Gần 'hết đất' nhượng bộ Mỹ, Bắc Kinh có thể xem xét lại chính sách kinh tế

21:33 | 12/05/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có thể thúc ép Bắc Kinh xem xét lại chính sách kinh tế-công nghiệp và tiến hành “cải cách hệ thống” lần thứ hai.
Gần 'hết đất' nhượng bộ Mỹ, Bắc Kinh có thể xem xét lại chính sách kinh tế - ảnh 1
Bắc Kinh  đang phải đối mặt với khả năng bị thâm hụt tài khoản vãng lai trong cả năm 2018. Nguồn: Internet. 
Đó là nhận định của Cố vấn Bộ Tài chính Lu Feng - giáo sư kinh tế tại Đại học Bắc Kinh và từng tham gia đối thoại kinh tế toàn diện với Mỹ - trước chuyến đi Mỹ tuần tới của phái đoàn Trung Quốc nhằm giảm bớt căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Cố vấn Bộ Tài chính Trung Quốc Lu Feng - giáo sư kinh tế tại Đại học Bắc Kinh. Nguồn: youtube.com

Không còn nhiều đất để nhượng bộ, Trung Quốc theo đuổi lập trường cứng rắn trong cuộc đàm phán với Mỹ ở Bắc Kinh tuần trước, tuyên bố sẽ không thỏa hiệp hoặc từ bỏ kế hoạch hiện đại hóa công nghiệp vốn được coi là lợi ích cốt lõi quốc gia.

Tuần tới, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (Liu He) dự kiến sẽ đi Washington để tiếp tục đàm phán giảm căng thẳng thương mại với Mỹ

Lý do Trung Quốc không chịu nhượng bộ

Bắc Kinh không chấp nhận việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đòi giảm thâm hụt thương mại Mỹ-Trung thêm 200 tỷ USD từ nay đến năm 2020 vì điều này mang lại khá nhiều rủi ro. Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đã tụt xuống mức 375 tỷ USD trong năm ngoái.

Trong khi đó, tài khoản vãng lai của Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm nay đã bị thâm hụt hàng quý lần đầu tiên trong vòng 17 năm qua và Bắc Kinh  đang phải đối mặt với khả năng bị thâm hụt cả năm lần đầu tiên kể từ năm 1994. Thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc vốn đạt 9,9% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2007, nhưng giảm xuống 1,3% GDP trong năm 2017. Theo Standard Chartered, tỷ lệ này có thể giảm xuống 1% GDP trong năm nay và 0,5% GDP vào năm 2019.

Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc cũng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 tháng qua, xuống còn 3.125 tỷ USD (so với mức 4.000 tỷ USD hồi giữa năm 2014) trong tháng 4/2018, bất chấp những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thu hút vốn và kiềm chế dòng tiền chảy ra nước ngoài.

Các nhà kinh tế cảnh báo rằng Trung Quốc có thể đối mặt những thay đổi bất lợi về tỷ giá hối đoái và dòng vốn, nếu bị thâm hụt thương mại. Nhà kinh tế cao cấp Zhou Hao của Commerzbank ở Singapore nhận định: "Thâm hụt tài khoản vãng lai không phải là điều tốt đối với các thị trường mới nổi vì điều đó có nghĩa là phải dựa vào nguồn vốn bên ngoài và trong một số trường hợp có thể đi kèm với nhiều điều kiện (kinh tế và chính trị)".

“Cải cách hệ thống” lần thứ hai?

Tình hình đã thay đổi khi người dân Trung Quốc mua nhiều sản phẩm nước ngoài và chi tiêu nhiều hơn ở hải ngoại, trong khi vốn đầu cơ đã rút khỏi Trung Quốc.

Giáo sư kinh tế Lu Feng cho rằng đã đến lúc Bắc Kinh cần xem xét lại chiến lược kinh tế hiện hành.

Phát biểu tại một diễn đàn ở Bắc Kinh hôm 8/5, giáo sư Lu Feng nói: "Cuộc xung đột thương mại Trung Quốc-Mỹ hiện nay đã cho chúng ta cơ hội để suy nghĩ về đường lối phát triển kinh tế sắp tới. Trung Quốc có thể một lần nữa phải cải cách hệ thống như hồi những năm 1980”. Ý ông muốn nói đến đường lối cải cách mở cửa thị trường, đón nhận đầu tư nước ngoài của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình. Ông nói tiếp: “Hiện có nhiều ý kiến khác nhau ở Trung Quốc về hiện đại hóa công nghiệp. Nhiều người cho rằng cần tăng cường sự trợ cấp của chính phủ, nhưng cũng có ý kiến rằng Trung Quốc nên cho phép cạnh tranh tự do và bảo vệ bản quyền”.

Giáo sư Lu Feng cho biết từng xảy ra những cuộc tranh luận tương tự trước khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001. Tuy nhiên, ông cho rằng cải cách hệ thống ở Trung Quốc vào thời điểm này là “rất khó khăn”.

Các phương tiện truyền thông nhà nước và một số học giả đã kêu gọi chính phủ Trung Quốc hỗ trợ sản phẩm trong nước và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn riêng, sau khi Washington cấm các công ty Mỹ bán linh kiện và cung cấp dịch vụ cho nhà sản xuất thiết bị viễn thông ZTE.

Một số người ở Trung Quốc cho rằng lệnh cấm của Mỹ đối với ZTE nằm trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc. Do đó, Bắc Kinh cần hỗ trợ mạnh mẽ hơn công cuộc hiện đại hóa công nghiệp.

Theo giáo sư Lu Feng, Trung Quốc nên tránh để cho Mỹ cấu kết với các khu vực và quốc gia phát triển như Liên minh châu Âu và Nhật Bản. Ông nói thêm: "Ông Trump có thể gây sự với rất nhiều nước, nhưng Trung Quốc mới là mục tiêu quan trọng nhất. Rất có khả năng, ông Trump dần dần thu hẹp mục tiêu ... và chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc”.

Giáo sư Lu Feng nói thêm rằng Bắc Kinh cần chuẩn bị đối phó với các hành động tiếp theo của Tổng thống Donald Trump, trong đó có những hạn chế nghiệt ngã hơn liên quan đến đầu tư công nghệ Mỹ, một phần do Washington cáo buộc Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ và buộc các công ty nước ngoài làm ăn ở Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ. Trung Quốc cũng có thể bị Mỹ cáo buộc thao túng tiền tệ và có thể bị áp đặt lệnh cấm đối với các công ty công nghệ lớn như Huawei, Alibaba hoặc thậm chí là các ngân hàng quốc doanh.

Shen Jianguang, kinh tế gia trưởng tại Mizuho Securities Asia, cảnh báo rằng các cuộc đàm phán thương mại có thể thất bại trong việc giải quyết các vấn đề về cấu trúc. Ông nói rằng Trung Quốc có thể nhập khẩu ít hơn khí đốt hóa lỏng (LNG) từ Trung Đông,  nếu buộc phải mua thêm LNG từ Mỹ để cắt giảm thặng dư thương mại.

Minh Bích (theo SCMP)