Đối thoại với DN lĩnh vực nông nghiệp về EVFTA
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có đại diện các Sở, ban, ngành tại thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận, đại diện các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Với chương trình được thiết kế khoa học, chuyên sâu, và đặc biệt, với sự tham gia của hai Bộ trưởng cùng đội ngũ chuyên gia đến từ các cán bộ đàm phán, quản lý trực tiếp lĩnh vực này, Hội nghị đã thu hút sự tham gia đông đảo của đại diện các sở, ban, ngành tại Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận, đại diện các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nằm trong chuỗi sự kiện phổ biến và lấy ý kiến rộng rãi về Hiệp định EVFTA trước khi Hiệp định được Chính phủ làm các thủ tục phê chuẩn theo luật định, hội nghị đã cung cấp các thông tin và kiến thức hữu ích cho các cơ quan quản lý địa phương, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, từ đó giúp các cơ quan quản lý tiếp thu các ý kiến của cơ quan quản lý địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, chuẩn bị quá trình phê chuẩn và thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA trong thời gian sắp tới.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, ngày 30 tháng 6 vừa qua, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), mở ra một giai đoạn hợp tác mới đầy triển vọng, kỳ vọng mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và tạo ra sức bật lớn cho ngành nông nghiệp.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay với kim ngạch xuất khẩu là 42 tỷ đô la Mỹ và tổng kim ngạch thương mại song phương là gần 56 tỷ đô la Mỹ trong năm 2018.
Tuy năm 2018, Việt Nam đã có những thành tựu vượt bậc về xuất khẩu nông sản, nhưng tính trong 7 tháng đầu năm 2019, khi kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 23,03 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ thì kim ngạch xuất khẩu nhóm các mặt hàng nông sản giảm tới 8,2%. Có thể thấy: xuất khẩu nông sản đã và đang gặp không ít rào cản, khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, xu hướng bảo hộ mậu dịch đã nổi lên ở nhiều nước và khu vực, thậm chí ngay tại những quốc gia có truyền thống ủng hộ tự do hóa thương mại. Vì vậy, việc EVFTA sớm được đưa vào thực thi sẽ đóng góp tích cực cho hoạt động sản xuất nông nghiệp: mở ra một thị trường xuất khẩu lớn với rất nhiều ưa đãi về thuế quan.
Nêu tổng quan về Hiệp định EVFTA, lợi ích chiến lược và các khuyến nghị cho cộng đồng DN, ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) - cho biết: EVFTA là hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng các lợi ích cho cả Việt Nam và EU, trong đó cũng đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên, củng cố mối quan hệ song phương theo định hướng chiến lược, toàn diện và bền vững.
Với hàng nông sản, theo ông Lương Hoàng Thái, EU dành tổng lượng hạn ngạch 80.000 tấn/năm đối với gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm, thuế trong hạn ngạch là 0%. Các sản phẩm rau củ quả tươi và chế biến, nước hoa quả, hoa tươi cơ bản xóa bỏ thuế ngay. Riêng với hàng thủy sản, 50% dòng thuế xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực (hiện thuế suất phần lớn là 6-22%); 50% số dòng thuế còn lại về 0% sau 3-7 năm…