Được nới cơ chế, công ty chứng khoán tăng mạnh huy động vốn

13:55 | 18/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hiện tại, khoản vay của các công ty chứng khoán đã tăng thêm khoảng 20.000 tỷ đồng. Con số trên thực tế sẽ lớn hơn rất nhiều nếu tính thêm dư nợ từ vay 3 bên.

Chứng khoán Việt Nam đang chứng kiến những khoảnh khắc sôi động nhất từ khi hình thành. Sự có mặt một lượng lớn nhà đầu tư trong nước đã khiến chỉ số thanh khoản của thị trường bùng nổ, những phiên giao dịch ở mức 20.000 tỷ đồng là điều thường xuyên diễn ra trong thời điểm hiện tại. Tính thanh khoản tăng cao đã khiến thị trường đôi lúc rơi vào trạng thái nghẽn lệch. 

Dòng tiền margin (vay tiền của các công ty chứng khoán để đầu tư) là nguyên nhân quan trọng khiến thanh khoản tăng cao. Thực tế, dư nợ cho vay trên toàn thị trường trong quý 1/2021 đã ở mức khoảng 110.000 tỷ đồng (~4,8 tỷ USD). So với cuối năm 2020, dư nợ cho vay của các CTCK trên thị trường đã tăng thêm khoảng 20.000 tỷ đồng.

Gia tăng margin có nguyên nhân từ việc Thông tư 121/TT-BTC lại hiệu lực từ 15/2/2021 cho phép nâng tổng nợ CTCK trên VCSH lên tối đa 5 lần. Do vậy các công ty chứng khoán đã tăng vay nợ để có thêm nguồn tiền cho hoạt động kinh doanh. 

Được nới cơ chế, công ty chứng khoán tăng mạnh huy động vốn - ảnh 1

Nhiều công ty chứng khoán tiến hành huy động tiền bằng nhiều nguồn khác nhau

Các hình thức được sử dụng để gia tăng nguồn vốn có thể là phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, phát hành riêng lẻ, đẩy mạnh huy động trái phiếu, vay từ các tổ chức ngoại.

Từ đầu năm 2021, ước tính lượng vốn trái phiếu mà các CTCK đã và đang có kế hoạch huy động đã lên tới hơn 6.500 tỷ đồng. Một số công ty có kế hoạch huy động vốn lớn qua kênh trái phiếu là ACBS (1.200 tỷ đồng), SHS (1.500 tỷ đồng), VCSC (gần 1.100 tỷ đồng)…

Ngoài ra, một số công ty chứng khoán cũng tăng các khoản vay từ các tổ chức nước ngoài. Chẳng hạn HSC đã vay 44 triệu USD (khoảng 1.015 tỷ đồng) từ 7 định chế tài chính Đài Loan, đứng đầu là Ngân hàng First Commercial Bank (FCB).

Nhiều công ty chứng khoán thì mở thêm một kênh hợp tác với khách hàng, dùng tiền nhàn rỗi chuyển thành vốn cho hoạt động kinh doanh. Lãi suất công ty chứng khoán trả cao hơn lãi tiết kiệm, có thể lên 7-8,5%/năm, thậm chí nếu khoản huy động lớn, kỳ hạn dài có thể lên tới 10%/năm. 

Liên quan tới vấn đề này, Bộ Tài Chính đã yêu cầu một số công ty chứng khoán dừng ngay việc huy động tiền từ khách hàng, nếu vi phạm sẽ xử lý mạnh tay. 

 

H.S

Xem thêm: Kết quả chứng khoán ngày 17/5/2021: Lực bán mạnh ở nhóm cổ phiếu lớn, Vn-Index giảm gần 8 điểm