Èo uột cấp, đổi GPLX trực tuyến: Vì sao người dân chưa mặn mà?

11:42 | 25/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau gần 1 năm thí điểm dịch vụ cấp, đổi GPLX trực tuyến qua cổng dịch vụ công, kết qủa chỉ đổi được 10 hồ sơ, cấp mới 1 hồ sơ GPLX. Trái với kỳ vọng, người dân chưa mặn mà với dịch vụ này.

Èo uột, tốn kém

Năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an kết nối dữ liệu khám sức khỏe, dữ liệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, và cung cấp thí điểm dịch vụ công mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công Quốc gia từ ngày 1/7/2020 (phạm vi thí điểm tại thành phố Hà Nội và Hà Nam) tại địa chỉ https://dichvucong.gplx.gov.vn/.

Èo uột cấp, đổi GPLX trực tuyến: Vì sao người dân chưa mặn mà? - ảnh 1

Dịch vụ cấp, đổi GPLX trực tuyến chưa thu hút được người dân tham gia. Ảnh chụp màn hình.

Thời điểm này, ngành GTVT kỳ vọng, sau khi nâng dịch vụ công này lên cấp độ 4, ước tính có khoảng hơn 965.000 lượt người thực hiện hàng năm. Số tiền tiết kiệm tăng thêm so với thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 sẽ lên tới hơn 323,9 tỉ đồng/năm.

Để triển khai dịch vụ tiện tích này, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Sở GTVT tuyên truyền về lợi ích và triển khai dịch vụ công trực tuyến trên.

Tuy nhiên, tổng kết sau gần 1 năm, số lượng hồ sơ đăng ký đến hết tháng 4/2021 còn khá thấp. Cụ thể, số hồ sơ đổi là 10 hồ sơ, 1 hồ sơ cấp mới GPLX. Số tài khoản truy cập (thao tác và xem) chỉ đạt 2.000 lượt.

Nguyên nhân số lượng hồ sơ thấp được phía Bộ Giao thông Vận tải chỉ ra là do việc hoàn trả tiền còn khó khăn; số lượng bệnh viện tham gia khám và cung cấp dữ liệu khám sức khỏe trong giai đoạn thí điểm chưa nhiều.

Cụ thể, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Quản lý Phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, việc thực hiện đăng ký phải qua rất nhiều bước: Truy cập cổng dịch vụ công, đăng ký, nhận mã xác thực qua điện thoại di động (số điện thoại chính chủ); tra cứu vi phạm giao thông; tra cứu dữ liệu sức khỏe; thanh toán trực tuyến…

Hầu hết các dịch vụ này đều phải sử dụng cùng một số chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân kết hợp với số điện thoại di động chính chủ… Do đó đã dẫn đến hạn chế trong việc khai báo, đăng ký trên cổng dịch vụ công.

Ngoài ra, khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận sức khỏe cũng khiến người dân chưa mặn mà với dịch vụ trực tuyến này. Hiện tại, trong giai đoạn thí điểm mới chỉ có vài bệnh viện ở Hà Nội và Hà Nam có tích hợp mã khám sức khỏe điện tử trên cổng dịch vụ công Quốc gia. Bao gồm Bệnh viện E, Bệnh viện Giao thông vận tải, Bệnh viện đa khoa Hà Đông (Hà Nội) và tất cả các bệnh viện tại tỉnh Hà Nam.

Còn theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, việc kết nối dữ liệu giữa ngành Công an (CSGT) với cơ sở dữ liệu vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ cũng chưa… ổn định. Việc phối kết hợp giữa các ngành liên quan chưa thực sự ăn khớp, rất dễ dẫn tới việc “vênh” nhau khi triển khai. Điều này gây khó dễ cho cả người dân lẫn đơn vị cấp, đổi GPLX trực tuyến.

Về kinh phí, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho biết, đang thực hiện thuê dịch vụ công nghệ thông tin với số tiền 162 triệu đồng/tháng và dự toán kinh phí thuê triển khai mở rộng là 542 triệu đồng/tháng. Như vậy, tổng chi phí trong một năm thực hiện thí điểm dịch vụ này là khoảng 2 tỷ đồng.

Èo uột cấp, đổi GPLX trực tuyến: Vì sao người dân chưa mặn mà? - ảnh 2

Trước những bất cập, Bộ GTVT kiến nghị tạm dừng việc mở rộng triển khai toàn quốc cấp GPLX trực tuyến. Ảnh minh họa.

Tạm dừng mở rộng thí điểm

Anh N.H, một người đã dùng thử cấp, đổi GPLX trực tuyến cho biết dịch vụ này “tưởng dễ mà không dễ”. Theo anh H, trong khi làm trực tuyến đã điền và chụp mọi thông tin đẩy lên công dịch vụ. Sau đó được xác nhận đã đầy đủ thông tin giấy tờ hồ sơ. Tiếp đến, anh H được thông báo quan tin nhắn điện thoại hẹn đến nộp bản photo các giấy tờ tùy thân cần thiết.

“Tôi cứ tưởng thế là xong. Nhưng đúng lịch hẹn, đến nơi nhân viên tại đây lại phát cho tôi tờ A4 để điền mọi thông tin từ đầu như đã khai trực tuyến trước đó. Sau đó ngồi đợi gần 1 tiếng để được tiếp nhận hồ sơ, chụp ảnh. Thế thì có khác gì hình thức ra tận nơi làm như trước đây đâu ?” - anh H ngán ngẩm.

Tương tự, anh D.K ở Hà Nội cho biết, sau khi làm toàn bộ các bước thông qua cổng dịch vụ trực tuyến, hẹn ngày giờ nhưng khi ra nơi đổi GPLX vẫn xếp hàng như ngày thường. Anh K khẳng định, việc khai thông tin trước đó qua hình thức trực tuyến gần như không có tác dụng gì.

Ngoài những ý kiến kể trên, chia sẻ với chúng tôi, nhiều người dân cho rằng, nguyên nhân thất bại của dịch vụ thí điểm này là do thiếu sự đồng bộ, phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị liên quan.

Trước kết quả èo uột như trên, vừa qua, Bộ GTVT đã tiến hành tổng kết việc thí điểm dịch vụ công này dù chưa thực hiện được 1 năm (1/7/2020 – 1/7/2021). Trái với định hướng mở rộng thí điểm toàn quốc trước đó (giai đoạn 2), Bộ GTVT đã đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng để tạm dừng mở rộng dịch vụ này.

Tuy nhiên, Bộ GTVT vẫn kiến nghị tiếp tục triển khai thí điểm dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công Quốc gia trong năm 2021 theo hướng mở rộng phạm vi đơn vị, cơ sở y tế tham gia khám và cung cấp dữ liệu khám sức khỏe đồng thời khắc phục các khó khăn hiện tại, nhằm thực hiện tốt tại thành phố Hà Nội và Hà Nam.

Như vậy, mặc dù lường trước được các bất cập khi triển khai, nhưng trong gần 1 năm, ngành GTVT dường như chưa bắt được nhịp để cung cấp dịch vụ có chất lượng tốt hơn tới người dân. Việc kết nối dữ liệu với các ngành liên quan như Y tế, Công an vẫn còn lỏng lẻo, hời hợt. Trong khi kinh phí thí điểm lấy từ ngân sách đã tiêu tốn hàng tỷ đồng, nhưng hiệu quả đạt được chẳng đáng là bao.

Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.

THU QUỲNH

Xem thêm: Thu phí đường tránh Đông Hưng, Tasco làm gì để không đi vào “vết xe đổ” của BOT Tân Đệ, Mỹ Lộc?