Elon Musk cáo buộc Ủy ban Chứng khoán Mỹ xâm phạm quyền tự do ngôn luận
Ngày 17/2, công ty xe điện Tesla và Giám đốc điều hành Elon Musk đã cáo buộc Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đã cố tính quấy rối họ bằng một cuộc điều tra mà theo ông Musk miêu tả là "liên tục và dài bất tận".
CEO Tesla cho rằng đây là hành động nhằm hạn chế quyền tự do ngôn luận vì ông thường là người chỉ trích thẳng thắn các vấn đề của chính phủ, theo hãng tin Reuters.
Lời cáo buộc được đưa ra trong một lá thư gửi cho Thẩm phán Alison Nathan ở khu vực Manhattan, người từng chủ trì một cuộc dàn xếp với SEC năm 2018 xuất phát từ dòng tweet của Elon Musk về thông tin sai lệch giữa ông với các cổ đông.
Alex Spiro, luật sư bên phía Elon Musk và Tesla chia sẻ: "Tỷ phú Elon Musk và Tesla hoàn toàn tôn trọng những quyết định đúng đắn từ các bên liên quan". Phía SEC đã từ chối đưa ra bình luận nhưng lãnh đạo cơ quan này cho biết sẽ đưa ra câu trả lời trước ngày 24/2.
Bức thư được gửi hôm thứ Năm đã khiến sự xung đột giữa Elon Musk với các cơ quan quản lý trở nên căng thẳng hơn khi họ bắt đầu xem xét kỹ lưỡng các bài đăng trên mạng xã hội của CEO Tesla cũng như cách đối xử của công ty này với người lao động, bao gồm cả những cáo buộc xoay quanh nạn phân biệt đối xử.
Theo tiết lộ từ phía Tesla vào ngày 7/2, họ đã nhận được một trát đòi đưa vụ việc ra tòa từ SEC về việc tuân thủ thỏa thuận năm 2018. Tháng 8/2018, SEC đã kiện Elon Musk vì đưa ra những tuyên bố sai sự thật và gây hiểu nhầm với các nhà đầu tư khi ông đăng dòng tweet cho biết đã đủ điều kiện để đưa Tesla thành doanh nghiệp tư nhân với giá 420 USD/cổ phiếu.
Trên thực tế, giá cổ phiếu Tesla đã tăng cao kể từ thời điểm đó, nhưng phát ngôn của Elon Musk thì vẫn chưa thành hiện thực.
Tesla và Elon Musk sau đó đã giải quyết vụ việc bằng cách đồng ý trả 20 triệu USD tiền phạt dân sự và để luật sư của Tesla kiểm tra trước một số thông tin liên lạc của chính ông Elon Musk, bao gồm cả những dòng tweet có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của Tesla. Sau đó, đích thân tỷ phú giàu nhất thế giới thời điểm hiện tại cũng từ bỏ chức vụ chủ tịch Tesla.
Trát đòi hầu tòa mới nhất được đưa ra vào ngày 16/11, tức chỉ 10 ngày sau khi Elon Musk thăm dò ý kiến của những người theo dõi trên Twitter về việc liệu ông có nên bán 10% cổ phần Tesla của mình hay không. Sau đó, phần lớn cư dân mạng đều bỏ phiếu tán thành. Dù vậy, việc này thực tế đã được chính CEO Tesla ấn định từ tháng trước đó. Sự kiện này sau đó đã gây ra một đợt bán tháo cổ phiếu Tesla.
Trong bức thư hôm thứ Năm, Spiro cáo buộc SEC đã phớt lờ cam kết phân phối 40 triệu USD tiền phạt cho các cổ đông, thay vào đó, họ "dành nguồn lực đáng kể của mình cho các cuộc điều tra vô căn cứ, vô tận đối với Elon Musk và Tesla".
"Tệ nhất, SEC dường như đang nhắm mục tiêu vào chính ông Musk và Tesla để điều tra liên tục bởi vì ông Musk vẫn là một người thường chỉ trích chính phủ một cách thẳng thắn. Những nỗ lực thái quá của SEC dường như nhằm mục đích bác bỏ các phát ngôn của ông Musk thay vì dành thời gian để làm tròn nghĩa vụ của cơ quan này", Spiro viết.
Ông Spiro đã yêu cầu thẩm phán Nathan lên lịch cho một cuộc họp để tìm hiểu lý do tại sao cơ quan này "đơn phương ban hành trát đòi hầu tòa" mà không có sự chấp thuận của tòa án cũng như vì sao số tiền phạt không được phân phối như đã hứa.
Ngược lại, nếu SEC phát hiện ra rằng Elon Musk vi phạm thỏa thuận, họ có thể yêu cầu thẩm phán Nathan loại bỏ các thỏa thuận cũ và mở lại vụ án hoặc truy tố theo các cáo buộc mới.
Ngoài ra, bức thư mới nhất của Elon Musk và Tesla được đệ trình chỉ 8 ngày sau khi Department of Fair Employment and Housing (một cơ quan chức năng của bang California) kiện Tesla về những cáo buộc của công nhân da màu rằng công ty này dung túng sự phân biệt chủng tộc tại nhà máy ở Fremont, California.
Tesla đã gọi vụ kiện đó là sai lầm. Họ cũng đang cố gắng giảm bớt vấn nạn này. Mới nhất, Tesla đã đề nghị trao một món quà mang tính bồi thường có giá trị lên tới 137 triệu USD cho một cựu nhân viên vận hành thang máy người da màu vì đã ép buộc anh ta vào làm việc trong một môi trường không phù hợp tại nhà máy Fremont.
Riêng hôm thứ Năm, Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia (NHTSA) đã mở một cuộc điều tra chính thức đối với 416.000 xe Tesla Model 3 và Model Y sau khi nhận được những khiếu nại về các vấn đền liên quan đến hệ thống phanh trên tính năng tự động lái của các dòng xe này. Tesla từng đưa ra 10 đợt thu hồi kể từ tháng 10/20221, trong đó có một số chiếc bị thu hồi dưới áp lực của NHTSA.