Dow Jones tăng hơn 100 điểm sau phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, chỉ số Dow Jones tăng 160,35 điểm (tương đương 0,6%) lên 28.492,27 điểm. Hồi đầu phiên, chỉ số này đã chuyển sang sắc xanh trong năm 2020. Chỉ số S&P 500 tăng nhẹ 0,2% lên 3.484,55 điểm và tích tắc vượt ngưỡng 3.500 điểm lần đầu tiên. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite giảm nhẹ 0,3% xuống 11.625,34 điểm.
Chứng khoán Mỹ được thúc đẩy hồi đầu phiên sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết Ngân hàng Trung ương nhất trí chính sách áp mục tiêu lạm phát trung bình. Nói cách khác, Fed sẽ để lạm phát cao hơn mục tiêu 2% một chút trong một khoảng thời gian.
Chủ tịch Fed Jerome Powell
Nhiều năm qua, Fed đã cố giữ lạm phát ở ngưỡng 2% - một mức mà các nhà hoạch định chính sách cho là có thể kiểm soát được và ám chỉ một nền kinh tế khỏe mạnh. Thế nhưng, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, lạm phát tại Mỹ thường dưới ngưỡng mục tiêu.
Jerome Powell cũng ám chỉ rằng tỷ lệ thất nghiệp có thể ở mức thấp hơn trong khoảng thời gian dài hơn trước khi Fed bắt đầu nghĩ đến chuyện nâng lãi suất. Điều này khiến lợi suất ngắn hạn giảm và lợi suất dài hạn tăng.
Gregory Faranello - Giám đốc bộ phận lãi suất Mỹ tại Amerivet Securities, nhận định: “Hôm nay là một ngày khá ý nghĩa". Powell nói thêm rằng "chúng tôi không muốn thấy sự hồi sinh thị trường chỉ riêng với các nhân viên ngân hàng Phố Wall. Chúng tôi muốn thấy sự hồi sinh cho những người cần nó nhất trong thời điểm cụ thể này".
Cổ phiếu ngân hàng tăng trên diện rộng. Cổ phiếu Citigroup tiến 1,7%. Cổ phiếu JPMorgan Chase, Bank of America và Wells Fargo đều tăng ít nhất 1,9%. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm nhích lên 0,74% và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm tiến lên 1.051%.
Đà tăng của cổ phiếu ngân hàng đã bị bù đắp khi các cổ phiếu công nghệ lớn giảm trên diện rộng. Cổ phiếu Facebook và Netflix lần lượt sụt 3,5% và 3,9%. Cổ phiếu Amazon, Alphabet và Apple đều giảm hơn 0,9%. Cổ phiếu Microsoft đã vượt qua xu hướng giảm điểm trong lĩnh vực công nghệ, tăng gần 2,5%.
Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, cộng 1,12 điểm lên 24,39. Chỉ số này cũng chạm mức cao nhất kể từ ngày 03/08/2020.
Thất nghiệp tăng, GDP giảm
Nhà đầu tư cũng cân nhắc dữ liệu kinh tế vừa công bố để đo lường sức khỏe nền kinh tế. Vào ngày thứ Tư (26/08), Bộ Lao động Mỹ cho biết số người Mỹ lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở mức 1 triệu người trong tuần trước, khớp với kỳ vọng, qua đó đánh dấu 2 tuần liên tiếp ghi nhận hơn 1 triệu người nộp đơn xin trợ cấp.
Thomas Simons, nhà kinh tế thị trường tiền tệ tại Jefferies cho biết: “Dữ liệu tuyên bố trong tuần này thật đáng khích lệ. Tuy nhiên, chúng tôi lo ngại rằng việc khôi phục lại mức trợ cấp 400 đôla thay vì 600 đôla trước đó đã hết hạn vào đầu tháng 8 sẽ khiến cho nhiều người chọn nhận trợ cấp thất nghiệp thay vì đi làm trở lại".
Trong khi đó, GDP quý 2 được điều chỉnh giảm 31,7%, thấp hơn so với ước tính sụt 32,5%. Kết quả ban đầu vào ngày 30/7 cho thấy hoạt động kinh tế giảm 32,9%. Trong khi kết quả mới nhất cho thấy sự tăng nhẹ, nhưng vẫn đánh dấu mức sụt giảm hàng quý lớn nhất được ghi nhận.
Hy vọng rằng, chính sách kích thích đưa ra có thể giúp đẩy các chỉ số thị trường chính lên mức cao kỷ lục mới, một kỳ tích mà cả Nasdaq Composite và S&P 500 đều đạt được vào hôm thứ Tư.
Hoàng Dung/ Theo CNBC