Dow Jones mất gần 300 điểm khi lợi suất trái phiếu vượt ngưỡng 5%

Minh Quang 08:06 | 21/10/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều tiếp tục giảm điểm khi lợi suất trái phiếu vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2007.

Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 20/10, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 287 điểm, tương đương 0,86% và đóng cửa ở mức 33.127 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,26%, chốt phiên với 4.224 điểm và ghi nhận tuần giảm đầu tiên sau ba tuần. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 1,53%, xuống còn 12.984 điểm.

Cả ba chỉ số chính đều ghi nhận mức giảm sâu trong tuần này.

Cổ phiếu VinFast (VFS) tiếp tục đà trượt dài dù vừa ký kết thỏa thuận mua lại trị giá 1 tỷ USD với Yorkville Advisors. Chốt phiên 20/10, cổ phiếu của hãng xe điện giảm thêm 5,45% xuống còn 5,38 USD/cp. Hiện vốn hóa của công ty đạt 12,5 tỷ USD, vẫn đứng vị trí thứ 28 trong danh sách những hãng xe lớn nhất thế giới.

Cuối ngày 19/10, lần đầu tiên sau 16 năm, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt mốc 5%. Lợi suất tăng có thể tác động đến nền kinh tế bằng cách đẩy lãi suất cho vay thế chấp, thẻ tín dụng, vay mua ô tô đi lên. Chưa kể lợi suất cao còn biến trái phiếu thành một kênh đầu tư thay thế hấp dẫn cho cổ phiếu.

Vào khoảng 17h (giờ địa phương), lợi suất kỳ hạn 10 năm đã đạt ngưỡng 5,001%, mức cao nhất kể từ tháng 7/2007. Sau đó, lợi suất đã giảm xuống còn khoảng 4,91% vào ngày 20/10.

 

Ông David Donabedian, Giám đốc đầu tư của CIBC Private Wealth Management, cho biết: “Thị trường chứng khoán đang theo dõi thị trường trái phiếu và không thích những gì đang diễn ra. Lợi suất đang tăng lên, ngay cả khi có những tin tức tương đối tốt với trái phiếu. Đây là lý do chính khiến chứng khoán yếu đi”. 

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 30 năm cũng đạt mức cao nhất kể từ 7/2007. Trong khi đó, lãi suất thế chấp cố định kỳ hạn 30 năm đã lên 8% trong tuần này, ngưỡng cao chưa từng thấy từ năm 2000.

Cổ phiếu ngân hàng khu vực sụt giảm trước những lo ngại về rủi ro khi trái phiếu mà các nhà băng đang nắm giữ bị mất giá. Cổ phiếu của Region Financial cắm đầu hơn 12% sau báo cáo kết quả kinh doanh kém sắc. SPDR S&P Regional Banking ETF (KRE) cũng mất hơn 4%.

 

Cổ phiếu của American Express giảm hơn 5%. Thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) của công ty cao hơn kỳ vọng nhưng doanh thu chỉ tương đương dự báo. Ngoài ra, doanh thu ngoài lãi của American Express đã không đạt kỳ vọng. Nhóm cổ phiếu năng lượng mặt trời cũng giảm sâu sau khi SolarEdge cắt giảm dự báo doanh thu quý 3, khiến cổ phiếu cắm đầu 27%.

 

Nvidia, gã khổng lồ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI), có tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 9/2022 khi giảm gần 9%. Nhiều cổ phiếu bán dẫn khác cũng gặp khó sau khi Bộ Thương mại Mỹ công bố kế hoạch thắt chặt xuát khẩu chip bán dẫn phục vụ AI sang Trung Quốc. 

Tesla kết thúc tuần với mức giảm hơn 15%, đánh dấu kết quả tồi tệ nhất kể từ tháng 12/2022. Công ty sản xuất xe điện đã lần đầu tiên không đạt kỳ vọng của Phố Wall về hai dòng xe kể từ năm 2019.

 

Những lo ngại về lãi suất cao hơn đè nặng lên thị trường trong tuần này. S&P 500 mất 2,4%, trong khi chỉ số Dow Jones và Nasdaq Composite giảm lần lượt 1,6% và 3,2%.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhanh Cleveland, bà Loretta Mester kỳ vọng rằng lãi suất có thể sẽ không tăng hoặc nhích lên rất ít.

“Bất kể quyết định trong cuộc họp tiếp theo như thế nào, nếu nền kinh tế phát triển như dự đoán, theo quan điểm của tôi, chúng ta có thể ở gần hoặc đã ở mức lãi suất để đánh giá tình hình nền kinh tế, tài chính cũng như những tác động của việc thắt chặt”, bà Mester phát biểu.

Quan chức này nói thêm rằng bà đồng ý với dự báo của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) vào tháng 9 rằng một đợt tăng lãi suất khác có thể diễn ra trước cuối năm 2023. Tuy nhiên, bà lưu ý rằng khả năng nâng lãi suất là rất thấp.

Bà Mester không phải là thành viên bỏ phiếu của FOMC trong năm nay nhưng sẽ bỏ phiếu vào năm tới.