Dự án Metro Nhổn - ga Hà Nội sẽ tăng vốn, khai thác vào năm 2027

Đông Bắc 16:56 | 24/05/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau ba lần tăng vốn và bốn lần lùi tiến độ, dự kiến năm 2027 dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội mới đi vào khai thác toàn tuyến.

Mới đây, Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết đã trình UBND TP Hà Nội điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội (metro Nhổn - ga Hà Nội).

Tuy thông cáo của Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội không nêu cụ thể nội dung đề xuất điều chỉnh nhưng trong các văn bản trình UBND TP Hà Nội trước đó, MRB đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ giai đoạn 2009 - 2022 thành 2009 - 2029. Trong đó, khai thác đoạn trên cao dài 8,5km trong năm 2022, khai thác toàn tuyến 12,5km vào năm 2027 và hoàn thành bảo hành, quyết toán vào năm 2029.

Theo Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, đến nay tiến độ tổng thể chung của dự án đạt 74,36%. Thời gian thực hiện dự án được điều chỉnh kéo dài, lý giải do đây là một dự án lớn và phức tạp, áp dụng công nghệ và tiêu chuẩn của nước ngoài, trong quá trình thực hiện đã gặp phải nhiều khó khăn.

Theo đó, việc chậm trễ, vướng mắc giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật được cho là nguyên nhân chính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án. Đến nay, còn khiếu nại về chính sách bồi thường của 177 hộ dân; có những gói thầu chậm bàn giao mặt bằng đến 5 - 6 năm; có 50 tòa nhà (không trong diện thu hồi đất) bị ảnh hưởng thi công đoạn đi ngầm nhưng quy trình bồi thường khó khăn vì chưa có tiền lệ và quy định pháp luật.

Ngoài ra, các gói thầu của dự án được ký theo mẫu hợp đồng quốc tế FIDIC có nhiều điểm khác biệt với quy định của pháp luật Việt Nam; vướng mắc liên quan đến điều chỉnh hợp đồng với tư vấn Systra (hợp đồng trọn gói); vướng mắc liên quan đến hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, đơn giá, giá vật tư, thiết bị chuyên ngành về lĩnh vực metro ở Việt Nam; ảnh hưởng của đại dịch COVID-19...

Vì những vướng mắc trên, đến nay có tới 9 trong 10 gói thầu của dự án cần phải ký kết các phụ lục gia hạn thời gian thực hiện và bổ sung các chi phí do kéo dài thời gian thực hiện.

Ngoài việc điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, tổng mức đầu tư dự án cũng được đề nghị nâng lên 34.532 tỷ đồng, tăng khoảng 4.905 tỷ đồng (tương đương 202,81 triệu euro).

Mức tăng được lý giải do biến động của tỷ giá quy đổi (tiền euro sang tiền Việt Nam) khi thanh toán khối lượng thực hiện; điều chỉnh thiết kế và các yêu cầu kỹ thuật để phù hợp với thực tế thi công, phương án vận hành; chậm trễ tiến độ dẫn đến phải gia hạn thời gian thực hiện; cập nhật các chi phí trong tổng mức đầu tư; bổ sung các phần việc còn thiếu do không lường trước được khi dự án lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam...

 

Metro Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5km, trong đó 8,5km đi trên cao, 4km đi ngầm, 8 ga trên cao, 4 ga ngầm, 1 depot. Dự án khởi công ngày 25/9/2010 với mục tiêu cuối năm 2015 hoàn thành, đưa vào sử dụng giai đoạn 1. Do nhiều nguyên nhân khiến dự án chậm trễ, UBND TP Hà Nội điều chỉnh tiến độ khai thác đoạn trên cao vào tháng 4/2021. Dự kiến, khai thác đoạn trên cao dài 8,5km trong năm 2022, khai thác toàn tuyến 12,5km vào năm 2027 và hoàn thành bảo hành, quyết toán vào năm 2029.

Hiện dự án đã nhập về đủ 10 đoàn tàu và tiến độ tổng thể đạt khoảng 74% (đoạn trên cao đạt 89,5%; đoạn ngầm đạt 32,2%), dự kiến sẽ đưa vào khai thác vận hành đoạn trên cao vào tháng 12-2022. Riêng đoạn ngầm thuộc gói CP 03 xảy ra khiếu nại của nhà thầu tiến độ đạt 33%.

Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 783 triệu euro, đến nay điều chỉnh lên 1,176 tỷ euro, trong đó: vốn vay ODA là 957,99 triệu euro từ Chính phủ Pháp, Cơ quan Phát triển Pháp, Ngân hàng Đầu tư châu Âu và Ngân hàng Phát triển châu Á; vốn đối ứng từ ngân sách TP Hà Nội là 218,01 triệu euro.