Dự báo tăng trưởng EPS toàn thị trường năm nay 22%, riêng nhóm tài chính tăng 28%
VN-Index đã giằng co ở ngưỡng 1500 điểm trong suốt 3 tháng đầu năm do tác động từ các yếu tố rủi ro bên ngoài như Cục Dự trữ Liên bang FED tăng lãi suất, chiến sự Nga - Ukraine làm trầm trọng thêm tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và áp lực giá thế giới.
Dù vậy, theo đánh giá triển vọng thị trường chứng khoán năm nay của Chứng khoán Mirae Asset (MAS), các yếu tố nội tại của Việt Nam đến nay vẫn được đánh giá tích cực, thể hiện qua mức tăng trưởng GDP quý I khả quan và lạm phát được duy trì trong vùng kiểm soát. Đây được nhận định là những bệ đỡ tốt giúp thị trường phục hồi tốt sau những phiên giảm điểm sâu.
Quý I/2022: VN-Index giằng co quanh ngưỡng 1.500 điểm
Tính riêng tháng 3, chỉ số VN-Index tăng nhẹ 0,1% nhưng giảm 0,4% trong quý toàn quý I.
Trong quý, nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục mua ròng và là động lực bù đắp cho lượng bán ròng của tổ chức trong nước và khối ngoại. Cụ thể, tính chung quý I, NĐT cá nhân trong nước mua ròng hơn 12,4 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, tổ chức trong nước bán ròng 5,2 nghìn tỷ đồng và khối ngoại bán ròng 7,2 nghìn tỷ đồng.
Hiệu suất thị trường trong quý có sự phân hóa hiệu suất rõ rệt theo ngành. Trong đó, phầm mềm, dịch vụ, bán lẻ và y tế là những ngành có mức tăng điểm tốt nhất trong quý. Nhóm ngành tiện ích, dầu khí… dù vẫn tăng điểm trong toàn quý nhưng đã chứng kiến mức giảm đáng kể vào tháng 3 khi giá xăng dầu, khí đốt, khí tự nhiên hạ nhiệt.
Về xu hướng dòng tiền, có thể thấy sự cải thiện rõ rệt của thanh khoản vào cuối quý với giá trị khớp lệnh bình quân tháng 3 tăng trở lại lên gần 25 nghìn tỷ/ngày, cao hơn 14% so với mức bình quân tháng 2. Những nhóm ngành hút dòng tiền theo phân tích của MAS là nhóm phần mềm và dịch vụ, bán lẻ, may mặc và trang sức, y tế, bảo hiểm. Ngược lại, các ngành dịch vụ tài chính và ngân hàng vẫn giao dịch ở mức thấp.
Dự phóng VN-Index sẽ chinh phục mốc 1.700 điểm, tiềm năng ở nhóm ngành tài chính
Mặc dù nền kinh tế chung phục hồi với tốc độ tích cực trong quý I, MAS vẫn giữ nguyên mức dự phóng VN-Index sẽ chinh phục mốc 1.700 điểm trong năm 2022, tương đương P/E 16 lần và tăng trưởng EPS 22%.
Một số nhóm ngành duy trì đà tăng trưởng, có mức kỳ vọng tăng trưởng vượt trội hơn thị trường chung được nhận định là nhóm bán lẻ, may mặc và trang sức, ngân hàng, bất động sản, xây dựng cơ bản, tiện ích, phần mềm và dịch vụ, y tế.
Tương tự quý I, những động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung trong phần còn lại của năm sẽ tập trung vào 3 “trụ cột”: chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2023 có quy mô gần 350 nghìn tỷ tập trung vào chi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; sự phục hồi mạnh mẽ của tiêu dùng và sự tăng trưởng của xuất khẩu.
Cũng theo MAS, nhóm vốn hóa lớn (VN30 Index) và nhóm ngành tài chính (VN Finlead) có định giá tương đối hấp dẫn hơn nhóm vốn hóa vừa (VN70 Index).
Theo thống kê kỳ vọng tăng trưởng EPS 2022, nhóm VN70 được kỳ vọng giữ được đà tăng trưởng trong khi nhóm VN30 và VN Finlead có thể chứng kiến mức tăng trưởng giảm tốc. MAS dự báo mức tăng trưởng năm 2022 khoảng 31% cho nhóm vốn hóa vừa một phần do mức nền so sánh năm 2021 vốn đã khá cao.
Riêng nhóm ngành tài chính - bao gồm ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, tiềm năng tăng trưởng trong năm 2022 được dự báo khá lạc quan và cao hơn thị trường chung, ở mức khoảng 28%.
Ngoài ra, rủi ro hàng đầu có thể gây biến động trên thị trường chứng khoán được MAS cảnh báo là áp lực tăng lạm phát trong nước, đặc biệt là từ áp lực nhập khẩu lạm phát do giá cả các loại hàng hóa trên thế giới tăng cao, có thể khiến Việt Nam tăng lãi suất sớm hơn kỳ vọng.