Gần như 100% dự án BOT được kiểm toán

19:12 | 05/06/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đây là một trong những thông tin được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời tại phiên chất vấn vào sáng 5/6.

Về việc kiểm toán dự án BOT giao thông, chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) nêu vấn đề: Sau kiểm toán 61 dự án BOT giao thông, Kiểm toán Nhà nước giảm 222 năm thu phí của 61 dự án này. Trước đó, 2 Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Giao thông vận tải với nhiều lập luận cho rằng, Kiểm toán Nhà nước không được kiểm toán các dự án BOT giao thông vì đây là các dự án của nhà đầu tư tư nhân.

Đại biểu hỏi Bộ trưởng vì sao 2 Bộ không muốn kiểm toán các dự án BOT giao thông? Nếu Kiểm toán Nhà nước không kiên quyết thì dân có phải trả tiền oan cho 222 năm của 61 dự án này không và có lợi ích nhóm ở đây hay không?

Gần như 100% dự án BOT được kiểm toán - ảnh 1
 Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình).
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: Chúng tôi trân trọng sự hỗ trợ của Kiểm toán Nhà nước. Ông cho biết, ngay từ khi dự án BOT triển khai, Bộ Giao thông vận tải đã mời kiểm toán, chủ doanh nghiệp BOT cũng trực tiếp mời kiểm toán vào cuộc để kiểm toán, thậm chí mời cả công an chứ không phải như thông tin nói rằng Bộ Giao thông vận tải không đồng ý kiểm toán dự án. Gần như 100% dự án BOT được kiểm toán. Số liệu hơn 200 năm phải trả phí mà các đại biểu phản ánh, trong kỳ họp trước Bộ trưởng đã trả lời. Theo quy định của pháp luật, khi dự án được phê duyệt, Bộ sẽ ký hợp đồng nguyên tắc với nhà đầu tư. Nhà đầu tư triển khai xong, Bộ sẽ quyết toán.
Căn cứ vào quyết toán thực tế, sẽ điều chỉnh lại hợp đồng. Hợp đồng cuối cùng mới cho thu phí. Nếu kiểm toán căn cứ vào dự án khi mới được phê duyệt sẽ không đúng thực tế. Bộ trưởng cho biết đã giải trình vấn đề này một lần rồi. Số liệu hơn 200 là đúng nhưng chỉ đúng với dự án được duyệt. Số liệu thực tế quyết toán, thời gian thu phí đã giảm rất nhiều so với hợp đồng nguyên tắc ban đầu.
Về vấn đề xe công nghệ, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đặt câu hỏi: Các công ty công nghệ Grab chỉ nộp thuế xấp xỉ 10 tỷ đồng cho 3 năm 2014 – 2016, năm 2017 và 2018 cũng không khá hơn bao nhiêu, trong khi các doanh nghiệp taxi truyền thống nộp thuế cả nghìn tỷ đồng. Bộ trưởng có giải pháp ra sao để quản lý loại hình xe công nghệ này, không còn tình trạng kê khai chui số lượng nhằm trốn thuế, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh giữa xe taxi truyền thống và loại hình mới?.
Gần như 100% dự án BOT được kiểm toán - ảnh 2
 Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể.

“Về taxi công nghệ, hiện nay chúng ta đang quản lý theo quy hoạch”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói. Nhưng từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực, Bộ Giao thông vận tải cũng thực hiện nghiêm Luật Quy hoạch, không còn hạn mức của taxi. Hiện nay, taxi triển khai thu tiền tự động như xe taxi công nghệ nên sắp tới sẽ bảo đảm công bằng giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ. Bộ trưởng cũng lưu ý, khi tạo điều kiện như vậy sẽ có một thực tế là có nhiều phương tiện tham gia trên đường. Nhưng đây là việc của công dân và theo Luật Quy hoạch sẽ không còn giới hạn số lượng. Tương tự như trạm đăng kiểm sắp tới sẽ xây dựng theo nhu cầu, phương án của nhà đầu tư không còn bị giới hạn. “Cung cấp dịch vụ tốt sẽ có hệ lụy là nhiều phương tiện lưu thông trên đường. Tuy nhiên, do trong nền kinh tế thị trường nên đề nghị bà con khi mua xe để tham gia các hoạt động vận tải cần tính toán để bảo đảm hiệu quả”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Bộ Giao thông vận tải đã sơ kết sau 2 năm thực hiện Quyết định 24, và sau đó đã điều chỉnh Nghị định 86. Nghị định này nhận được sự quan tâm của các hiệp hội, doanh nghiệp, người dân, cơ quan truyền thông, cơ quan nghiên cứu nên thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã có 7 lần gửi dự thảo Nghị định 86 sửa đổi lên Phó Thủ tướng Chính phủ. Tại kỳ báo cáo cuối cùng trước kỳ họp này, thì chỉ còn ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông, còn các tổ chức, cơ quan, hiệp định cơ bản đồng tình cao. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể hy vọng dự thảo Nghị định 86 (sửa đổi) sẽ sớm được ban hành, khi đó, taxi truyền thống và taxi công nghệ sẽ cạnh tranh như nhau, vì taxi truyền thống được áp dụng công nghệ thu tiền tự đồng.

Về chênh lệch số liệu thống kê phương tiện tham gia, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện nay theo số liệu của Bộ thì có 48.000 phương tiện. Có một số người dân đăng ký song không hoạt động. Nhưng vấn đề này thì chỉ doanh nghiệp nắm được. Bộ cũng đang chỉ đạo các địa phương kết nối số liệu với Bộ và Bộ Công an để nắm bắt chính xác số liệu phương tiện giao thông tham gia hình thức vận tải dịch vụ công nghệ này, qua đó quản lý chặt chẽ di biến động hoạt động của doanh nghiệp, các xe này, để thu thuế và bảo đảm an toàn giao thông đường bộ.

Còn về việc nộp thuế, theo Bộ trưởng, không chỉ có Uber, Grap mà hiện còn có 14 phần mềm, trong đó tại Việt Nam đang tồn tại 12 phần mềm. Các phương tiện đều kết nối với cơ quan nộp thuế nên việc thất thu thuế ít xảy ra, cơ quan thuế kiểm soát kỹ càng. Cho biết có phần trích lại cho Grap, Bộ trưởng mong các cơ quan phối hợp để kiểm soát chặt chẽ.

Khi có thông tin Uber, Grap lỗ, Bộ trưởng cho biết “chúng tôi cũng nắm thông tin qua các phương tiện truyền thông, nên tôi nghĩ, Bộ Tài chính sẽ nắm rõ vấn đề này. Tôi cũng nghĩ rằng, các cơ quan nhà nước sẽ bảo đảm sân chơi công bằng cho tất cả các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là với taxi công nghệ, taxi truyền thống”.