FED sẽ tăng lãi suất cho đến khi lạm phát tiệm cận mức mục tiêu
Theo biên bản cuộc họp được công bố hôm 6/7, các thành viên Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) cho biết FED có khả năng sẽ tăng lãi suất 0,5-0,75% vào cuộc họp tháng 7 sau đợt tăng 0,75% vào tháng 6. Biên bản nêu: “Khi thảo luận về các động thái chính sách sẽ thực hiện tại các cuộc họp sắp tới, các quan chức dự đoán FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất để đạt được mục tiêu của mình".
Ngân hàng Trung ương cho rằng việc nâng lãi suất thêm 0,75% vào tháng 6 là động thái cần thiết để kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng - vốn đang ở mức cao nhất kể từ năm 1981, đồng thời cảnh báo sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi lạm phát gần đạt được mục tiêu dài hạn 2%.
Các quan chức FOMC đều đồng tình việc thắt chặt chính sách tiền tệ khi áp lực lạm phát gia tăng. Mặc dù thừa nhận rằng động thái này có thể sẽ phải trả giá bằng sức mạnh của nền kinh tế, nhưng FED nhận thấy việc đưa lạm phát quay trở lại 2% là mục tiêu vô cùng quan trọng.
Động thái tăng lãi suất 0,75% được cho là bất thường, nhưng dường như các nhà hoạch định chính sách từ FED đã thay đổi quan điểm vào phút cuối sau nhiều tuần khẳng định rằng mức tăng 0,5% là chắc chắn. Sau khi dữ liệu kinh tế tháng 5 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng đang ở mức 8,6% và kỳ vọng lạm phát gia tăng, FED đã chọn con đường siết chính sách tiền tệ nghiêm ngặt hơn.
Nhiều người đánh giá rủi ro lớn mà FED phải đối mặt là khi lạm phát tăng cao và trở nên dai dẳng, công chúng sẽ bắt đầu nghi ngờ về quyết tâm cũng như khả năng của cơ quan này trong việc kiềm chế lạm phát với một cú "hạ cánh mềm" như đã cam kết.
Đà tăng lãi suất của FED diễn ra khi nền kinh tế Mỹ đang bất ổn.Theo một công ty theo dõi dữ liệu của FED tại Atlanta, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý đầu tiên giảm 1,6% và đang có xu hướng giảm 2,1% trong quý II. Điều đó sẽ đặt nền kinh tế đứng trước rủi ro suy thoái, một cuộc suy thoái được dự đoán là nông nhưng kéo dài.
Quincy Krosby, trưởng chiến lược gia cổ phiếu tại LPL Financial nhận định: “Kể từ cuộc họp lần trước của FED, điều kiện tài chính thắt chặt đã làm chậm nền kinh tế. Thị trường đang chờ đợi động thái của FED nếu các dữ liệu kinh tế sắp được công bố tiếp tục báo hiệu một cuộc suy thoái sâu hơn, nghiêm trọng hơn mà lạm phát vẫn không giảm như kỳ vọng”.
Các quan chức FOMC tại cuộc họp bày tỏ sự lạc quan về con đường dài hạn của nền kinh tế, mặc dù đã giảm mạnh dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 xuống 1,7% từ mức ước tính 2,8% trước đó hồi tháng 3. Doanh thu tiêu dùng chậm lại, doanh nghiệp kìm hãm đầu tư do chi phí tăng do xung đột Ukraine, sự tắc nghẽn chuỗi cung ứng và chính sách phòng dịch của Trung Quốc... là những nguyên nhân dẫn đến mức hạ dự báo lớn như vậy.
Chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - một thước đo lạm phát ưa thích khác của FED bên cạnh CPI - được dự đoán sẽ tăng 5,2% trong năm nay, so với mức 4,3% ước tính trước đó. Tháng 5, PCE tăng 6,3% so với cùng kỳ.
Biên bản của FED cũng cho thấy bước đầu, việc đưa lãi suất lên phạm vi 1,5% -1,75%, đã mang lại kết quả vì thắt chặt các điều kiện tài chính và giảm một số thước đo lạm phát dựa trên thị trường.
Biên bản ghi nhận rằng sau một loạt các đợt tăng lãi suất, FED sẽ có kinh nghiệm đánh giá mức độ hiệu quả của việc thắt chặt chính sách tiền tệ để quyết định có tiếp tục hay không. Giữ vững lập trường, FED nhấn mạnh sẽ thực hiện chính sách mạnh tay hơn nếu lạm phát không hạ nhiệt.