theo dữ liệu của Bloomberg, Toyota đóng góp 12% tổng doanh thu của Toyota Industries và 57% tổng doanh thu của Aisin Corp.

Khủng hoảng chip do đại dịch

Chip bán dẫn được làm từ silicon vì nó là chất dẫn điện tốt. Những con chip này được gắn vào các vi mạch cung cấp năng lượng cho nhiều loại hàng hóa và linh kiện điện tử hiện đại. Có thể lưu ý rằng tất cả các thành phần như mạch tích hợp, vi mạch, bóng bán dẫn và cảm biến điện tử đều được chế tạo bằng vật liệu bán dẫn. Chúng cho phép máy móc thực hiện các chức năng chính như điều khiển hoạt động, xử lý dữ liệu, lưu trữ, quản lý đầu vào và đầu ra, cảm biến, kết nối không dây và hơn thế nữa.

Theo Báo Thế giới & Việt Nam, đại dịch Covid-19 là nguyên nhân đầu tiên khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái hồi năm ngoái, phá vỡ chuỗi cung ứng và thay đổi mô hình mua sắm của người tiêu dùng. Vì vậy, để đương đầu với đại dịch, các nhà sản xuất ô tô buộc phải cắt giảm đơn đặt hàng chip trong năm 2020, còn các công ty sản xuất chip cũng giảm bớt hoạt động sản xuất.

Nhưng sự phục hồi nhanh chóng và dự báo sai về nhu cầu của người mua xe hơi đã khiến các nhà sản xuất ô tô phải vội vã đặt hàng số lượng lớn. Trong khi đó, nguồn cung chip bán dẫn lại không đủ.

Ngoài ra, lệnh trừng phạt của chính phủ Mỹ đối với các tập đoàn công nghệ Trung Quốc, cộng với người tiêu dùng đã mua nhiều máy tính xách tay, máy chơi game và các sản phẩm điện tử khác trong thời kỳ đại dịch dẫn đến lượng hàng tồn kho ngày càng eo hẹp.

Mặc dù chip máy tính không quá phức tạp hoặc đắt tiền, nhưng lại là bộ phận không thể thiếu trong việc chế tạo các thiết bị điện tử và mặt hàng gia dụng.

Tình trạng thiếu hụt đang diễn ra ngày càng tồi tệ, lan rộng từ ngành công nghiệp xe hơi đến thị trường điện tử tiêu dùng.

Ước tính của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn có trụ sở tại Mỹ cho biết khoảng 75% công suất sản xuất toàn cầu ở Đông Á, đi đầu là công ty TSMC (Đài Loan) và Samsung (Hàn Quốc). Các công ty bán dẫn của Mỹ chiếm 47% doanh số bán chip toàn cầu, nhưng chỉ 12% sản lượng toàn cầu được sản xuất tại đây.

Sự thiếu hụt là do các công ty châu Á đầu tư quá ít vào các nhà máy sản xuất chip 8 inch. Các công ty này thời gian qua phải vật lộn để tăng cường sản xuất khi nhu cầu về điện thoại và máy tính xách tay 5G tăng nhanh hơn dự kiến.

Qualcomm Inc, công ty chuyên sản xuất chip dành cho smartphone của Samsung, là một trong những nhà sản xuất chip lớn đang vật lộn để theo kịp nhu cầu của người sử dụng. Nhà cung cấp chính Foxconn của Apple cũng cảnh báo về việc thiếu chip ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng cho khách hàng.

Cuộc khủng hoảng chip ảnh hưởng trước tiên đến ngành công nghiệp xe hơi, đặc biệt là đối với năng suất và doanh số của các hãng lớn như General Motors, Ford và Volkswagen.

Theo công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit, việc thiếu hụt chip điện tử ảnh hưởng đến quy trình sản xuất ra 1,3 triệu ô tô và xe tải trên thế giới trong quý I/2021. Báo cáo của công ty cũng cho thấy vụ cháy nhà máy sản xuất chip Renesas ở Nhật Bản hồi tháng Ba, cũng như sự gián đoạn các nhà máy sản xuất chip do thời tiết mùa Đông khắc nghiệt ở Texas, sẽ khiến tình trạng thiếu hụt trở nên trầm trọng.

Tháng trước, nhà sản xuất ô tô mini của Anh cho biết họ đã đình chỉ dây chuyền sản xuất trong ba ngày vì khan hiếm chip. Mới đây, Ford cũng cảnh báo lượng sản phẩm có nguy cơ giảm xuống còn 1,1 triệu xe trong năm nay.

Minh Anh (T/h)