Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa rõ ngày hoạt động lại tiếp tục đội vốn

07:35 | 14/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Do không hoàn thành đúng tiến độ nên hợp đồng tư vấn giám sát dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) sẽ phải tăng chi phí bổ sung khoảng 7,8 triệu USD.

Cụ thể, trong văn bản trả lời Bộ Tài chính về việc sửa đổi điều 1.7 của Hiệp định vay bổ sung cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, sử dụng vốn vay Trung Quốc thì Bộ Giao thông vận tải đưa ra lý do hợp đồng EPC dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông không thể hoàn thành đúng tiến độ nên phải kéo dài thời gian thực hiện. Do đó, kéo theo chi phí hợp đồng tư vấn giám sát tăng thêm và cần bổ sung khoảng 7,83 triệu USD. 

Nguồn vốn đối ứng còn lại rất ít nên  Ban quản lý dự án đường sắt (đại diện chủ đầu tư, Bộ GTVT) đã có văn bản đề xuất Bộ Giao thông vận tải cho sử dụng phần vốn vay còn dư trên 26,4 triệu USD của hợp đồng vay vốn để bù cho chi chi phí tăng thêm ở hợp đồng tư vấn giám sát.

Chưa hẹn ngày đi vào khai thác mà Đường sắt Cát Linh - Hà Đông lại tiếp tục "ngốn" thêm những chi phí liên quan. Ảnh: VTC

Sau đó, Bộ GTVT đã gửi văn bản tới Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đề nghị sửa đổi một phần hiệp định vay vốn bổ sung, để bổ sung nội dung thanh toán từ hợp đồng vay vốn cho chi phí thuê tư vấn giám sát. 

Tuy nhiên, đến ngày 20/8 vừa qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đã có trả lời đề nghị của Bộ Giao thông vận tải trong đó ghi rõ "Phụ lục hợp đồng EPC đã được hai bên xác nhận, không cần thiết phải sửa đổi điều 1.7 của Hiệp định vay", và "Hợp đồng tư vấn giám sát không thể được tài trợ bởi khoản vay". Điều này có thể hiểu rằng phía Trung Quốc không đưa phần chi phí tư vấn giám sát tăng thêm vào khoản vay. 

Trên thực tế, việc kéo dài tiến độ dự án làm tăng chi phí các hợp đồng liên quan vẫn xảy ra tại nhiều dự án giao thông và xây dựng cơ bản vay vốn nước ngoài nói chung. 

Báo Tuổi trẻ cho biết, một chuyên gia từng chỉ ra trong tình huống này thường sử dụng vốn dư của hiệp định vay vốn nước ngoài hoặc vốn dự phòng, vốn đối ứng để chi trả phần chi phí tăng thêm. Tuy nhiên, khi điều chỉnh 1 điều khoản của các hiệp định kiểu này thì thực hiện theo quy trình như ký một hiệp định mới, nên thời gian làm thủ tục rất lâu. Do đó,khi không còn vốn đối ứng thường bố trí vốn ngân sách để trả phần chi phí tăng thêm.

Điểm lại những lùm xùm liên quan tới Đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Báo Diễn đàn doanh nghiệp từng thẳng thắn ví von rằng mỗi lần nhắc đến tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông , người dân sẽ hình dung ngay được một “con mãng xà” khổng lồ treo lơ lửng trên đầu người dân Hà Nội cùng một loạt những chi phí tăng theo các lần bởi tăng vốn, chậm tiến độ và trì hoãn. 

Được biết, vấn đề đội vốn là cụm từ không thể thiếu khi nhắc tới đại dự án này. Vốn được khởi công tháng 10/2011 do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, tuyến đường sắt này có tổng vốn đầu tư 550 triệu USD, sau đó vọt lên 891,9 triệu USD (đội giá thêm 339,1 triệu USD) số tiền đội vốn lên tới hàng nghìn tỉ đồng. Tuy nhiên nguyên nhân đội vốn do đâu thì dư luận xã hội cho tới thời điểm hiện tại vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng. 

Rõ ràng, điều này đã gây bức xúc vô cùng lớn cho dư luận, chỉ cần gõ cụm từ “dự án Cát Linh – Hà Đông”, chỉ trong vòng 0,69 giây mà cho ra khoảng 11.000.000 kết quả cho thấy "tiếng vang" của Cát Linh - Hà Đông trong suốt ngần ấy năm trời. 

Bộ GTVT từng nêu rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong dự án này là: Tuyến đường sắt chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư trách nhiệm chính thuộc phía Công ty HH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (tổng thầu); Ban Quản lý dự án Đường sắt là đại diện Chủ đầu tư chịu trách nhiệm trực tiếp trong công tác quản lý, điều hành, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán; Bộ Giao thông Vận tải, các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT chịu trách nhiệm là cơ quan chủ quản, phê duyệt dự án; UBND thành phố Hà Nội (chủ đầu tư hợp phần giải phóng mặt bằng) chịu trách nhiệm về việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng.

Trước sự chậm trễ và những tổn thất gây ra đối với ngân sách nhà nước,  Kiểm toán Nhà nước (KTNN) từng phải lên tiếng đề nghị Bộ GTVT tổ chức kiểm điểm, xác định làm rõ trách nhiệm với tập thể, cá nhân để xảy ra sai sót trong tổ chức thẩm định, phê duyệt dự án một số hạng mục xây lắp, vật tư, thiết bị còn nhiều sai sót; ký phụ lục hợp đồng số 11, thương thảo bổ sung 21,07 triệu USD chi phí xây dựng tăng thêm thiếu cơ sở pháp lý...

Đáng chú ý, KTNN đề nghị cơ quan đầu ngành giao thông phải kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến việc tự ý phê duyệt điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 8.769,97 tỉ đồng lên 18.001,59 tỉ đồng (vượt 10.000 tỉ đồng), chưa báo cáo Thủ tướng để xem xét và xin chủ trương của Quốc hội về điều chỉnh dự án đầu tư. 

Tuy nhiên, hiện vấn đề này vẫn đang bị Bộ GTVT bỏ ngỏ. Có lẽ lời giải thích thỏa đáng nhất cho người dân về những lùm xùm xung quanh dự án "dài hơi" này sẽ không sớm xuất hiện trong một sớm, một chiều. 

 

Hồi tháng 7 vừa qua, Bộ GTVT có văn bản gửi Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng (KTNN), kiến nghị chấp thuận Hội đồng KTNN xem xét, chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư. 

Bộ cho biết công trình đã hoàn thành và nghiệm thu đảm bảo đúng quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế được duyệt, nội dung hợp đồng dự án, đảm bảo theo đúng công năng thiết kế và đáp ứng các chỉ tiêu vận hành theo tiêu chuẩn dự án; toàn bộ kết quả thực hiện, nghiệm thu đã được báo cáo Hội đồng KTNN theo quy định. 

Công trình có thể đưa vào khai thác mà không cần giảm chỉ tiêu nào mặc dù vẫn còn một số tồn tại và phát hiện được Tư vấn ACT khuyến cáo cải tiến nâng cao trong quá trình khai thác. Nên, kết luận rằng Dự án đáp ứng được các yêu cầu theo quy định hiện hành về an toàn phòng cháy chữa cháy, môi trường, đăng kiểm phương tiện, huấn luyện đào tạo.