Đột phá thể chế cho kinh tế tư nhân, tạo động lực tăng trưởng kinh tế
Kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, đóng góp khoảng 40% GDP và hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước (theo số liệu năm 2023). Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp tư nhân vẫn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, gặp nhiều rào cản trong việc mở rộng quy mô và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế. Đặc biệt, Việt Nam vẫn thiếu những doanh nghiệp đầu tàu có sức ảnh hưởng lớn trong khu vực và toàn cầu.
Giáo sư Tiến sĩ Vũ Minh Khương - giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore dẫn lời Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu trong chuyến thăm và làm việc tại Singapore nhận định: Kinh tế tư nhân có thể là vũ khí chiến lược giúp Việt Nam nâng cao vị thế quốc gia. Nếu được phát huy tốt, kinh tế tư nhân sẽ tạo ra những đột phá, mở ra tiềm năng phát triển to lớn cho đất nước.
Đây là khát khao của xã hội, giúp giải phóng nguồn lực và tạo ra hiệu ứng cộng hưởng mạnh mẽ. Kinh tế tư nhân có tính nhạy bén, linh hoạt và có khả năng khơi dậy nội lực, tạo ra phản ứng dây chuyền, hình thành một hệ sinh thái kinh tế sôi động. Tuy nhiên, kinh tế tư nhân nói riêng và các thành phần kinh tế nói chung đang gặp phải nhiều hạn chế về thể chế, gây ra những điểm nghẽn nghiêm trọng. Nhiều quy định hiện hành có vẻ như cho phép doanh nghiệp tư nhân tồn tại nhưng lại không tạo điều kiện cho phát triển, khiến nền kinh tế khó có bước đột phá.
Hiện nay, việc quản lý tại Việt Nam chủ yếu thiên về kiểm soát tuân thủ quy định, xem doanh nghiệp làm đúng quy trình hay không, trong khi các quốc gia khác sẽ ưu tiên lợi ích quốc gia, hiệu quả tạo ra giá trị cho doanh nghiệp. Đây là yếu tố giúp thay đổi cơ cấu kinh tế, nắm bắt công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trong khi đó, tăng trưởng chỉ là sự nhân đôi, nhân ba trong khuôn khổ mô hình cũ, chưa tạo ra sự đột phá về chất. Để phát triển khu vực kinh tế tư nhân, cần tập trung vào một số điểm chính như xây dựng tầm nhìn chiến lược dài hạn từ nay đến năm 2030 - 2045, nhằm tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển bền vững - Tiến sĩ Vũ Minh Khương phân tích.
Riêng TP. Hồ Chí Minh, cần rà soát các điểm nghẽn trong từng ngành để tháo gỡ một cách triệt để. Lập bản đồ cải biến các ngành công nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng đột phá, nâng cao năng suất, đẩy mạnh đổi mới công nghệ, sáng tạo và hội nhập quốc tế. Ví dụ, tại các dự án của Samsung ở Thái Nguyên, doanh nghiệp Việt Nam hiện mới chỉ cung cấp được suất ăn và bàn ghế. Nên chăng, tận dụng doanh nghiệp tinh nhuệ của TP. Hồ Chí Minh để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ và nâng cao giá trị gia tăng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nêu vấn đề: Thực tế trong thời gian qua, khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn đang lép vế so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đội ngũ doanh nghiệp tư nhân còn nhỏ, yếu, gặp nhiều khó khăn; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường nhiều hơn số doanh nghiệp tham gia vào thị trường. Trong khi đó, khu vực này lẽ ra phải đóng vai trò nền tảng cho nền kinh tế. Một vai trò khác của kinh tế tư nhân là đóng góp vào hoạt động xuất nhập khẩu, nhưng tỷ lệ này vẫn còn khiêm tốn.
Theo ông Trần Đình Thiên, đã lựa chọn kinh tế thị trường và xác định kinh tế tư nhân đóng vai trò chủ đạo, thì các chính sách và chiến lược phát triển cũng phải lấy khu vực này làm trọng tâm. Phát triển kinh tế tư nhân không thể chỉ dừng lại ở việc cấp giấy phép, mà phải tạo ra một chiến lược toàn diện. Tinh thần đổi mới là phải thay đổi triệt để, chứ không chỉ dừng lại ở việc chỉnh sửa, cơi nới các cơ chế cũ mới có thể tạo ra sự đột phá. Doanh nghiệp cũng cần được “thay máu” bởi lực lượng có khả năng đổi mới sáng tạo, bắt kịp quá trình hội nhập, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cần xây dựng một hệ thống thể chế mới. Điển hình như Luật Lao động hiện nay chủ yếu điều chỉnh đối tượng lao động chân tay, nhưng luật mới cần bổ sung, điều chỉnh thêm để phù hợp với lực lượng lao động trí óc, lao động sáng tạo. Các luật như Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ… cũng cần được sửa đổi để tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tư nhân phát triển.
"Đã đến lúc khu vực doanh nghiệp tư nhân phải tạo ra áp lực thay đổi chính sách, chứ không chỉ dừng lại ở việc "xin – cho". Việc tạo ra áp lực là cần thiết để thúc đẩy sự thay đổi chính sách, qua đó tạo động lực phát triển cho kinh tế tư nhân trong bối cảnh hiện nay”, ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh./.