Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo

11:50 | 28/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo được kỳ vọng sau khi ban hành sẽ giải quyết được những vấn đề đang tồn tại, tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật...
Theo đó, dự thảo đề xuất tăng mức xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm hành chính trong những lĩnh vực nhạy cảm này.
 

Tăng mức phạt và hành vi bị cấm

 
Theo Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL), dự thảo Nghị định ngoài phần căn cứ pháp lý, nội dung được chia thành 5 chương, 77 điều. Một số nội dung thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Trong lĩnh vực điện ảnh, dự thảo bổ sung một số hành vi kê khai không trung thực, sử dụng giấy tờ, tài liệu giả mạo trong hồ sơ đề nghị cấp phép hợp tác, liên doanh, cung cấp dịch vụ sản xuất phim, hành vi phổ biến phim mà không có cảnh báo khi phim đã được phân loại phổ biến, hành vi phổ biến phim Việt Nam, phim cho trẻ em tại rạp không đúng tỷ lệ và thời gian, hành vi hoạt động văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh nước ngoài tại Việt Nam và văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh Việt Nam tại nước ngoài không có giấy phép hoặc hoạt động không đúng giấy phép.
 
Dự thảo xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa
Ảnh minh họa
 
Dự thảo cũng điều chỉnh tăng mức phạt tiền ở một số hành vi về phổ biến phim, bổ sung hình thức xử phạt bổ sung như đình chỉ hoạt động chiếu phim hay một số biện pháp khắc phục hậu quả như buộc tháo gỡ phim vi phạm trên môi trường mạng, dưới hình thức điện tử và kỹ thuật số.
 
Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, dự thảo bổ sung một số hành vi kê khai không trung thực hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả mạo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, hành vi cho tổ chức cá nhân khác sử dụng giấy phép hoặc sử dụng giấy phép của tổ chức, cá nhân khác. Bổ sung nội dung bị cấm trong một số hành vi, tăng mức phạt tiền đối với hành vi về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu cũng như bổ sung một số biện pháp khắc phục hậu quả như gỡ bỏ nội dung vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số đối với những hành vi tàng trữ và phổ biến trái phép với bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu bị cấm phổ biến, truyền bá tệ nạn xã hội, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam,...
 
Về lĩnh vực tổ chức lễ hội, kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, nội dung được chú ý là quy định xử phạt các hành vi lợi dụng hoạt động tín ngưỡng để trục lợi, hành vi về nếp sống văn hóa gây ảnh hưởng đến phong tục tập quán, sức khoẻ con người, điều kiện doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường. Tăng mức tiền xử phạt đến mức tối đa đối với hành vi kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng vi phạm các quy định cấm.
 
Về lĩnh vực quảng cáo, dự thảo sửa đổi các hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo phù hợp với Luật Quảng cáo. Bổ sung một số hành vi vi phạm quy định về quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn, quy định không tự tháo dỡ sản phẩm quảng cáo rách, nát mất mỹ quan, quy định về quảng cáo thuốc, quy định về quảng cáo trang thiết bị y tế, mỹ phẩm, dịch vụ khám chữa bệnh, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, quảng cáo trên thiết bị đầu cuối, quảng cáo trong phim,… Bổ sung hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi quảng cáo hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, các biện pháp khắc phục hậu quả như loại bỏ các yếu tố sai phạm trên sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, buộc thu hồi sản phẩm in, tạp chí có sản phẩm quảng cáo sai phạm...
 

Khắc phục tình trạng xử phạt không đủ tính răn đe

 
Theo Vụ Pháp chế, những đề xuất điều chỉnh trong dự thảo Nghị định nhằm khắc phục nhiều vấn đề bất cập nảy sinh từ thực tiễn trong thời gian qua. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành đã đặt ra yêu cầu cần có sự bổ sung, điều chỉnh các hành vi trong 2 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP và 28/2017/NĐ-CP để có chế tài xử phạt vi phạm hành chính khi các quy định của pháp luật bị vi phạm.
 
Bên cạnh đó, một số hành vi trong 2 Nghị định số 158 và Nghị định số 28 đã không còn phù hợp với quy định của pháp luật về nội dung, như: Sản xuất phim không còn là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư; số người được phép phục vụ trong phòng karaoke, khoảng cách từ cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke tới trường học, bệnh viện không còn là điều kiện của cơ sở kinh doanh karaoke theo quy định của Nghị định số 54/2019/NĐ-CP; hành vi quảng cáo bằng loa phóng thanh vượt quá độ ồn cho phép không phù hợp với thẩm quyền của Thanh tra VHTTDL, quảng cáo băng vệ sinh, bao cao su… trên đài phát thanh, truyền hình từ 18-20 giờ hằng ngày không phù hợp với quy định của pháp luật về quảng cáo; việc xử phạt vi phạm về công bố, phổ biến tác phẩm ra nước ngoài đã được quy định tại Nghị định số 131/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan...
 
Vụ Pháp chế nhấn mạnh, qua rà soát và thực tiễn công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo cho thấy một số quy định về hành vi vi phạm với mức phạt tiền trong 2 Nghị định số 158 và 28 chưa tương xứng với số lợi nhuận bất hợp pháp mà đối tượng thu được từ việc vi phạm, dẫn đến tình trạng đối tượng sẵn sàng vi phạm pháp luật. Ví dụ như các hành vi trong lĩnh vực điện ảnh, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, hành vi vi phạm quy định cấm trong lĩnh vực di sản văn hóa, hành vi lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi chỉ có khung phạt tiền từ 3-5 triệu đồng; hành vi vi phạm quy định cấm đối với hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, hành vi sản xuất băng, đĩa, trò chơi điện tử có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực, đồi trụy; hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng, quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chưa có giấy phép…, tình trạng vi phạm vẫn phổ biến, nếu chỉ áp dụng phạt tiền thì chưa đủ sức răn đe.
 
Loại hình quảng cáo tinh vi và biến tướng, lạm dụng mạng xã hội và trang thông tin điện tử máy chủ ở nước ngoài nên cần áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm và giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe...
 
Nhằm nâng cao tính răn đe, dự thảo Nghị định đã quy định phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với một số hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan, trong đó có các hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn để trục lợi (tại Điểm đ Khoản 7 Điều 17), áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi này.

Theo Báo Văn Hóa