Du lịch bền vững: Các điểm du lịch tiềm năng đang thiếu "người kể chuyện hay"

Diệp Anh 14:53 | 28/08/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sở hữu nhiều tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, văn hóa vùng miền rõ nét và không thiếu nhân tài, thế nhưng một số điểm du lịch cộng đồng ở huyện Duy Xuyên, Điện Bàn (Quảng Nam) dù đang nỗ lực trong việc tạo sinh kế cho người dân bằng hoạt động du lịch nhưng các dự án du lịch cộng đồng ở đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

 

Những nỗ lực đáng kể

Bấy lâu nay, không ít du khách nhầm tưởng Hội An là thành phố du lịch thuộc thành phố Đà Nẵng, điều này chứng tỏ sức hút to lớn của phố cổ Hội An về mặt nhận diện thương hiệu, nhưng cũng là câu hỏi với những người làm du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng tại Quảng Nam.

Người dân địa phương đang vá lưới, hoạt động được thực hiện tại nhà nằm trong tour trải nghiệm của du khách. Ảnh: Lan Dung

Tại Hội thảo chuyên gia Mô hình điểm du lịch xanh Quảng Nam do Tổng cục Kinh tế Liên bang Thuỵ Sỹ tài trợ được tổ chức tại Quảng Nam, một lần nữa, chủ đề xây dựng các tour tham quan hấp dẫn du khách và thu hút doanh nghiệp tiếp tục được thảo luận.

Trong 2 ngày diễn ra hội thảo, đoàn đại biểu được sắm vai du khách tham gia vào các tour du lịch xanh tại địa bàn huyện Điện Bàn và huyện Duy Xuyên, với các hoạt động mà người dân địa phương tổ chức “bán tour” cho khách du lịch trong và ngoài nước như: tham quan làng mộc Kim Bồng, trải nghiệm các sản phẩm từ các farm hữu cơ, ghé thăm làng gốm, làng củi lũ và lắng nghe những câu chuyện từ hướng dẫn viên...

Các sản phẩm bán khá đa dạng, người dân địa phương cũng được đào tạo cơ bản về cách chăm sóc du khách khi khách đến trải nghiệm và lưu trú, ngoài ra, các khu trưng bày sản phẩm nghệ thuật của những tác giả là người đang sinh sống và làm việc tại địa phương cũng mang lại sự quan tâm với du khách. Điều này thể hiện được phần nào sự nỗ lực của địa phương trong việc kết nối và tạo điều kiện, cũng như sự hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ, của doanh nghiệp đến hoạt động du lịch cộng đồng tại địa phương.

Thế nhưng, điều đó là chưa đủ, bởi...

Cách kể chuyện của tour thiếu sức hút với khách du lịch

  Đoàn đại biểu tham quan và trải nghiệm xưởng đất nung với tên gọi Terra Cotta Studio của nghệ nhân Lê Đức Hạ tại Cụm làng nghề Đông Khương (Điện Bàn - Quảng Nam). Ảnh: Lan Dung 

Thực tế, các sản phẩm du lịch cộng đồng tại địa phương lân cận Hội An chưa đủ sức hấp dẫn du khách bởi sản phẩm không có câu chuyện lõi, đặc biệt ở các sản phẩm nghệ thuật ứng dụng như gốm, củi lũ, chạm trổ gỗ,... đa phần người chủ sở hữu vẫn đang làm kiểu tự phát, thẩm mỹ chủ quan và thiếu trầm trọng vai trò của chuyên gia uy tín trong việc tư vấn và hướng dẫn cách bài trí, kể chuyện sao cho thật hay các sản phẩm du lịch kể trên.

Một nghệ nhận đang chạm khắc bức hoành phi tại cơ sở mộc của nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp tại Cụm làng nghề Đông Khương (Điện Bàn - Quảng Nam). Ảnh: Lan Dung  

Bên cạnh đó, một số điểm tham quan chưa tìm được điểm chạm chính xác để kể câu chuyện hấp dẫn đến du khách.

Việc thiếu tư liệu kể chuyện và cách kể chuyện thiên về lịch sử khô cứng cũng như cách bài trí thiếu khoa học khiến câu chuyện không chạm được vào trái tim của du khách.

Các sản phẩm lưu niệm bày bán khá đơn điệu và thiếu bản sắc địa phương, du khách không tìm được điểm đặc trưng của địa phương để có thể tiêu tiền.

Điều này cũng có nghĩa là, mặc dù Hội An quá tải khách du lịch ở mùa cao điểm, nhưng các điểm du lịch lân cận vẫn chưa có những tour chất lượng cao để thu hút khách du lịch đến trải nghiệm, lưu trú.

Chuyên gia nói gì?

Ông Đỗ Quang Huy - Đại diện của Tổng cục kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (đơn vị tài trợ cho hội thảo và hoạt động tham quan farm trip)chia sẻ trong khuôn khổ của hội thảo, với kinh nghiệm nhiều năm tham gia các dự án du lịch cộng đồng trong nước và quốc tế, vị chuyên gia này đã hiến kế rất nhiều ý tưởng cho các tour du lịch mà đoàn đã tham quan và trải nghiệm, đồng thời với vai trò là một du khách có nhiều trải nghiệm về du lịch trong và ngoài nước, ông thừa nhận Quảng Nam cũng như nhiều địa phương muốn phát triển du lịch xanh đang thiếu “người kể chuyện hay”. Ông Huy nhận định, Việt Nam là một đất nước nông nghiệp, rất phù hợp với việc phát triển du lịch xanh, tạo sinh kế ngay tại địa phương, tuy nhiên, việc đào tạo và triển khai cần có sự đồng bộ, kết nối và tạo điều kiện tích cực từ phía lãnh đạo địa phương cũng như sự chung tay của doanh nghiệp du lịch và người dân địa phương cùng tham gia vào dự án.

Với vai trò là một doanh nhân đang hoạt động lâu năm trong ngành du lịch, Ông Nguyễn Ngọc Bích - CEO Mekong Rustic cho biết: " Để các điểm đến thực sự thu hút được khách du lịch, tạo sinh kế bền vững cho những hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ tại địa phương tiềm năng thì một vài hội thảo là không đủ. Địa phương và doanh nghiệp cần nhiều các diễn đàn đối thoại công tư để thấu hiểu nhau và có sự liên kết chặt chẽ tại các điểm đến xung quanh phố cổ Hội An nhằm giảm tải cho phố cổ. Đồng thời các điểm đến nên thêm những hoạt động trải nghiệm để giữ chân du khách lâu hơn. Bên cạnh đó, các điểm đến cần thêm các sản phẩm du lịch mới để phù hợp với nhu cầu của thị trường du khách thay đổi sau Covid-19".

 Hội thảo và tour du lịch xanh được triển khai với sự tài trợ của Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO). Kể từ năm 2018, Thụy Sỹ có nhiều hoạt động hỗ trợ tỉnh Quảng Nam thúc đẩy phát triển du lịch bền vững với việc tư vấn và hỗ trợ xây dựng Bộ tiêu chí du lịch xanh cũng như phát triển các mô hình và sản phẩm du lịch xanh tại tỉnh.