EVFTA: Cú hích lớn trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu của Việt Nam
(DNVN) - Với 401 phiếu thuận (chiếm 63,33%), Nghị viện châu Âu đã chính thức thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA).
Tính đến nay, trong 12 FTA mà Việt Nam ký kết, thì EVFTA có sự khác biệt rất quan trọng, khiến Việt Nam có thể cạnh tranh được ở thị trường phát triển ở châu Âu và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Từ hàng hóa, đầu tư, mua sắm chính phủ, phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ đến vốn và công nghệ đều đáp ứng mục tiêu chiến lược của cả hai bên.
EVFTA được coi là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, phù hợp với các định chế của WTO, có tính đến độ chênh của trình độ phát triển giữa hai bên. Với gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế sau một lộ trình ngắn, đây là mức cam kết cao nhất mà đối tác EU dành cho Việt Nam.
Chia sẻ với báo chí trong buổi họp báo về EVFTA chiều 12/2, ngay sau khi Nghị viện châu Âu (EP) phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, đây là một tin tốt lành cho cả Việt Nam và Liên minh châu Âu cũng như cho cả việc toàn cầu hóa dựa trên nền tảng của các tổ chức thương mại và trên luật lệ. Bởi chúng ta cần phải nhìn rộng ra ở cả góc độ của khu vực và quốc tế với bối cảnh mà Việt Nam đang phải đối mặt trong những năm 2020 và những năm tới đây.
Nói về lộ trình để EVFTA chính thức có hiệu lực, người đứng đầu Bộ Công Thương cho biết, theo quy định, Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai, sau ngày các Bên đã thông báo cho nhau về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý tương ứng để Hiệp định này có hiệu lực. Tuy nhiên, Hiệp định sẽ cần phải được Quốc hội thông qua (dự kiến vào kỳ họp tháng 5/2020) để chính thức có hiệu lực. Nếu được Quốc hội phê chuẩn, dự kiến trong tháng 7/2020, Hiệp định EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đây sẽ là cơ hội vô cùng quan trọng để hàng hóa Việt Nam có thể tiếp cận thị trường rất lớn với quy mô 18.000 tỷ USD. Khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, gần 100% các sản phẩm của Việt Nam sẽ được hưởng cắt giảm thuế quan về 0% ngay từ những năm đầu tiên - thì chúng ta sẽ tưởng tượng được là những đóng góp và nguồn lợi ích mang lại cho chúng ta, cho doanh nghiệp của chúng ta cũng như các sản phẩm của chúng ta và nền kinh tế của chúng ta lớn như thế nào.
Đánh giá về EVFTA, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, đây là FTA thế hệ mới có chất lượng cao, thể hiện ở tính toàn diện của Hiệp định, trải rộng trong tất cả các lĩnh vực truyền thống và phi truyền thống, kể cả những lĩnh vực rất mới như mua sắm Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công, sở hữu trí tuệ...
Mức cam kết trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết cho tới nay. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay, mới chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Do đó, EVFTA thực thi sẽ đưa Việt Nam lên một tầm cao mới, xứng đáng là đối tác chiến lược của EU. Với EVFTA, xuất khẩu, GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới.
Cũng theo Bộ trưởng, khi Việt Nam đang tiếp tục bước vào các giai đoạn hội nhập sâu rộng, sẽ tiếp tục thực thi nhiều cam kết có chiều sâu với mức độ cao hơn trước. Cùng với các cơ hội thì việc thực thi các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới cũng đặt ra không ít những áp lực đặt ra cho Việt Nam như: những đòi hỏi rất cao vấn đề về môi trường, đảm bảo phát triển bền vững hay những điều kiện của người lao động...Bên cạnh đó, trình độ phát triển của Việt Nam còn có khoảng cách rất lớn với EU nhất là trình độ quản trị doanh nghiệp, do vậy nếu không có biện pháp để phát triển mạnh mẽ cho cộng đồng doanh nghiệp thì việc khai thác các cơ hội sẽ rất khó.
Mặt khác, một áp lực rất lớn đặt ra hiện nay, đó là một mặt quá trình toàn cầu hóa mang lại nhiều cơ hội, song thực tế thì chủ nghĩa bảo hộ cũng rất phát triển và những bất ổn về kinh tế, chính trị trên thế giới còn tiềm ẩn rất lớn thì Việt Nam phải khai thác tối đa những hiệu quả bằng những hành động kịp thời để ứng phó và đảm bảo vị thế từ đó đảm bảo lợi ích quốc gia và dân tộc.
Do đó, theo Bộ trưởng nhiệm vụ ngay trong năm 2020 là phải tái cơ cấu, tổ chức lại hệ thống sản xuất và đảm bảo lợi ích của các đối tượng chịu tác động trong quá trình hội nhập bao gồm cả khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực.
Thời gian còn rất sớm để chúng ta nói về những lợi ích về kinh tế và thương mại, nhưng phải khẳng định rằng những tính toán của chúng ta và của các nhà nghiên cứu quốc tế cũng đã khẳng định Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU sẽ ngay lập tức mang lại những lợi ích to lớn cho kinh tế Việt Nam, cho năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như cho doanh nghiệp và các sản phẩm của Việt Nam – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.