EVFTA giúp xuất khẩu tăng mạnh bất chấp dịch COVID-19 vẫn còn căng thẳng
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) không chỉ giúp xuất khẩu tăng trưởng mà còn được kỳ vọng sẽ giúp phục hồi các nền kinh tế.
Tăng trưởng xuất khẩu
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu thủy sản của cả nước từ tháng 9/2020 bắt đầu hồi phục với mức tăng trên 12% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi sụt giảm liên tục từ đầu năm do tác động của dịch Covid-19. Xuất khẩu trong tháng 10 tiếp tục đà tăng trưởng trên 10% với khoảng 923 triệu USD, đưa tổng xuất khẩu thủy sản 10 tháng đầu năm lên gần 7 tỷ USD. VASEP cho rằng, có được điều này là nhờ ảnh hưởng tích cực của EVFTA.
Đáng chú ý nhất là xuất khẩu tôm đã có bước phát triển mạnh trong tháng 10 khi tăng 25% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 430 triệu USD. Tổng 10 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu tôm đạt 3,1 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ. Đặc biệt, xuất khẩu tôm vào thị trường châu Âu tăng mạnh tới 42%.
Xuất khẩu tôm tăng trưởng mạnh trong tháng 10
Xuất khẩu cá ngừ trong tháng 10 sang EU cũng tăng 17% so với cùng kỳ. Nguyên nhân được đưa ra là do các ưu đãi thuế quan mà EVFTA mang lại đã tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm cá ngừ Việt Nam tại EU. Tính tổng 10 tháng, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang EU đạt hơn 115 triệu USD, tăng 0,5%.
Các mặt hàng chanh leo, dứa, cà phê, gạo… là những đơn hàng đầu tiên lên đường sang châu Âu, ngay khi EVFTA có hiệu lực. Ðiều này dễ hiểu, bởi ngay sau khi EVFTA được thực thi, sản phẩm chanh leo cô đặc chịu thuế 8% xuống 0%, dứa chịu thuế 13% về 0%, chuối chịu thuế 5% về 0%...
Cú huých từ EVFTA cũng đã tạo động lực cho gạo xuất khẩu liên tục đạt kết quả khả quan từ đầu năm tới nay. Theo Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 11/2020, Việt Nam xuất gần 185 nghìn tấn gạo, thu về 98,8 triệu USD. Như vậy, tính đến ngày 15/11, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 5,5 triệu tấn gạo, thu về hơn 2,7 tỷ USD.
Từ khi EVFTA có hiệu lực, hoạt động thương mại quốc tế của hàng thời trang Việt Nam với thị trường EU có nhiều tín hiệu tích cực. Nhiều doanh nghiệp đang cơ cấu lại bộ máy, sẵn sàng cơ sở hạ tầng nhà xưởng, nguồn nguyên liệu đáp ứng các cam kết của Hiệp định. Với việc EVFTA có hiệu lực, dự báo được ngành dệt may đưa ra là tổng trị giá xuất khẩu cả năm nay sẽ đạt khoảng 33,5-34 tỷ USD, tuy giảm khoảng 14-15% so năm 2019 nhưng cao hơn dự báo vào tháng 4/2020 là chỉ đạt 30-31 tỷ USD.
Từ ngày EVFTA chính thức được thực thi, các sản phẩm da thuộc và túi xách xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng thuế suất 0%. Tuy năm 2020, ước tính xuất khẩu giày dép của Việt Nam sẽ giảm 11% và xuất khẩu túi xách sẽ giảm 16% nhưng lượng đơn đặt hàng xuất khẩu trong tháng 10 tăng gần 5% so với tháng Chín.
Kỳ vọng trong lộ trình phục hồi kinh tế
Ngày 28/11 vừa qua đánh dấu 30 năm Việt Nam và EU thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong dịp này, các chuyên gia kinh tế hai bên nhận định, Hiệp định EVFTA có hiệu lực được kỳ vọng sẽ giúp hai nền kinh tế tận dụng tối đa lợi thế và tiềm năng của nhau để phục hồi kinh tế và có những phát triển vượt bậc trong thời gian tới. Dự kiến, vào năm 2035, xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ tăng thêm 8,3 tỷ Euro, trong khi xuất khẩu Việt Nam sang EU sẽ tăng thêm 15 tỷ Euro.
Đáng chú ý hơn, hiệu quả của EVFTA dự kiến kéo dài khi các nhà nhập khẩu quan tâm đến những mặt hàng có lộ trình giảm từ thuế từ 3-5 năm để khởi động, xây dựng các chiến lược về vấn đề thâm nhập thị trường trong dài hạn sau khi hết lộ trình giảm thuế. Các doanh nghiệp cũng đã quan tâm đến vấn đề chứng nhận quốc tế để đáp ứng tiêu chuẩn của EU nhằm tận dụng tốt hơn cơ hội của Hiệp định.
Ngày càng nhiều đơn hàng gạo từ châu Âu
Điều này lý giải tại sao có tới 1/3 doanh nghiệp châu Âu được khảo sát cho rằng, EVFTA là một phần quan trọng trong quyết định đầu tư của họ vào Việt Nam, với hai yếu tố hàng đầu được dự đoán sẽ thúc đẩy tăng trưởng là cắt giảm thuế quan (33%) và tiếp cận thị trường dễ dàng hơn cho các nhà đầu tư (13%). Đây là kết quả được nêu ra tại Báo cáo Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) quý III/2020 do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố ngày 26/11.
Đối với nông sản xuất khẩu, EVFTA là cánh cửa rộng mở, tuy nhiên EU cũng là thị trường khó tính nên việc giữ được tăng trưởng tốt là bài toán rất khó khăn. Các chuyên gia cho rằng, để đột phá vào EU, các doanh nghiệp phải quản lý xuyên suốt từ giống, vật tư đầu vào, quy trình canh tác đến chế biến. Đặc biệt, doanh nghiệp cần phát huy hơn nữa vai trò trung tâm trong việc xây dựng chuỗi nông sản xuất khẩu bền vững. Như Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Ðức Tiến nhận định, nông sản sẽ không thể chỉ mãi xuất thô mà buộc phải xây dựng được chuỗi cung ứng toàn diện từ sản xuất đến tiêu thụ.
Chủ tịch EuroCham Nicolas Audie nhấn mạnh, EVFTA sẽ xóa bỏ các rào cản thương mại và mở cửa thị trường với cả hai bên. Hoạt động thương mại gia tăng sẽ giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế quốc tế, đưa các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu và thúc đẩy hợp tác với các doanh nghiệp châu Âu.
EVFTA cũng sẽ thúc đẩy làn sóng thương mại và đầu tư mới giữa hai bên. Mới đây, EuroCham và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã thành lập Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam - châu Âu (EVBC), nhằm thúc đẩy kết nối và giúp cộng đồng doanh nghiệp hai bên khai thác hiệu quả những tiềm năng mà EVFTA mang lại. Vì vậy, trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19, “EVFTA nên được xem là lộ trình phục hồi kinh tế của Việt Nam và EU”, ông Nicolas Audie nhấn mạnh.
Xem thêm: Xe Trung Quốc liên tục gặp sự cố khi vận hành, người dùng Indonesia đòi bồi thường 70.000 USD
Theo Báo Quốc Tế