Dự báo dòng tiền từ khối ngoại sẽ góp phần đưa VN-Index trở lại vùng 1.200 điểm trong tháng 12
Tổng quan thị trường tháng 11: Vốn hóa 3 sàn đạt 5,39 triệu tỷ, P/E VN-Index đứng thứ 4 châu Á
Thị trường chứng khoán trong nước đã trải qua tháng 11 với nhiều thái cực. Khởi đầu tháng trong sắc đỏ ngập tràn, tâm lý tiêu cực đẩy đà bán tháo kéo dài đến giữa tháng, đưa VN-Index mất mốc 900 điểm và có lúc tiến sát ngưỡng 870 điểm. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy dâng cao và tâm lý tham lam khi niềm tin của nhà đầu tư về khả năng thị trường tạo đáy ngày một mạnh lên đã nâng đỡ chỉ số bứt phá ấn tượng trở lại vào cuối tháng. Dòng tiền giải ngân mạnh mẽ từ khối ngoại, đặc biệt là các ETF giúp tâm lý tích cực chiếm ưu thế, đưa VN-Index kết thúc tháng ở sát ngưỡng 1.050 điểm.
Khối ngoại quay lại mua ròng mạnh mẽ trong tháng với khối lượng mua ròng 15.975 tỷ đồng trở thành động lực chính cho sự phục hồi của thị trường. VHM, STB và KDH là 3 mã được khối ngoại tập trung mua ròng nhiều nhất với giá trị lần lượt 1.726 tỷ đồng, 1.320 tỷ đồng và 1.170 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại HPX, NVL và DXG là 3 mã bán ròng với giá trị lớn nhất lần lượt là 326 tỷ đồng, 141 tỷ đồng và 137 tỷ đồng. Các ETF ngoại và nội như Fubon, Diamond, VNM, FTSE, E1… mua ròng mạnh mẽ.
Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân trong nước bán ròng trong tháng do tâm lý lo ngại rủi ro, dẫn đến tỷ trọng giao dịch NĐT cá nhân trong nước tháng 11 giảm xuống còn 73,2% trong khi NĐT tổ chức nước ngoài tăng lên mức 16,7%.
Kết thúc tháng 11, chỉ số VN-Index tăng 1,99% so với tháng 10. Trong đó, nhóm ngành ngân hàng, hàng tiêu dùng, dược phẩm và y tế là 3 nhóm ngành tăng điểm tốt nhất với mức tăng lần lượt 5,63%, 2,65% và 0,91%; Nhóm ngành viễn thông, dịch vụ tiêu dùng và dầu khí là 3 nhóm ngành có mức giảm mạnh nhất khi giảm lần lượt: 12,92%, 9,32% và 6,34%.
Vốn hóa cả 3 sàn tại thời điểm kết thúc tháng đạt 5,39 triệu tỷ, tăng nhẹ 0,8% so với tháng 10, chấm dứt chuỗi giảm 2 tháng liên tiếp. Thanh khoản thị trường tính chung cả tháng vẫn giảm nhẹ so với tháng 10, giá trị giao dịch bình quân trong tháng đạt 517,8 triệu USD/ phiên. Dù vậy, trong những phiên cuối tháng, tình hình thanh khoản có dấu hiệu tăng tốt; đặc biệt phiên 29/11 ghi nhận giá trị giao dịch khớp lệnh trên HSX vượt mốc 18 nghìn tỷ/phiên.
P/E VN-Index kết thúc tháng ở mức 10,99 lần, cải thiện 2,18% so với tháng 10, xếp thứ 4 khu vực châu Á. Có 3/11 nhóm ngành có P/E dưới mức P/E thị trường gồm dầu khí, nguyên vật liệu, ngân hàng. Nhóm nghiên cứu BSC nhận định mặc dù P/E VN-Index kết thúc tháng 11 cải thiện đáng kể nhưng đây vẫn là mức định giá thấp tương đương giai đoạn tháng 3/2020.
BSC: Dự báo VN-Index trở lại vùng 1.180 – 1.200 điểm trong tháng 12/2022
Dự báo về diễn biến thị trường trong tháng 12, nhóm chuyên gia BSC đưa ra hai kịch bản.
Ở kịch bản lạc quan, giả định dòng tiền khối ngoại tiếp tục duy trì đà mua ròng mạnh mẽ tạo hiệu ứng tâm lý tích cực lan tỏa trên thị trường. Cùng đó, thông điệp giảm nhịp độ tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (FED) kể từ tháng 12/2022 sau dữ liệu lạm phát tại Mỹ có dấu hiệu tạo đỉnh và các động thái từng bước gỡ bỏ các biện pháp chống dịch Covid-19 tại Trung Quốc tạo tiền đề thuận lợi để Chính phủ thực thi các biện pháp nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong nước. Ngoài ra, giải ngân vốn đầu tư công được khẩn trương triển khai trong tháng cuối cùng bên cạnh những tín hiệu lạc quan về thị trường trái phiếu. Sự kết hợp các giả định này sẽ tạo động lực để VN-Index quay trở lại vùng 1.180 – 1.200 điểm trong tháng 12, theo dự phóng của BSC.
Trong kịch bản này, P/E VN-Index được dự báo vận động trong vùng 12,0-12,5 trong khi thanh khoản dự báo dao động ở mức 0,6-0,7 tỷ USD/phiên.
Ở kịch bản còn lại, giả định diễn biến trên thị trường trái phiếu chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc rõ nét, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước và giải ngân đầu tư công chưa được như kỳ vọng; mặt khác đà tăng ròng của khối ngoại chậm lại bên cạnh tâm lý chốt lời lấn át sự hồi phục tích cực trước đó; nhóm nghiên cứu cho rằng VN-Index có thể quay trở lại kiểm tra ngưỡng 1.000 điểm. Nếu xuất hiện những thông tin và diễn biến bất lợi trong nước cũng như trên thế giới, VN-Index có thể lui về các vùng điểm thấp hơn đã thiết lập trước đó.
VNDirect: Dự báo VN-Index trở lại vùng 1.300-1.350 điểm trong năm 2023
Nhìn sang triển vọng năm 2023, một báo cáo mới đây của Chứng khoán VNDirect cho rằng năm tới sẽ là năm cả nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng chứng kiến hai nửa diễn biến tương đối khác nhau.
Cụ thể, VNDirect cho rằng trong những tháng đầu năm 2023, thị trường tăng phần lớn do định giá các tài sản đã quá hấp dẫn, tuy nhiên đà tăng sẽ khá mong manh và không ổn định trong bối cảnh thanh khoản thấp, áp lực lãi suất, tỷ giá và bài kiểm tra năng lực thanh toán cho trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vẫn còn.
Tuy nhiên, từ giữa 2023 trở đi, kỳ vọng đà tăng sẽ vững chãi nhờ các yếu tố cả trong nước và quốc tế.
Trên thế giới, VNDirect không kỳ vọng FED sẽ cắt giảm lãi suất trong năm 2023, thay vào đó sớm nhất rơi vào quý I/2024. Theo nhóm nghiên cứu này, việc các ngân hàng trung ương trở nên bớt "diều hâu" sẽ kích hoạt một đợt định giá lại tài sản mới. Thị trường chứng khoán, đặc biệt là các thị trường mới nổi sẽ phản ánh câu chuyện giảm lãi suất từ sớm hơn thời điểm đó khoảng 4 - 6 tháng.
Hai là tăng trưởng lợi nhuận ròng toàn thị trường sẽ khởi sắc hơn trong nửa cuối 2023 nhờ lãi suất giảm, đồng VND mạnh lên, giá nguyên vật liệu đầu vào giảm và việc Trung Quốc mở cửa trở lại. Đà tăng trưởng lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp tích cực sẽ là tín hiệu tốt cho sự phục hồi của thị trường chứng khoán.
Ba là tín hiệu đạt đỉnh của cả lạm phát toàn cầu lẫn lãi suất của Mỹ sẽ kích thích khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm câu chuyện tăng trưởng cao từ những thị trường mới nổi. Ngoài ra, việc thất thế gần đây của các cổ phiếu công nghệ đã dẫn đến sự chuyển hướng đầu tư sang các hoạt động kinh doanh truyền thống. Đây cũng là bản chất của thị trường chứng khoán Việt Nam, nơi các nhóm ngành ngân hàng, bất động sản, điện lực, tiêu dùng chiếm ưu thế về vốn hóa.
Từ những yếu tố trên đây, VNDirect dự báo chỉ số VN-Index sẽ quay trở lại mức 1.300 – 1.350 điểm trong năm 2023 trên cơ sở lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết tăng 14% và định giá P/E 12,0 - 12,5 lần.
Rủi ro chủ yếu của thị trường vẫn là lạm phát không thể hạ nhiệt xuống mức đủ để các ngân hàng trung ương nới lỏng. Tuy nhiên ngược lại, thị trường có cơ hội khởi sắc hơn khi các chính sách tháo gỡ cho trái phiếu doanh nghiệp được thực thi quyết liệt hay thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng sớm hơn dự kiến.