Dự báo biên lãi của Techcombank chịu áp lực khi tỷ lệ CASA tiếp tục giảm trong nửa đầu năm

Thùy Dương 15:24 | 10/03/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nhóm phân tích VCBS dự báo trong năm 2023, tỷ lệ CASA tiếp tục giảm trong bối cảnh lãi suất được kỳ vọng tiếp tục neo ở mức cao. Điều này có nguy cơ tạo áp lực tăng lên chi phí vốn và giảm biên lãi thuần (NIM), qua đó ảnh hưởng đến tăng trưởng từ lãi của Techcombank.

Báo cáo triển vọng doanh nghiệp của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) ngày 2/3 nhận định Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (HOSE: TCB) là một trong những ngân hàng hàng đầu về tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tại Việt Nam, từng thiết lập kỷ lục trên 50% vào cuối năm 2021. Trong năm 2022, do nhiều biến động trên thị trường tài chính, tỷ lệ CASA của TCB ghi nhận sự sụt giảm còn khoảng 46,5% vào cuối quý III/2022, tuy nhiên vẫn cao nhất hệ thống. Sang đến cuối quý IV/2022, khi tỷ lệ CASA của TCB giảm về hơn 37%, ngân hàng này mới tụt xuống vị trí thứ hai nhường chỗ cho MBB.

Trước khi TCB trở thành một trong những ngân hàng đứng đầu về CASA, Ngân hàng TMCP Quân Đội (HOSE: MBB) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (HOSE: VCB) là 2 ngân hàng có lợi thế lớn nhất về chi phí vốn, về tiền gửi không kỳ hạn. Vị thế của MBB và VCB khi đó là rất vững chắc và khó có một nhà băng nào cạnh tranh được. 

Tuy nhiên, khi TCB tiến hành chiến lược chuyển đổi số và thực hiện chính sách "Zero Fee" từ năm 2016, "cuộc chơi" đã có sự thay đổi ngoạn mục, giúp ngân hàng chỉ trong thời gian ngắn đã vươn lên Top đầu về CASA. 

 Ảnh: Minh Vy - CafeF.

Nhóm phân tích VCBS nhận định tỷ lệ CASA duy trì trên 40% trong 3 quý đầu năm 2022 nhưng giảm mạnh về mức 34,3% vào cuối quý IV/2022 phản ánh xu thế chung của ngành ngân hàng khi người gửi tiền có xu hướng chuyển sang gửi tiền có kỳ hạn do lãi suất huy động tăng mạnh từ cuối quý III.

 Ảnh: VCBS

Mặc dù có xu hướng suy giảm, nhưng tỷ lệ CASA vẫn ở mức cao giúp cho TCB giảm áp lực tăng lãi suất huy động tiền gửi một các tương đối so với các đối thủ trong ngành và duy trì được một mức chi phí vốn thấp so với trung bình ngành.

 Ảnh: VCBS

VCBS dự báo trong năm 2023, tỷ lệ CASA tiếp tục giảm trong bối cảnh lãi suất được kỳ vọng tiếp tục neo ở mức cao. Điều này sẽ được thể hiện rõ ràng hơn trong hai quý đầu năm 2023; đồng thời tạo áp lực tăng lên chi phí vốn và giảm biên lãi thuần (NIM), ảnh hưởng đến tăng trưởng từ lãi của TCB.

Dựa trên 4 giả định: tăng trưởng tín dụng của TCB đạt 13% cho năm 2023; lợi suất sinh lời của tài sản sinh lãi tăng từ 7,82% năm 2022 xuống 7,77% năm 2023; chi phí vốn bình quân tăng nhẹ lên mức 2,97% và tỷ lệ nợ xấu ở mức 1%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng lên mức 127%; VCBS ước tính TCB có thể đạt 27.237 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm nay, tăng 6,53% so với cùng kỳ, tương đương lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 6.093 đồng/cp và giá trị sổ sách của một cổ phần (BVPS) đạt 38.225 đồng/cp.

 

Triển vọng tỷ lệ CASA toàn ngành ngân hàng cải thiện dần về cuối năm

Tại tọa đàm điểm sáng đầu tư 2023 hồi giữa tháng 2 vừa qua, bà Trần Kiều Oanh, Trưởng phòng Phân tích Định chế Tài chính; FiinGroup đánh giá tăng trưởng thu nhập lãi được kỳ vọng cải thiện vào nửa cuối năm 2023. Theo đó, môi trường lãi suất cao sẽ hút tiền gửi chảy lại vào hệ thống ngân hàng, làm giảm áp lực chi phí vốn, giúp ngân hàng có dư địa cải thiện thu nhập lãi. Các ngân hàng thuần bán lẻ và có tỷ lệ CASA cao sẽ có khả năng chống chịu tốt hơn do lợi thế về nguồn vốn giá rẻ, tạo dư địa để cải thiện biên lãi thuần (NIM).

Trong một báo cáo gần đây, Chứng khoán Yuanta cũng dự báo tăng trưởng tiền gửi CASA sẽ vẫn ở mức thấp trong nửa đầu năm 2023 do lãi suất tiền gửi có kỳ hạn ở mức cao và điều kiện thanh khoản hạn hẹp trong thời gian tới. Tỷ lệ CASA của ngành có thể sẽ được cải thiện hơn trong nửa cuối năm khi lãi suất hạ nhiệt.