Du lịch cộng đồng ở Nghệ An thay đổi để thích ứng vượt qua “ đại dịch”
Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn miền núi, có 4 huyện đã xuất hiện loại hình kinh doanh du lịch bằng homestay gắn với du lịch cộng đồng. Trong đó, tại Tương Dương có 1 cơ sở; Con Cuông 5 cơ sở; Quỳ Châu có 7 cơ sở; Thanh Chương có 3 cơ sở.
Năm 2020, các bản: Bản Nưa xã Yên Khê; bản Khe Rạn, xã Bồng Khê (huyện Con Cuông); bản Hoa Tiến xã Châu Tiến (huyện Quỳ Châu) đã được công nhận là sản phẩm OCOP; Năm 2021, điểm du lịch cộng đồng, sinh thái Làng Xiềng - Pha Lài – Sông Giăng, xã Môn Sơn (huyện Con Cuông) đã được công nhận là điểm du lịch...
Nghệ An là tỉnh nằm ở trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, nơi có tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, văn hóa bản địa đặc sắc. Các huyện miền núi thuộc tỉnh Nghệ An với 5 dân tộc thiểu số sinh sống, có nhiều lợi thế để phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Đó cũng là hướng đi bền vững mà Nghệ An chú trọng nhằm phát triển kinh tế, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, đồng thời cải thiện sinh kế cho người dân.
Hiện nay, du lịch cộng đồng đang được các huyện miền núi Nghệ An chú trọng phát triển; đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây vẫn còn lưu giữ được nét văn hóa truyền thống rất độc đáo và đặc sắc như: kiến trúc nhà ở; trang phục, trang sức đặc trưng của đồng bào; văn hóa ẩm thực; văn nghệ rất đa sắc màu (các làn điệu dân ca, dân vũ như: “Khắp”, “Lăm"; các loại nhạc cụ dân tộc truyền thống như: khèn bè, sáo, pí, cồng chiêng, khắc luống...). Nghề và làng nghề truyền thống vẫn được bảo lưu và truyền dạy như nghề đan lát, nghề dệt thổ cẩm, rượu cần, rượu men lá. Đặc biệt, một số địa phương đã xác định, đây là một sản phẩm đặc thù trong Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).
Chị Vi Thị Thắm, giám đốc công ty VSC hoạt động tại khu du lịch sinh thái cộng đồng xã Môn Sơn huyện Con Cuông chia sẻ: “ trước tình hình dịch bệnh Covid -19 kéo dài nghành du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng đang đứng trước những thách thức rất lớn, chúng tôi đang cố duy trì hoạt động cầm cự, thay đổi để có thể thích ứng với thực tế hiện tại. Không ngừng có những phương án để khi tình hình dịch bệnh chấm dứt thì chúng tôi có thể hoạt động trở lại nhanh nhất có thể”
Theo tổng hợp từ Phòng văn hóa thông tin huyện Con Cuông, tính đến thời điểm này của năm 2021, loại hình homestay trên địa bàn đã thu được 889 triệu đồng từ du lịch cộng đồng, trong đó doanh thu từ hoạt động mua sắm của du khách là 146 triệu đồng. Dù nguồn thu này không đáng kể so với chi phí đầu tư mà các hộ kinh doanh phải bỏ ra, tuy nhiên trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, nguồn thu này có thể bù đắp được phần nào.
Chị Lô Thị Hoa - chủ một homestay tại xã Yên Khê (Con Cuông) cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, năm 2021 này gần như không có khách nên chị cùng với 27 chị em khác trong tổ hợp tác phát triển du lịch cộng đồng đã tổ chức lắp đặt 7 khung cửi để cùng nhau dệt vải thổ cẩm, sau đó may thành các loại áo, váy truyến thống, chuẩn bị sẵn nguồn hàng để phục vụ nhu cầu của du khách du lịch khi hoạt động trở lại.
Tại Quỳ Châu, hiện nay cũng đã có 7 homestay tập trung tại xã Châu Tiến, nơi gắn liền với cụm di tích hang Bua và Mường Chiêng Ngam của đồng bào dân tộc Thái.
Ông Nguyễn Hùng Cường - Trưởng phòng VH-TT huyện Quỳ Châu chia sẻ, mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho ngành du lịch gặp muôn vàn khó khăn, nhất là du lịch cộng đồng, vì thế các hộ kinh doanh phải chuyển sang trạng thái mới cho phù hợp với tình hình. Đây là việc làm rất thiết thực, để đảm bảo duy trì hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng và cả nguồn nhân lực, để khi nào dịch bệnh được kiểm soát thì đi vào hoạt động ngay.
Tại khu du lịch cộng đồng, du khách được tham quan làng dệt thổ cẩm, ngồi vào khung dệt vải, ngắm các sản phẩm thổ cẩm địa phương, thưởng thức các món ăn dân tộc và ngủ lại nhà sàn đón buổi sáng trong ánh bình minh, tiếng gà gáy và tiếng suối… Ngoài ra, du khách còn thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc, các điệu dân ca dân vũ của đồng bào dân tộc trong các trang phục rực rỡ…; trải nghiệm các hoạt động sản xuất của địa phương như gặt lúa, hái cam, thi cấy, tham quan hội chợ phiên, nhảy sạp…; tìm hiểu cuộc sống của đồng bào dân tộc Thái với những phong tục tập quán truyền thống như buộc chỉ cổ tay cầu may, đắm mình trong làn điệu khắc luống, thưởng thức các món ăn độc đáo như: cá mát nướng, cơm lam, xôi nếp cẩm...
Du lịch cộng đồng Nghệ An đã góp phần bảo tồn, gìn giữ bản sắc và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; khai thác và phát huy các thế mạnh về tài nguyên du lịch tự nhiên và giá trị văn hóa của địa phương để phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó, du lịch cộng đồng đã bước đầu tạo ra sinh kế mới góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, từng bước xóa đói, giảm nghèo cho người dân và dần xóa bỏ phong tục du canh, du cư; đồng thời, nâng cao ý thức của người dân về công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường.