Dù Fed dừng gây sức ép, mặt bằng lãi suất ở Việt Nam cũng khó giảm mạnh khi lạm phát 'trực chờ' bùng nổ

Hạ An/ VNB 08:49 | 06/03/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, mặt bằng lãi suất khó giảm mạnh bởi việc Fed dừng tăng lãi suất là một thuận lợi song giá cả các mặt hàng thiết yếu hiện nay chỉ “trực chờ” bùng nổ bất kỳ lúc nào cho nên NHNN vẫn phải rất cân nhắc.

Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê (TCTK), CPI tháng 2 tăng 4,31% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn CPI tháng 1 tăng 4,89%.Bình quân hai tháng đầu năm 2023, CPI tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) đánh giá, chỉ số CPI cốt lõi duy trì xu hướng tăng mạnh và vượt lên CPI toàn phần. Tình trạng lạm phát cốt lõi gia tăng vẫn đang gây áp lực lên tình trạng điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Tốc độ tăng/giảm CPI của tháng 2 các năm giai đoạn 2019-2023 (%). (Nguồn: TCTK).

Lãi suất O/N liên ngân hàng trung bình ở mức 5,33% trong tháng 1. Tính tới cuối tháng 12, tín dụng tăng 14,5% YTD. Bên cạnh đó, hoạt động tín phiếu hút ròng 166,5 nghìn tỷ đồng trong tháng 2. Thanh khoản hệ thống ngân hàng đang có chịu áp lực trước xu hướng tăng lãi suất của đồng USD. CPI cơ bản tăng 5,08% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm trước.

Về tỷ giá, giá trị đồng USD tăng trong tháng 2 khi các số liệu về lạm phát tháng 1 của Mỹ cho thấy mức tăng cao hơn dự báo, thị trường kỳ vọng FED sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay hơn. Do đó, tỷ giá VND/USD suy yếu theo đà tăng của đồng USD. BSC đánh giá tỷ giá USD/VND đến cuối năm 2023 có thể giao động trong mức 23.900 - 24.400 đồng/USD.

Giá cả hàng hoá chỉ "trực chờ" bùng nổ

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam. (Ảnh: NVCC).

 

Phân tích về những yếu tố ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất năm nay, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam cho rằng, việc tăng hay giảm lãi suất phụ thuộc từ khá nhiều yếu tố trong đó động thái từ Fed chỉ là một yếu tố.

Việc Fed sẽ tăng lãi suất khoảng hai đến ba lần nữa với bước nhảy thấp hơn chỉ 0,25 điểm % là một điều kiện thuận lợi để NHNN có dư địa tốt hơn trong việc giảm lãi suất nhưng không quyết định tất cả.

Theo chuyên gia, mặt bằng lãi suất phải hạ xuống càng sớm càng tốt bởi các doanh nghiệp hiện đang rất khó khăn, tuy nhiên cơ sở để hạ lãi suất vẫn là phải kiểm soát được chỉ số giá tiêu dùng, kiềm chế được lạm phát, đảm bảo tỷ giá hối đoái trong mức ổn định để không gây ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp.

"Việc giảm lãi suất phụ thuộc nhiều vào yếu tố lạm phát mà nguyên nhân từ giá cả hàng hoá. Giá cả các mặt hàng thiết yếu hiện nay chỉ 'trực chờ' bùng nổ bất kỳ lúc nào cho nên NHNN vẫn phải rất cân nhắc", TS. Lê Duy Bình phân tích..

Ngoài ra, khả năng huy động tiền gửi của các Ngân hàng thương mại để cho vay cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất.

Các ngân hàng cũng phải huy động từ người dân, một khi lãi suất đầu vào đủ hấp dẫn thì họ mới gửi tiền vào. Trong bối cảnh nhiều rủi ro như hiện nay có vẻ như gửi tiết kiệm cũng là một kênh được người dân yêu thích. Đây là một thuận lợi của hệ thống ngân hàng", ông Bình đánh giá.

Do đó, dù NHNN gặp những điều kiện thuận lợi như tăng trưởng tiền gửi tốt, Fed dừng tăng lãi suất thì vẫn còn yếu tố quan trọng là lạm phát. Mặc dù vậy, hiện tại NHNN vẫn đang nỗ lực giảm lãi suất và mở cung tiền cho các doanh nghiệp cho sản xuất kinh doanh.

Trong những tháng tới, những yếu tố trên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyết định hạ lãi suất điều hành của NHNN. Nếu như áp lực giá tiêu dùng tiếp tục tăng thì NHNN sẽ phải có những biện pháp để kiềm chế lạm phát và công cụ được sử dụng sẽ là lãi suất, chuyên gia phân tích.

Dự trữ ngoại hối đã tăng lên 92 tỷ USD

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam từ tháng 1/2022 đến nay. (Hạ An tổng hợp từ số liệu ước tính của Wigroup, BSC).

Một điểm tích cực là NHNN đã bắt đầu mua vào ngoại tệ kể từ tháng 1, tính riêng trong tháng 2, NHNN đã mua thêm 0,65 tỷ USD, nâng dự trữ ngoại hối hiện tại đạt khoảng 92,43 tỷ USD, theo số liệu từ BSC.

Nếu so sánh với giai đoạn dự trữ ngoại hối dồi dào nhất là khoảng 110 tỷ USD thì NHNN nhiều khả năng sẽ tiếp tục mua vào. Tuy nhiên, so với giai đoạn đầu tháng 11/2022 khi dự trữ ngoại hối chỉ còn 83,4 tỷ USD (theo ước tính của Wigroup) thì đây là một con số khá tích cực giúp NHNN có thể sử dụng công cụ này để bình ổn tạm thời nếu tỷ giá tăng nóng.

PGS. TS. Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân.

Theo PGS. TS. Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân, không loại trừ khả năng NHNN đang muốn giữ mặt bằng lãi suất ở mức khá cao để tạo điều kiện thuận lợi trong việc mua dự trữ ngoại hối. Lãi suất tiền Việt ở mức cao thì việc mua vào ngoại tệ sẽ dễ dàng hơn.

Trong những tháng tới, khi NHNN hoàn thành việc tích trữ ngoại hối thì có thể kỳ vọng điều kiện của thị trường tiền tệ sẽ dễ dàng hơn. Khi dự trữ ngoại tệ dồi dào thì NHNN sẽ có nhiều dư địa để hạ lãi suất tiền đồng.

Chuyên gia Phạm Thế Anh đánh giá,nếu lãi suất giữ ở mức cao như hiện nay khi lạm phát không hạ xuống sẽ rủi ro lớn nhất đối với các doanh nghiệp trong năm 2023.

"Nếu mặt bằng lãi suất tiếp tục được duy trì ở mức cao như hiện nay sẽ dẫn đến sự sụp đổ, phá sản của rất nhiều doanh nghiệp. Đặc biệt là những doanh nghiệp khó khăn trong việc tiêu thụ các sản phẩm đầu ra như các doanh nghiệp bất động sản", vị chuyên gia này cảnh báo.