FPT Retail: 6 tháng hoàn thành 36% kế hoạch lợi nhuận năm

Diên Vỹ 14:37 | 01/08/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã: FRT) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 với doanh thu thuần 6.213,2 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 46,78 tỷ đồng, lần lượt tăng 42,5% và tăng 55% so với cùng kỳ năm 2021.

Cụ thể, trong quý II/2022, FRT ghi nhận doanh thu thuần 6.213,2 tỷ đồng, tăng 42,5% so với mức thực hiện cùng kỳ năm 2021 là 4.359,3 tỷ đồng.

Trừ giá vốn, lợi nhuận gộp trong kỳ đạt 943,2 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái là 604,9 tỷ đồng, Biên lãi gộp đạt 15,2% so với mức 13,88% cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, về hoạt động tài chính, doanh thu tài chính trong kỳ lại giảm xuống 44,03 tỷ đồng từ mức hơn 48 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái, trong khi chi phí tài chính tăng vọt 76% lên 60,6 tỷ đồng. Cùng đó, chi phí quản lý doanh nghiệp dù giảm gần 30 tỷ đồng xuống 95,9 tỷ đồng nhưng chi phí bán hàng lại tăng vọt 316 tỷ đồng lên 775,2 tỷ đồng.

Do đó, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp trong kỳ đạt 59,05 tỷ đồng, dù vậy vẫn tăng 57,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 46,78 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 46,69 tỷ đồng, cùng tăng khoảng 55%. Biên lãi ròng trong kỳ đạt 0,75%.

Theo giải trình của FRT, lợi nhuận quý II/2022 tăng đáng kể nhờ so sánh với mức nền lợi nhuận thấp tại thời điểm cùng kỳ 2021, khi dịch COVID-19 bùng phát gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Cùng đó, Công ty con Long Châu ghi nhận doanh thu tăng trưởng 2,5 lần do mở mới 410 cửa hàng so với cùng kỳ 2021. Tại thời điểm ngày 30/6/2022, Long Châu sở hữu 678 nhà thuốc trên cả nước.

Dù doanh thu và lợi nhuận quý II đều ghi nhận mức tăng ấn tượng so với cùng kỳ 2021, tốc độ tăng như vậy vẫn chậm lại đáng kể nếu so với quý liền trước - quý I/2022. Trong quý I/2022, doanh thu thuần của FRT đạt 7.785,64 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 164,59 tỷ đồng, lần lượt tăng 67% và 432% so với quý I/2021.

 
 

Lũy kế 6 tháng năm 2022, FRT ghi nhận tổng doanh thu thuần 13.998,83 tỷ đồng, tăng 54,3% so với cùng kỳ 2021. Trừ giá vốn, lợi nhuận gộp trong 6 tháng tăng gần 1.000 tỷ, đạt 2.175,95 tỷ đồng từ mức 1.190,41 tỷ đồng cùng kỳ 2021.

Doanh thu từ hoạt động tài chính tăng 16% lên 94,5 tỷ đồng. 

Trong khi đó, cả chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng mạnh. Cụ thể, chi phí tài chính tăng 86% lên 115,26 tỷ đồng, trong đó 95,34 tỷ đồng là chi phí lãi vay. Chi phí bán hàng tăng gần 60% lên 1.507,6 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 57% lên 389,5 tỷ đồng.

Tựu chung, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 6 tháng của FRT đạt 263 tỷ đồng, tăng gấp gần 3,5 lần so với mức thực hiện 76,16 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021.

Lợi nhuận sau thuế đạt 216,13 tỷ đồng so với mức 61,16 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 61.03 tỷ đồng.

Năm nay, FRT đặt mục tiêu 27.000 tỷ đồng doanh thu thuần, 720 tỷ lợi nhuận trước thuế; lần lượt tăng 20% và 30% so với mức thực hiện năm 2021. Đây cũng là con số doanh thu và lợi nhuận kế hoạch cao kỷ lục của công ty từ trước tới nay. Như vậy, sau nửa đầu năm, FRT đã hoàn thành 51,8% kế hoạch doanh thu và 36,5% kế hoạch lợi nhuận năm.

Về tình hình tài chính, tính đến thời điểm 30/6/2022, FRT ghi nhận tổng tài sản đạt 10.018,14 tỷ đồng, giảm 7% so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm đa số, với trị giá 9.299,43 tỷ đồng, còn lại 718,71 tỷ đồng là tài sản dài hạn. Trong cơ cấu tài sản, hàng tồn kho và đầu tư tài chính ngắn hạn chiếm khá lớn, trị giá lần lượt 5.114,91 tỷ đồng và 1.947 tỷ đồng, tương ứng 51,1% và 19,4% tổng tài sản.

Tổng nợ tính đến hết quý II giảm hơn 10%, từ 9.106,8 tỷ đồng vào đầu năm xuống 8.162,22 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn lên tới 8.162,07 tỷ đồng, chỉ có 150 triệu đồng là nợ dài hạn.

Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn lên tới 5.282,54 tỷ đồng, tương đương gần 65% tổng nợ. Theo báo cáo tài chính hợp nhất của FRT, các khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn chủ yếu nằm ở các tổ chức tín dụng như sau: Ngân hàng BIDV (824,1 tỷ đồng, tăng gấp 5,3 lần thời điểm đầu năm), ngân hàng DBS (818,9 tỷ đồng, tăng 11,6%), ngân hàng HSBC Việt Nam (816,37 tỷ đồng, giảm 15,4%)...

 Nguồn: BCTC FRT 

Ngoài ra, một số khoản vay nợ ghi nhận vào đầu kỳ tại Ngân hàng VietinBank (499,9 tỷ đồng), ANZ Singapore (294,3 tỷ đồng), Standard Chartered Singapore (224,7 tỷ đồng), MUFG (126,34 tỷ đồng) và Shinhan Việt Nam (gần 120 tỷ đồng) đã được thanh toán xong tại thời điểm hết quý II.

Vốn chủ sở hữu tính đến 30/6/2022 là 1.855,92 tỷ đồng, tăng 10,5% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu là 4,4 lần, cải thiện so với mức 5,42 lần vào đầu năm. 

 

Đến hết quý II, hệ số thanh toán tổng quát (Tổng tài sản/ Nợ phải trả) của FRT là 1,23 lần. Hệ số thanh toán hiện hành (Tài sản ngắn hạn trên Nợ ngắn hạn) khoảng 1,14 lần. Trong khi đó, hệ số thanh toán tức thời (Tiền và các khoản tương đương tiền trên Nợ ngắn hạn) chỉ khoảng 0,054 lần, do tiền và tương đương tiền tại ngày 30/6/2022 của FRT đã giảm mạnh so với hồi đầu năm xuống chỉ còn 444,42 tỷ đồng (tiền và tương đương tiền đầu năm ghi nhận 1.105,21 tỷ đồng).

Sở dĩ tiền và tương đương tiền trong kỳ giảm so với đầu năm là do lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm 661,11 tỷ đồng.

Cụ thể, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh chính âm 422,3 tỷ đồng, chủ yếu do tăng hàng tồn kho làm dòng tiền âm 186,5 tỷ đồng, tăng khoản phải trả (không kể lãi vay phải trả và thuế thu nhập phải nộp) làm dòng tiền âm 198,1 tỷ đồng, tăng chi phí trả trước làm dòng tiền âm 128 tỷ đồng và tăng khoản phải thu làm dòng tiền âm 61 tỷ đồng…

Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính cũng âm 804,5 tỷ đồng, chủ yếu do tiền trả nợ gốc vay lên tới 8.534,16 tỷ đồng trong khi tiền thu từ đi vay chỉ 7.769,3 tỷ đồng.

Bù lại, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư dương 565,5 tỷ đồng, nhờ tiền thu hồi cho vay, bán lại các công cụ nợ của đơn vị khác lên tới 6.226,2 tỷ đồng, đủ bù đắp phần tiền chi cho vay, mua lại các công cụ nợ của đơn vị khác là 5.687,7 tỷ đồng.