Đóng điện TBA 220kV áp dụng mô hình BIM đầu tiên tại Việt Nam

Minh Huệ 14:35 | 20/12/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ban QLDA các công trình điện miền Trung phối hợp với các đơn vị liên quan đóng điện máy biến áp AT1 thuộc dự án Trạm biến áp 220kV Krông Ana và đấu nối.

Vào lúc 17h30 ngày 19/12, Ban QLDA các công trình điện miền Trung (CPMB) phối hợp với các đơn vị liên quan đóng điện máy biến áp AT1 thuộc dự án Trạm biến áp 220kV Krông Ana và đấu nối. Đây là trạm biến áp 220kV đầu tiên tại Việt Nam áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong đầu tư xây dựng, quản lý vận hành.

Trạm biến áp 220kV Krông Ana và đấu nối là công trình năng lượng nhóm I, với tổng mức đầu tư khoảng 280 tỷ đồng, được xây dựng trên địa bàn xã Đrây Bhăng, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk.

Dự án có quy mô xây dựng mới TBA 220/110/22kV, công suất đặt 2x125MVA theo quy hoạch, giai đoạn này lắp đặt một máy 125MVA. Xây dựng đường dây mạch kép 220kV dài khoảng 22,2 km đấu nối trên đường dây 220kV Buôn Kuốp – Krông Buk hiện có.

TBA 220kV Krông Ana

Công trình do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, Ban QLDA các công trình điện miền Trung quản lý điều hành dự án, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2- tư vấn thiết kế; Công ty Truyền tải điện 3 tiếp nhận vận hành.

Đây là những công trình có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo trong khu vực lên hệ thống điện quốc gia, góp phần đảm bảo cung cấp điện cho tỉnh Đắk Lắk.

Công trình được khởi công ngày 07/07/2020 và hoàn thành đúng tiến độ dù tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp cho thấy sự nỗ lực rất lớn của CPMB và các đơn vị thi công trên công trường. Việc hoàn thành công trình là hành động thiết thực của CPMB chào mừng 67 năm ngày Truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954-21/12/2021).

Theo CPMB, mô hình thông tin công trình (BIM) là một phương pháp để tối ưu hóa quá trình thiết kế thi công và vận hành của công trình xây dựng. BIM cung cấp công cụ để lên kế hoạch toàn diện và nâng cao khả năng điều hành, quản lý đối với cả vòng đời dự án ở trình độ công nghệ tiên tiến.

BIM cung cấp cho ban quản lý dự án một mô hình trực quan, cùng với các yếu tố tích hợp như tiến độ thi công, biểu đồ nhân công, biểu đồ phát triển giá thành công trình… giúp cho chủ đầu tư/ban quản lý dự án thực hiện công việc một cách dễ dàng và có sự chuẩn bị tốt về huy động nguồn vốn, theo dõi kế hoạch nhân lực hay các kế hoạch tổ chức thi công ngoài công trường, kiểm soát chi phí trong quá trình thực hiện; BIM là cơ sở để Chủ đầu tư/Ban quản lý dự án điều phối việc phối hợp thực hiện dự án giữa các nhà thầu và các đơn vị liên quan; giúp xử lý và lường trước các tình huống có thể xảy ra tại công trường.

Việc ứng dụng BIM thông qua việc tiêu chuẩn hóa tất cả các công đoạn thực hiện, cách thức chuyển giao dữ liệu… bằng các hướng dẫn, quy định, các file mẫu.

Trong đó, các quy trình dễ được kiểm soát xuyên suốt nhờ ứng dụng chặt chẽ các tiến bộ công nghệ thông tin, phần mềm. Nhờ đó các Ban quản lý dự án sẽ theo dõi, giám sát việc thực hiện thiết kế, thi công thuận lợi hơn, chính xác hơn, giúp giảm thiểu lãng phí và tăng hiệu quả thực thi.