El Nino xuất hiện, 'thiên thời' cho cổ phiếu nhiệt điện?

Diên Vỹ 15:15 | 23/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
“Thiên thời” với nhiệt than, đó là nhận định của nhóm phân tích Yuanta Research trong báo cáo mới đây trong bối cảnh thủy điện gặp khó do mực nước ở các hồ thủy điện xuống thấp. Chung quan điểm này, Chứng khoán Vietcap cũng cho rằng các doanh nghiệp nhiệt điện đang có vị thế thuận lợi hơn nhiều so với thủy điện, đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện miền Bắc như POW, QTP và PPC.

 

Trong thông báo mới nhất, Tập đoàn điện lực EVN cho biết từ 23/6, hệ thống điện miền Bắc về cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng điện do những ngày gần đây, mực nước các hồ thuỷ điện đã được nâng lên. Ngoài ra, một số tổ máy nhiệt điện gặp sự cố đã được khắc phục. Tuy vậy, EVN cảnh báo do hệ thống nguồn điện miền Bắc không có công suất dự phòng nên thời gian tới vẫn có thể xảy ra tình huống cực đoan dẫn đến phải điều chỉnh phụ tải, tiết giảm điện.

 

Thực tế, mặc dù nước đã về trên các hồ thủy điện, nhưng thủy điện năm nay được dự báo sẽ phải đối mặt với hiện tượng El Nino khắc nghiệt. Theo Yuanta Research, lưu lượng nước đến các hồ chứa trên cả nước trong tháng 4 và tháng 5 chỉ bằng 50% so với mức trung bình nhiều năm. Một số dự báo cho rằng tình hình sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn trong tháng 6 và tháng 7 này.

Yuanta Research: kỳ vọng biên lợi nhuận DN nhiệt điện mở rộng khi giá bán tăng và chi phí đầu vào giảm

Trong bối cảnh thủy điện gặp khó, Yuanta Research cho rằng nhiệt điện than, chiếm 33% công suất hệ thống, sẽ được hưởng lợi từ tình hình này vì nhiệt điện sẽ được huy động cao hơn để bù đắp cho sự thiếu hụt của thủy điện. Theo đó, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp nhiệt than được kỳ vọng mở rộng khi giá bán tăng và chi phí đầu vào giảm. Minh chứng là nhà máy điện than Vũng Áng của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (HOSE: POW) gần đây đã báo cáo rằng giá thị trường toàn phần (FMP) đã tăng 30,3% kể từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, giá than đã giảm 65,7% so với năm ngoái xuống còn 139 USD/tấn.

Ngoài POW, Yuanta Reseach kỳ vọng một số doanh nghiệp nhiệt than cũng được hưởng lợi từ nguồn cung điện thắt chặt trong năm nay là Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh (UPCoM: QTP) và Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại (HOSE: PPC).

Với QTP, đây là doanh nghiệp cung cấp 1,2GW nhiệt điện than cho Hà Nội. Năm nay, QTP dự kiến mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt là 1.000 đồng/cổ phiếu, tương đương với tỷ lệ 5,9%. Tuy nhiên, theo nhóm phân tích Yuanta, mức chi trả cổ tức có thể tăng do tổng cổ tức trên một cổ phần (DPS) cho năm 2022 đã được công bố ở mức 2.250 đồng/cổ phiếu (tương đương với tỷ lệ 13,4%). Ngoài ra, QTP có thể sẽ thanh toán hết các khoản nợ dài hạn trong năm nay, điều này sẽ hỗ trợ tích cực cho lợi nhuận và việc chi trả cổ tức trong tương lai. 

Với PPC, nhà máy có tổng công suất nhiệt điện than là 1.040MW, Yuanta chỉ ra rằng tài sản của PPC gần như đã được khấu hao hết và không vay nợ. Trong ngắn hạn, PPC có kế hoạch khởi động lại tuabin S6, công suất 300MW (chiếm 28,8% tổng công suất) vào tháng 6 sau khi ngừng hoạt động để bảo trì vào tháng 3/2021. Điều này có thể tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

 

Vietcap: Triển vọng kinh doanh khởi sắc, nhất là từ 2024 khi giá CGM tăng và giá than giảm

Tương tự, Vietcap cũng dự báo El Nino sẽ tiếp tục làm gia tăng nhu cầu điện trong các tháng mùa hè và mặt khác ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất hoạt động của thủy điện. Nguồn cung điện thắt chặt nhiều khả năng sẽ thúc đẩy sự tăng giá thị trường phát điện cạnh tranh (CGM). Do đó, Vietcap nâng dự báo giá CGM năm 2023 thêm 6% lên 1.738 đồng/kWh (+13% so với cùng kỳ). Ngoài ra, nâng dự báo giá CGM giai đoạn 2024-2025 thêm lần lượt 6% và 10%. Trong giai đoạn 2024-2025, dự báo giá CGM sẽ tăng 4%. Nhóm phân tích cũng đánh giá triển vọng giá CGM cao hơn giúp nhiệt điện hưởng lợi nhiều hơn thủy điện; đặc biệt với với các nhà máy nhiệt điện ở miền Bắc, bao gồm POW, QTP và PPC.

Về giá than, nhóm chuyên gia Vietcap giữ nguyên giả định giá than năm 2023 nhưng hạ dự báo giá than giai đoạn 2024-2025 thêm khoảng 10% sau đợt điều chỉnh giá than quốc tế gần đây. Điều này đồng nghĩa dự báo trong ngắn và trung hạn, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp nhiệt điện cũng kỳ vọng tăng lên trên cơ sở giá bán tăng và chi phí đầu vào giảm dần.

 

Với các nhận định như vậy, Vietcap đánh giá cao triển vọng của POW, dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2024 sẽ tăng 86% do  kỳ vọng tổ máy số 1 của Vũng Áng sẽ đi vào hoạt động trở lại vào tháng 8/2023 và hưởng lợi từ tình trạng thiếu điện của miền Bắc cũng như giá than giảm. Hiện cổ phiếu POW đang giao dịch với P/E dự phóng năm 2024 là 9,2 lần — thấp hơn ~40% so với P/E trung bình 5 năm của POW.

Nhóm phân tích cũng đánh giá cao tiềm năng của QTP vì tin rằng QTP được hưởng lợi nhiều nhất từ triển vọng thiếu điện của Việt Nam. Hiện cổ phiếu QTP đang giao dịch với P/E dự phóng năm 2023-24 là 9,8x/6,9x — lần lượt thấp hơn ~50% và ~10% so với P/E trung bình của các cổ phiếu nhiệt điện đang theo dõi.