EU và Trung Quốc tiếp tục 'ăn miếng trả miếng' nhằm phản ứng về lệnh trừng phạt

11:42 | 24/03/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các nước EU triệu đại sứ Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh trừng phạt một số nhà ngoại giao châu Âu để đáp trả lệnh cấm vận từ EU. Cùng lúc Trung Quốc cũng triệu hồi đại sứ Anh và nhiều nước châu Âu để phản đối.

Các nước châu Âu triệu tập đại sứ Trung Quốc


Theo hãng truyền thông Al-Jazeera, Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức và Ý mới đây đã triệu hồi đại sứ Trung Quốc tại các nước này để phản ứng về đòn trả đũa mới đây từ Bắc Kinh.

Bộ Ngoại giao Đức hôm 23/3 cho biết đại sứ Trung Quốc Wu Ken "đã được triệu tập để trao đổi khẩn cấp" với Miguel Berger, quan chức phụ trách văn phòng ngoại vụ Bộ Ngoại giao Đức.

"Berger đã nêu rõ quan điểm của chính phủ Đức rằng lệnh trừng phạt của Trung Quốc đối với các nghị sĩ, nhà khoa học và cơ quan chính trị châu Âu, cũng như các tổ chức phi chính phủ, tượng trưng cho bước leo thang không phù hợp, gây căng thẳng trong quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc một cách không cần thiết", thông báo của Berlin có đoạn.

Bộ Ngoại giao Đức gọi các lệnh trừng phạt của Trung Quốc là "động thái khó hiểu" và kêu gọi Bắc Kinh "rút lại ngay lập tức".

Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin giấu tên của Bộ Ngoại giao Pháp cho biết nước này cùng ngày cũng đã triệu tập đại sứ Trung Quốc Lu Shaye để phản ánh những biện pháp trừng phạt đáp trả của Bắc Kinh.

Diễn biến mới vụ EU - Trung Quốc trừng phạt lẫn nhau
Đại sứ Trung Quốc tại Đức Wu Ken. Ảnh: AP.
 
Trang Al-Jazeera cho biết Bộ Ngoại giao Đan Mạch cũng đã triệu tập đại sứ Trung Quốc tại nước này là ông Feng Tie sau một số biện pháp trừng phạt nhằm vào tổ chức do một cựu thủ tướng Đan Mạch thành lập.

“Khi Trung Quốc tự do trừng phạt, chỉ trích các chính trị gia, thể chế và nhà bất đồng chính kiến ở châu Âu, vốn chỉ đơn thuần là chỉ trích Trung Quốc, đó là một cuộc tấn công rõ ràng vào quyền tự do ngôn luận của công dân ở châu Âu và Đan Mạch” - Ngoại trưởng Đan Mạch Jeppe Kofod cho biết trong một tuyên bố.

Hãng tin Adnkronos, Ý là quốc gia EU mới nhất đưa ra động thái đối với đặc phái viên Trung Quốc khi triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Rome vào ngày 24/3.

"Bộ Ngoại giao lưu ý rằng đại sứ Trung Quốc tại Rome đã được triệu tập đến Bộ vào ngày mai liên quan các lệnh trừng phạt của Bắc Kinh đối với EU. Thứ trưởng Ngoại giao Marina Sereni sẽ là người tiếp đón" - tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ý hôm 23/3 cho biết.

Động thái trên của các nước EU được đưa ra sau khi Trung Quốc hôm 22/3 trừng phạt một số quan chức châu Âu nhằm đáp trả loạt biện pháp trừng phạt của EU, Mỹ, Anh, Canada cùng ngày. Theo đó, Bắc Kinh trừng phạt 10 cá nhân và bốn cơ quan châu Âu, cáo buộc lệnh cấm vận của EU là "can thiệp vấn đề nội bộ của Bắc Kinh".

Trung Quốc cũng triệu hồi đại sứ các nước EU


Phía Trung Quốc ngay lập tức cũng có động thái đáp trả tương tự cách làm của EU. Hãng tin AP cho biết, Trung Quốc ngày 23/3 đã triệu tập đại sứ của Liên minh châu Âu (EU) và Anh tại nước này nhằm thể hiện sự phản đối sau khi Mỹ, EU, Canada và Anh cùng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức cấp cao của Trung Quốc với cáo buộc vi phạm nhân quyền ở khu vực Tân Cương.

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Bắc Kinh hôm 22/3 đã triệu tập ông Nicolas Chapuis - Đại sứ EU tại Trung Quốc - để phản đối các lệnh trừng phạt của EU.

Phát biểu tại cuộc họp giao ban hôm 23/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh gọi các biện pháp trừng phạt mới là "sự vu khống và xúc phạm danh tiếng và phẩm giá của người dân Trung Quốc".

Diễn biến mới vụ EU - Trung Quốc trừng phạt lẫn nhau
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh. Ảnh: Reuters

“Tôi khuyên họ không nên đánh giá thấp quyết tâm kiên định của người Trung Quốc trong việc bảo vệ lợi ích và phẩm giá quốc gia, và họ sẽ phải trả giá cho sự điên rồ và kiêu ngạo của mình” - bà Hoa nhấn mạnh.

Trước đó, hôm 22/3, EU trừng phạt 4 quan chức chính quyền Tân Cương cùng Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương (XPCC), liên quan đến cách đối xử với người Duy Ngô Nhĩ và những nhóm Hồi giáo thiểu số khác ở khu tự trị này. Đây là lần đầu EU trừng phạt Trung Quốc kể từ sau lệnh cấm vận vũ khí năm 1989.

Các nhóm nhân quyền cho rằng ít nhất một triệu người Duy Ngô Nhĩ, cùng những người thuộc các nhóm thiểu số chủ yếu là Hồi giáo khác, đã bị giam trong các "trại cải huấn" ở Tân Cương và bị ngược đãi.

Bộ Ngoại giao Đức hôm qua cũng cho hay các lệnh trừng phạt của EU là "phản ứng đối với tình hình nhân quyền nghiêm trọng" của người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Tuy nhiên, Trung Quốc kiên quyết phản đối các cáo buộc này, khẳng định những trung tâm đào tạo nghề được thành lập nhằm chống lại mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố cực đoan trong khu vực, đồng thời giúp người Duy Ngô Nhĩ hòa nhập xã hội.
 

Hà Ly