Dòng vốn FDI tiếp tục đổ mạnh vào BĐS trong năm 2019
20:45 | 13/12/2018
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đó là nhận định của Tiến sĩ Cấn Văn Lực về xu thế thị trường bất động sản năm 2019 tại Hội nghị Bất động sản Việt Nam (VRES 2018) do Kênh thông tin batdongsan.com.vn, thành viên của Tập đoàn Property Guru Singapore tổ chức vào ngày 12/12.
Đánh giá tổng quan chung của doanh nghiệp bất động sản (BĐS) trong năm 2018, TS. Cấn Văn Lực cho hay, các doanh nghiệp địa ốc nhìn chung phát triển tốt. 11 tháng đầu năm, có khoảng gần 6.000 doanh nghiệp kinh doanh tư nhân BĐS mới thành lập, tăng 45%, khoảng 15.500 doanh nghiệp xây dựng mới, tăng 6%.
Về vốn thành lập, trước đây chỉ khoảng 20 tỷ đồng, hiện nay lên tới 60-70 tỷ đồng cho một doanh nghiệp, chứng tỏ dòng vốn tư nhân đổ vào BĐS đã tăng nhiều.
Số lượng doanh nghiệp minh bạch niêm yết trên sàn tăng, lợi nhuận của các doanh nghiệp BĐS rất tốt. Trong 9 tháng năm 2018, số doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, lợi nhuận ròng tăng 51% (so bình quân thị trường là 31%).
Về nguồn vốn cho thị trường BĐS, ông Lực cho biết, năm 2018 dù tín dụng chung không tăng bằng mặt bằng chung của thị trường nhưng tín dụng riêng đổ vào lĩnh vực BĐS vẫn tăng.
Cụ thể, năm 2017, tín dụng chung của các tổ chức hệ thống tín dụng tăng 18,2%, cho vay BĐS tăng 8%. Năm 2018 dự báo tín dụng chung tăng khoảng 15%, tín dụng BĐS tăng khoảng 10%.
Cùng với đó, chỉ trong 11 tháng năm 2018, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào BĐS khoảng 6,5 tỷ USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng vốn đăng ký vào BĐS chiếm khoảng 33% vốn đăng ký mới, đứng thứ 2 trong các ngành nghề. Ông Lực nhận định, dòng vốn FDI vào BĐS tăng mạnh trong năm 2018 và dự báo tiếp tục đà tăng tốt trong năm 2019.
Do đó, TS. Cấn Văn Lực cho rằng nguồn vốn vào thị trường BĐS ngày càng đa dạng, đây là một tín hiệu tốt đánh dấu việc giảm dần sự lệ thuộc vào vốn vay ngân hàng. Mặt khác, năm 2019, dòng vốn ngoại vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam. Điều này rõ ràng là một dấu hiệu tích cực và được kỳ vọng sẽ giúp cho thị trường BĐS Việt Nam sẽ trở nên hấp dẫn, hồi phục tốt và tăng trưởng hơn.
Nhận định về xu hướng BĐS trong thời gian tới, TS. Cấn Văn Lực cho rằng: Thị trường BĐS sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong năm 2019 nhờ tiền đề vững chắc từ nền kinh tế vĩ mô. Theo dự báo GDP vẫn tiếp tục tăng trưởng 6,8% bằng với tốc độ năm 2018 với lạm phát được kiềm chế dưới mức 4%
Bên cạnh đó, chung cư tại Hà Nội và khu vực phía bắc tiếp tục phát triển do còn nhiều dư địa. Ở phía nam, xu hướng chung cư hạng sang và siêu sang sẽ tiếp tục nổi lên trong năm 2019 nhưng nguồn cung hạn chế. Phân khúc chung cư bình dân sẽ tiếp tục được quan tâm tìm kiếm nhiều nhất.
Đối với các tỉnh lân cận TPHCM như Long An, Bình Dương, Đồng Nai, dù hiện nay có dấu hiệu giảm nhiệt nhưng thời gian tới sẽ có bước phát triển mới khi mà quỹ đất của TPHCM không còn nhiều. Còn tại phía bắc, các vệ tinh như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam sẽ là những thị trường rất sôi động.
Vì vậy, trong thời gian tới cơ hội sẽ nhiều hơn thách thức nhưng thị trường sẽ có những diễn biến phức tạp, cạnh tranh rất khốc liệt. Vì vậy, các doanh nghiệp phải chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để ứng phó với các kịch bản của năm 2019. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến giải pháp về kinh tế số, số hóa BĐS để nâng cao hiệu suất, hiệu quả trong điều hành.
Ngoài ra, năm 2019 chưa xảy ra bong bóng BĐS bởi sau nhiều đợt xảy ra tình trạng sốt nóng như trước đây, các cơ quan nhà nước đã rút ra nhiều bài học, trong đó cũng có các yếu tố góp vào sửa luật. Bản thân doanh nghiệp nhiều bài học kinh nghiệm để điều chỉnh chiến lược kinh doanh của mình.
Trong khuôn khổ Hội nghị Bất động sản Việt Nam (VRES 2018), ông Lực cũng lưu ý về một số phân khúc khác dưới tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Cụ thể, leo thang chiến tranh thương mại sẽ khiến bất động sản công nghiệp và mặt bằng bán lẻ ở Việt Nam được hưởng lợi khi mà các nhà đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc và nhà đầu tư Trung Quốc có xu hướng dịch chuyển nhà máy, công xưởng sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam. Do vậy thị trường BĐS công nghiệp sẽ có cơ hội tăng trưởng mạnh.
Còn với mặt bằng bán lẻ, ngoài yếu tố trên thì thị trường tiêu dùng Việt Nam tăng trưởng rất tốt trong 10 tháng đầu năm, khoảng 11,4%. Nếu loại trừ yếu tố giá thì vẫn tăng ở mức khoảng 8,8%. Đây là mức tăng cao nhất trong 5 năm vừa qua.