Fed có thể hạ lãi suất mà không cần phải hạ lãi suất?

Yên Khê 08:19 | 17/06/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có nhiều cách để điều hành chính sách tiền tệ và tạo ra tác động thực sự lên nền kinh tế.

 

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Shutterstock).

Fed - ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới - có thể sớm bắt đầu sử dụng các công cụ đặc biệt để đẩy lãi suất đi xuống và điều đó dĩ nhiên vẫn ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và hộ gia đình Mỹ.

Bình thường, Fed trực tiếp kiểm soát lãi suất ngắn hạn bằng cách đặt ra một phạm vi mục tiêu cho lãi suất quỹ liên bang, Wall Street Journal giải thích.

Hôm 12/6, các quan chức Fed đã nhất trí giữ lãi suất trong phạm vi 5,25 - 5,5%, đồng thời thông báo họ chỉ dự định cắt giảm chi phí đi vay liên ngân hàng một lần trong năm nay, ít hơn hai lần so với dự báo hồi tháng 3.

Song, nền kinh tế Mỹ còn có rất nhiều loại lãi suất khác nhau và tất cả đều có thể chịu ảnh hưởng gián tiếp bởi những kỳ vọng về chính sách tiền tệ trong ngắn hạn và dài hạn.

Fed có thể, và thường xuyên, làm thay đổi các loại lãi suất đó thông qua việc truyền đạt dự định chính sách của mình, ngay cả khi các quan chức không động đến lãi suất quỹ liên bang.

Theo Wall Street Journal, quá trình trên đã bắt đầu, xét theo một vài khía cạnh.

Sau loạt dữ liệu kinh tế yếu trong vài tuần qua - ngoại trừ báo cáo việc làm mạnh mẽ vào tuần trước - lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm từ mức 4,7% vào cuối tháng 4 xuống 4,25% ngay trước tuyên bố chính sách của Fed.

Lợi suất bật tăng trở lại mức 4,33% vào cuối ngày 12/6, sau khi Fed tiết lộ dự báo cắt giảm lãi suất mới. Sau đó, lợi suất lại tụt xuống còn khoảng 4,27% vào sáng ngày 13/6 sau báo cáo chỉ số giá sản xuất yếu hơn dự kiến.

Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm có ảnh hưởng lớn đến các khoản vay dài hạn, chẳng hạn như vay mua nhà. Khi lợi suất biến động, nó có thể tác động ngay lập tức tới các điều kiện cho vay trong nền kinh tế thực.

 

Điều quan trọng là các nhà hoạch định chính sách của Fed đã vạch ra kỳ vọng về lãi suất trước khi chính phủ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5, dù họ vẫn có cơ hội điều chỉnh lại triển vọng sau khi số liệu được tiết lộ.

Bản báo cáo là bằng chứng cho thấy lạm phát đang trở lại xu hướng hạ nhiệt sau khi có dấu hiệu chững lại vào đầu năm nay. CPI lõi (không tính giá năng lượng và thực phẩm) đã đi ngang hoặc đi xuống so với cùng kỳ trong 15 tháng liên tiếp.

Trong cuộc họp báo sau quyết định chính sách, Chủ tịch Fed Jerome Powell lưu ý: “Chúng tôi cần thêm dữ liệu khả quan để tự tin hơn rằng lạm phát chắc chắn đang quay về mức mục tiêu 2%”.

Các dấu hiệu mà Fed cần có thể sẽ xuất hiện trong hai báo cáo CPI sắp tới. Điều đó có thể buộc ngân hàng trung ương Mỹ phải phát tín hiệu cởi mở hơn về việc cắt giảm lãi suất.

Hiện tại, các chuyên gia đang băn khoăn liệu Fed sẽ hạ lãi suất lần đầu vào tháng 9 hay muộn hơn - có thể là vào tháng 12. Song, từ giờ tới lúc đó, Fed vẫn có nhiều cơ hội để thể hiện một cách rõ ràng dự định của mình.

Đáng chú ý nhất là cuộc họp chính sách tiếp theo, kết thúc vào ngày 31/7. Các quan chức sẽ không đưa ra dự báo mới về lãi suất, nhưng tuyên bố chính sách nhiều khả năng sẽ đề cập đến nhận định của họ về nền kinh tế.

Chưa kể, ông Powell cũng sẽ tổ chức họp báo. Tuyên bố chính sách và cuộc họp báo đều có thể là cơ hội để Fed thể hiện niềm tin ngày càng lớn về việc lạm phát đang đi xuống.

Và mặc dù Fed không họp vào tháng 8, thị trường sẽ có cơ hội lắng nghe thông điệp từ ông Powell tại hội nghị Jackson Hole. Các chủ tịch trước đây đều dùng sự kiện này để báo hiệu những thay đổi lớn trong kế hoạch hoặc suy nghĩ của Fed.