Đồng Nai: Trạm trộn bê tông tươi không đủ điều kiện vẫn ngang nhiên hoạt động

17:17 | 05/02/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thời gian qua người dân xã Lộc An, huyện Long Thành, Đồng Nai bức xúc về việc doanh nghiệp tự ý xây dựng trạm trộn bê tông tươi trên đất nông nghiệp, không thực hiện đánh giá tác động môi trường, chưa được cấp phép.
Theo đơn tố cáo của bà Nguyễn Thị Hương có địa chỉ thường trú tại TP.HCM gửi cơ quan chức năng xã Lộc An, và huyện Long Thành thì hiện nay có một trạm trộn bê tông được xây dựng và hoạt động trái phép trên khu đất tại thửa 128 có diện tích 13.333m2 đất trồng cây lâu năm và thửa 129 có diện tích 11.055,5m2 đất ở tại nông thôn, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm cùng thuộc tờ bản đồ số 10, xã Lộc An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai do bà Nguyễn Thị Kim Dung là chủ sử dụng.
 
Cũng theo phản ánh của bà Hương thì trạm trộn bê tông này đi vào hoạt động được khoảng 1 năm gây ồn ào và khói bụi mù mịt từ sáng đến tối khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn. Phế thải được xả trực tiếp ra các thửa đất xung quanh khu vực trạm trộn khiến người dân không thể canh tác.
 
Đồng Nai: Trạm trộn bê tông tươi không đủ điều kiện vẫn ngang nhiên hoạt động - ảnh 1
Bãi nguyên vật liệu không được che chắn kỹ
 
Không chỉ bụi thải mà tiếng máy móc, tiếng xay trộn, cát đá va vào nhau tạo nên những âm thanh chát chúa, tiếng còi xe huyên náo. Mặc dù rất ồn nhưng trạm trộn bê tông lại ngăn cách với bên ngoài chỉ bằng những mảnh tôn cao khoảng 2m, mỏng manh tạm bợ vây quanh.Trong khi đó, bãi đá, cát rộng không được phủ bạt che chắn, cao hơn cả bức tường rào bằng tôn. Mỗi khi máy múc múc cát, đá lên xe tải, máy trộn là bụi bay mịt mù, cuốn theo gió và tạt vào nhà dân.
 
Đồng Nai: Trạm trộn bê tông tươi không đủ điều kiện vẫn ngang nhiên hoạt động - ảnh 2
Nguyên vật liệu cao hơn cả nhà dân
 
Không chỉ vậy, những bánh xe bồn, xe tải dính đầy bùn đất mang từ trong trạm trộn ra ngoài khi vận chuyển bê tông đi tiêu thụ không được xịt rửa khiến cho mặt đường nhầy nhụa vào mùa mưa, mùa nắng thì phủ bụi trắng toát dọc hai bên đường. Phía trong trạm trộn, những vũng bùn, đất đá, bê tông đang hằn theo những vết xe chạy qua in lên mặt đường trơn trượt, máy móc, xe tải, xe bồn đang hoạt động đông đúc.
 
Ngoài ra, dọc hai bên đường ngoài cổng trạm trộn bê tông này, đá, sỏi, vữa bê tông rơi vãi đầy hai bên đường, tràn xuống những thửa ruộng gần đó khô cứng khiến người dân phải bỏ hoang ruộng đất vì không thể canh tác.
 
Đồng Nai: Trạm trộn bê tông tươi không đủ điều kiện vẫn ngang nhiên hoạt động - ảnh 3
Chưa được cấp phép nhưng đã đi vào hoạt động được 1 năm
 
Qua tìm hiểu tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, PV Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam được biết các thửa đất nêu trên đều nằm trong quy hoạch đất ở tại nông thôn kết hợp trồng cây lâu năm và chưa được chủ sử dụng đất chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp. Đồng thời Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, mới đây Công ty Cổ phần Sản xuất Tiến Phát có văn bản xin quyết định chủ trương đầu tư dự án trạm trộn bê tông tươi với diện tích đất sử dụng khoảng 5.650m2 tại xã Lộc An, huyện Long Thành  tuy nhiên khu đất nêu trên lại có nguồn gốc đất cá nhân sử dụng.
 
Theo điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của huyện Long Thành đã được UBND tỉnh phê duyệt tại QĐ số 4628/QĐ- UBND ngày 22/12/2017 thì vị trí tại thửa đất số 129, towg bản đồ 10 xã Lộc An với diện tích 11.055,5m2 thuộc quy hoạch đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp (diện tích 10.601,1m2), đất giao thông (diện tích 454,4m2). Theo hồ sơ đính kèm Công ty Cổ phần Vận tải sản xuất Tiến pháp (Công ty Tiến Phát) chỉ sử dụng phần diện tích khoảng 5.650m2, công suất 120m3/ giờ trong diện tích 11.055,5m2 nêu trên để thực hiện dự án trạm trộn bê tông tươi. Tuy nhiên, trong hồ sơ không có bản đồ địa chính thể hiện vị trí cụ thể phần diện tích đất đề xuất thực hiện dự án, do đó Sở TN&MT chưa thể kết luận dự án có  phù hợp với quy hoạch hay không.
 
Đồng Nai: Trạm trộn bê tông tươi không đủ điều kiện vẫn ngang nhiên hoạt động - ảnh 4
Bụi mù mịt từ hoạt động vận chuyển nguyên vật liệu
 
Công ty Tiến Phát cũng không đề xuất Nhà nước cho thuê đất mà ký Hợp đồng thuê quyền sử dụng đất có thời hạn với hộ gia đình, cá nhân có đất trong khuôn viên dự án đồng thời đến thời điểm 9/11/2020 hộ gia đình, cá  nhân là chủ sử dụng đất vẫn chưa làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng trước khi cho thuê quyền sử dụng đất, chưa thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định. Theo quy định tại khoản 7 Điều 13 Nghị định 50/2016/NĐ-CP thì hành vi triển khai thực hiện dự án khi chưa được cấp Quyết định chủ trương đầu tư sẽ bị phạt tiền từ 60 – 80 triệu đồng.
 
Căn cứ khoản 4 Điều 23 Luật Bảo vệ môi trường 2014 thì UBND cấp tỉnh tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư trên địa bàn không thuộc trường hợp do Bộ Tài nguyên môi trường, bộ, cơ quan ngang bộ, bộ Quốc phòng, bộ công an tổ chức thẩm duyệt.
 
Theo đó, dự án trạm trộn bê tông của công ty Tiến Phát phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt.
 
Hành vi không có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt theo quy định đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh có quy mô và công suất tương đương với trường hợp phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình UBND tỉnh phê duyệt thì bị phạt tiền từ 150-200 triệu đồng; Buộc phải có biện pháp quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, giảm thiểu tiếng ồn, độ rung, phát sáng, phát nhiệt và xử lý nước thải, khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp vi phạm tại Điều này; Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này gây ra theo quy định tại điểm d khoản 4 và khoản 7 Điều 11 Nghị định 155/2016/NĐ-CP.
 
Đồng Nai: Trạm trộn bê tông tươi không đủ điều kiện vẫn ngang nhiên hoạt động - ảnh 5
Hạt động nghiền trộn gây tiếng ồn lớn ảnh hưởng đến các hộ dân
 
Có thể thấy, Công ty Tiến Phát mới chỉ có văn bản xin đầu tư dự án, chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép nhưng đã đưa vào hoạt động 3 silo xi măng, hệ thống định lượng, hệ thống điều khiển, hệ thống kết cấu thép, máy trộn, phần còn lại của khu đất dùng bãi tập kết vật liệu xây dựng, nhà bảo vệ…và đang hoạt động với công suất lớn thách thức dư luận.
 
Thiết nghĩ cơ quan chức năng Huyện Long Thành và Tỉnh Đồng Nai cần sớm làm rõ những dấu hiệu coi thường pháp luật nêu trên, tạo sự bình đẳng trong hoạt động của các doanh nghiệp xây dựng nói riêng và trong sản xuất - kinh doanh nói chung.
 
Hải Dương