Dự báo nhiều thách thức bất định, WB kỳ vọng tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 6,6% trong năm 2025
Tuy nhiên, con số WB đưa ra trong dự báo lần này cao hơn 0,1 điểm % so với dự báo tổ chức này đưa ra vào tháng 10/2024 trước đó.
Với mức tăng trưởng dự báo kể trên, Việt Nam sẽ nằm trong nhóm quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất châu Á, chỉ đứng sau Bhutan và Ấn Độ, cả hai đều được dự báo đạt mức tăng trưởng 7,2%.
So với các quốc gia khác trong khu vực, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ vượt qua mức tăng của Philippines (6,1%), Campuchia (5,5%), Indonesia (5,1%) và Thái Lan (2,9%).
Ông Andrea Coppola, chuyên gia Kinh tế trưởng và Quản lý chương trình Tăng trưởng công bằng, Tài chính và Thể chế của WB tại Việt Nam, Lào và Campuchia phân tích, giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, năm 2024, Việt Nam phải đối mặt với những thách thức liên quan đến căng thẳng địa chính trị quốc tế và chịu ảnh hưởng do biến đổi khí hậu và thiên tai.
"Kinh tế Việt Nam đã có những kết quả rất tích cực nhờ có sự gia tăng nhu cầu từ các đối tác xuất khẩu lớn như: EU hay Mỹ, dẫn đến sự phục hồi xuất khẩu và sản xuất công nghiệp mạnh mẽ, cùng với sự phục hồi dần dần của tiêu dùng trong nước", ông Andrea Coppola đánh giá.
Theo đó, các dự báo mới nhất của WB chỉ ra rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2025 với đạt khoảng 6,5%. Mức tăng trưởng này sẽ giúp Việt Nam một lần nữa nằm trong số các nền kinh tế tăng trưởng cao nhất ở Đông Á cũng như ở cấp độ toàn cầu.
"Dù tăng trưởng xuất khẩu có thể không ấn tượng như năm 2024 do có thể xuất hiện sự suy giảm nhu cầu từ phía Mỹ và Trung Quốc, hai động lực lớn của nền kinh tế toàn cầu, song sự phục hồi liên tục của nhu cầu trong nước nhờ những cải thiện trong tâm lý của nhà đầu tư và người tiêu dùng cũng sẽ giúp tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam”, chuyên gia WB nêu rõ.
Dù khẳng định Việt Nam sẽ lại nằm trong số những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Á, song vị chuyên gia của WB cũng lưu ý có ba rủi ro chính có thể ảnh hưởng đến triển vọng tích cực này gồm tốc độ tăng trưởng toàn cầu chậm hơn dự kiến; chất lượng tài sản của ngành ngân hàng tiếp tục suy yếu; và tính dễ bị tổn thương trước những tác động của thiên tai.
Vì vậy, nếu rủi ro suy giảm tăng trưởng trở thành hiện thực và dư địa hỗ trợ tiền tệ hạn chế thì Chính phủ cần việc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công có thể hỗ trợ tổng cầu. Ngoài ra, để giảm thiểu rủi ro và tình trạng dễ bị tổn thương của khu vực tài chính, các cơ quan có thẩm quyền có thể khuyến khích các ngân hàng nhằm cải thiện tỷ lệ an toàn vốn và tăng cường khuôn khổ thể chế để giám sát an toàn và can thiệp sớm.
“Cải cách cơ cấu sẽ rất quan trọng đối với tăng trưởng dài hạn - bao gồm cả lĩnh vực giáo dục và môi trường kinh doanh nhằm nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế trong nước, đồng thời thúc đẩy nâng cấp theo chiều dọc sang các hoạt động thương mại có giá trị cao”, chuyên gia WB khuyến nghị.
Bên cạnh đó, World Bank cũng đưa ra dự báo cho năm 2026 GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,3%, thấp hơn 0,2 điểm % so với dự báo trước đó.
Về nền kinh tế toàn cầu, World Bank dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,7% trong cả hai năm 2025 và 2026, tương đương với tốc độ của năm 2024. Tuy nhiên, đây là mức tăng trưởng yếu hơn so với giai đoạn trước đại dịch, khi các nền kinh tế tiếp tục đối mặt với lạm phát và lãi suất cao.
World Bank nhấn mạnh đây là mức tăng trưởng không đủ để giảm nghèo và đạt được các mục tiêu phát triển toàn cầu. Báo cáo cũng chỉ ra rằng các nền kinh tế đang phát triển, vốn đóng góp 60% vào tăng trưởng toàn cầu, đang đối mặt với triển vọng tăng trưởng dài hạn yếu nhất kể từ năm 2000.
Cũng đưa ra những dự báo về kinh tế Việt Nam năm 2025, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) duy trì quan điểm tích cực về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2025 và nâng dự báo trong năm 2025 lên 6,6%, từ mức 6,2% vào báo cáo tháng 12/2024. Sự điều chỉnh này dựa trên hiệu suất xuất khẩu mạnh mẽ của Việt Nam, bao gồm cả ngành sản xuất, hiệu suất đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vững chắc, được hỗ trợ bởi xu hướng điều chỉnh tiền tệ toàn cầu và giá hàng hóa toàn cầu ở mức vừa phải (bao gồm giá dầu thô).
Trong khi đó, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt quy mô 506 tỷ USD trong năm 2025, đứng thứ 33 toàn cầu. Con số này tăng so với GDP 433 tỷ USD và vị trí 34 của năm 2023.
Ở một góc nhìn khác, theo Trung tâm dự báo, phân tích kinh tế độc lập CEBR (Anh), năm 2025, GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt 4.783 USD, tăng đáng kể so với mức 4.469 USD của năm 2024, đưa Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu thu nhập trung bình cao.
Trong báo cáo “Triển vọng kinh tế Việt Nam 2025” của Ngân hàng UOB (Singapore) công bố ngày 9/1,
dựa trên động lực mạnh mẽ được tiếp nối từ năm 2024 kết hợp với việc xem xét những rủi ro và tác động ngược từ các cuộc xung đột thương mại sắp tới từ chính quyền mới của Mỹ, UOB nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam vào năm 2025 lên 7%.
“Chúng tôi kỳ vọng về những chuyển biến tích cực từ các động lực trong nước như sản xuất, chi tiêu của người tiêu dùng và lượng khách du lịch sẽ đóng góp vào các hoạt động, đặc biệt là trong nửa đầu năm”, báo cáo của UOB nêu.
Báo cáo mới nhất từ Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng cho thấy, Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) đã tăng vọt từ 46,3 điểm trong quý IV/2023 lên 61,8 điểm trong quý IV/2024, đạt mức cao nhất trong hơn 2 năm qua, phản ánh tinh thần lạc quan của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu về triển vọng kinh tế của Việt Nam.
Kết quả này minh chứng cho khả năng phục hồi đáng kinh ngạc của Việt Nam trước những biến động toàn cầu, đồng thời, khẳng định vị thế ngày càng nổi bật của đất nước như một trung tâm thương mại và đầu tư của khu vực.