Đường sắt tìm cách xoay sở với vận tải hàng hóa nhằm thoát khỏi khó khăn do COVID-19
Trong những khoảng thời gian vài tháng gần đây, dịch COVID-19 hoành hành Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) buộc phải chuyển hướng sang sống nhờ vận tải hàng hóa, vốn đem lại nguồn thu trợ lực cho doanh nghiệp để có thể vượt qua khó khăn đại dịch.
Bất chấp đại dịch COVID-19 khiến lưu thông hàng hóa gặp khó nhưng ngành đường sắt vẫn tổ chức thành công các chuyến tàu chuyên container từ ga Yên Viên chạy thẳng sang Bỉ.
Cụ thể, từ ngày 20/7, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) kết hợp cùng với Tập đoàn Maersk - Đan Mạch tổ chức chạy tàu container xuất phát từ ga Yên Viên (Việt Nam) kết nối với thành phố Liege (Bỉ). Sau đó tiếp, hàng hoá sẽ chuyển sang đường bộ đi đến điểm đích là thành phố Rotterdam (Hà Lan).
Ngành đường sắt cũng duy trì ổn định chạy tàu hàng liên vận quá cảnh Trung Quốc đi các nước Trung Á, châu Âu như Kazakhstan, Nga, Ba Lan, Đức…Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại Đường sắt (RATRACO) - doanh nghiệp tổ chức tàu đi châu Âu cho biết đơn vị này đang làm việc với các đối tác để thời gian tới có thể tổ chức các đoàn tàu chuyên tuyến đến các điểm đến mới như Tây An, Hạ Môn... (Trung Quốc), từ đó hàng hóa có thể đi tiếp đến các điểm đích ở châu Âu.
“Việc kết nối với đường sắt châu Âu thông qua đường sắt Trung Quốc giúp cho hàng hóa hai chiều xuất nhập khẩu lưu thông tốt hơn, nhất là hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trước đây, các doanh nghiệp chỉ có thể đi đường biển rất lâu, nay họ có thêm đường sắt với thời gian ngắn hơn, giá cước cũng hợp lý, thuận lợi hơn cho vận chuyển hàng xuất khẩu,” ông Hùng nói.
Hơn nữa, theo ông Hùng, những chuyến tàu này cũng góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại quốc tế. Từ đó chuỗi dịch vụ cung ứng vận tải liên vận quốc tế tiếp tục được duy trì theo hướng bền vững và cạnh tranh hơn.
Thống kê của VNR chỉ ra sản lượng hàng hóa liên vận quốc tế đường sắt từ đầu năm đến nay tăng vọt. Hàng liên vận xuất nhập khẩu nói chung qua cửa khẩu ga Đồng Đăng, ga Lào Cai tăng hơn 40% so với cùng kỳ 2020. Riêng hàng xuất đi Nga và châu Âu, chín tháng năm 2021 đạt khoảng 1.800 TEU. Hàng hóa chủ yếu là hàng điện tử từ Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên; hàng da giầy, dệt may từ miền Trung, miền Nam.
Mới đây, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã "bắt tay" với Công ty CP Đầu tư thương mại và dịch vụ quốc tế (ILS) ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược trong khai thác vận tải, các lĩnh vực dịch vụ và đầu tư đường sắt.
Việc hợp tác này được kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả trong lĩnh vực vận tải đường sắt. Đặc biệt, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở pháp lý để hai bên hiện thực hóa thỏa thuận hợp tác chiến lược bằng các dự án, hợp tác cụ thể.
Cú bắt tay cũng tạo điều kiện kết nối cung cấp dịch vụ cho các đối tác, khách hàng của ILS trong nước và nước ngoài; Tư vấn, đề xuất các giải pháp đầu tư và cung cấp dịch vụ sử dụng tối ưu hệ thống cơ sở hạ tầng của cả hai bên như các loại phương tiện vận tải, nhà ga, kho tàng, bến bãi, cảng, trung tâm logistics...
Đồng thời, hai bên cam kết hợp tác trong việc khai thác cung ứng dịch vụ vận chuyển hàng hóa, logistics trên các tuyến vận tải nội địa, sử dụng dịch vụ đường sắt; Trên các tuyến vận tải kết hợp giữa các phương thức khác nhau, trong đó có đường sắt như: Cảng Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai - Vân Nam (Trung Quốc); Cảng Cái Lân - Đồng Đăng - Quảng Tây - Vân Nam; Tuyến vận tải liên vận quốc tế Á - Âu khởi đầu từ ga Yên Viên qua Trung Quốc, kết nối đến các thành phố lớn tại châu Âu và ngược lại...
Đường sắt: Khó khăn chồng chất, cả ngàn lao động mất việc
Từ đầu năm 2021 trở lại, VNR liên tiếp ghi nhận những mức lỗ kỷ lục qua các tháng liên tiếp. Xuất phát từ việc đại dịch đợt 3 và 4 diễn biến phức tạp, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội buộc nhiều tuyến tàu Bắc - Nam phải tạm dừng hoạt động.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tính toán đến cuối năm 2021, có khoảng 25% người lao động khối gián tiếp tạm hoãn hợp đồng, kể cả cấp phó trưởng ban, phó giám đốc chi nhánh. Đối với lao động trực tiếp, tùy theo đặc điểm, chức năng đơn vị, chức danh và đặc điểm tuyến vận tải để sắp xếp công việc, với tổng số người giai đoạn này sẽ phải tạm hoãn việc làm khoảng 1.600 lao động.