Giá căn hộ Hà Nội sẽ biến động như thế nào trong 3 năm tới?

Cảnh Chân 08:00 | 10/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
CBRE dự báo, trong năm 2022, nếu tiến độ tiêm vaccine diễn ra thuận lợi, tạo điều kiện cho kinh tế phục hồi cũng như dần mở cửa lại biên giới, nguồn cung căn hộ mở bán mới và doanh số bán dự kiến phục hồi về ngưỡng 25.000 – 27.000 căn.

CBRE vừa đưa ra mức dự báo về thị trường bất động sản quý III. Theo đó, trong năm 2022, nếu tiến độ tiêm vaccine diễn ra thuận lợi, tạo điều kiện cho kinh tế phục hồi cũng như dần mở cửa lại biên giới, nguồn cung căn hộ mở bán mới và doanh số bán dự kiến phục hồi về ngưỡng 25.000 – 27.000 căn.

Về giá bán, CBRE cho rằng, mức giá sơ cấp được dự báo tăng khoảng 5-7% mỗi năm trong vòng 3 năm tới. Nguyên nhân là sản phẩm của các khu đô thị tiếp tục nâng cấp định vị cũng như kỳ vọng các dự án cao cấp và hạng sang mở bán ở một số vị trí đắc địa, trung tâm.

Về giá bán, CBRE cho rằng, mức giá sơ cấp được dự báo tăng khoảng 5-7% mỗi năm trong vòng 3 năm tới. Ảnh internet.

Hiện giá bán trên thị trường sơ cấp trong quý III được ghi nhận trung bình ở mức 1.542 USD một m2 (chưa bao gồm VAT và phí bảo trì), tăng 16% theo năm do tỷ trọng các dự án cao cấp mở bán trong quý cao hơn. Tại quý III năm ngoái, tỷ trọng phân khúc bình dân chiếm tới 49% lượng mở bán mới dẫn đến đến mức giá bán sơ cấp trung bình ở ngưỡng thấp.

Tại thị trường thứ cấp, do tác động của dịch, mức giá thứ cấp trung bình đạt 1.156 USD một m2, giảm 1% theo quý và tăng 2% theo năm. Lợi suất căn hộ cho thuê trong quý tiếp tục chịu ảnh hưởng của đại dịch và các biện pháp giãn cách, đặc biệt tại các khu vực tập trung cho thuê chuyên gia nước ngoài. Cụ thể, khu trung tâm, Đống Đa – Ba Đình, và Tây Hồ chỉ ghi nhận mức lợi suất 3,7- 4,6%, thấp hơn khoảng 1 điểm phần trăm so với trước dịch.

Về nguồn cung, CBRE cho biết, trong 3 quý vừa qua, lượng căn hộ mới tăng trưởng nhẹ so với 2020, nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với giai đoạn trước dịch. Theo đó, trong 9 tháng ghi nhận 11.430 căn mở bán mới, tăng 7% theo năm; riêng quý III là 3.483 căn, giảm 1% theo năm. Do Covid-19 làm gián đoạn hoạt động bán hàng, doanh số bán trong quý III chỉ đạt gần 3.000 căn, giảm 33% theo năm. Tính chung 3 quý, số căn bán được gần 11.000, giảm nhẹ 1% theo năm.

Trong năm 2021, nguồn cung chào bán mới dự kiến dao động trong khoảng 17.000 – 18.000 căn, tương đương với ngưỡng mở bán của năm 2020. Doanh số bán hàng dự kiến hồi phục trong quý IV khi các hoạt động bán hàng dần trở lại bình thường.

Hai kịch bản cho thị trường BĐS đến cuối năm

Tại buổi tọa đàm về chung cư mở bán thời dịch gần đây, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam đưa ra hai kịch bản đầy thận trọng cho thị trường căn hộ cuối năm 2021 sau 5 tháng trải qua đợt dịch kéo dài.

Kịch bản thứ nhất, dịch bệnh được kiểm soát trong tháng 10, nguồn cung căn hộ chào bán mới trong cả năm nay sẽ đạt khoảng 13.000 căn ở TP HCM và 17.000 căn ở Hà Nội, giảm lần lượt là 29% và 5% so với năm 2020. Giá chào bán bình quân toàn thị trường dự kiến tăng khoảng 5% so với cùng kỳ.

Kịch bản thứ hai, việc kiểm soát dịch bệnh phải kéo dài đến cuối năm nay, lượng căn hộ bán ra chỉ còn khoảng 8.400 căn tại TPHCM và 14.500 căn tại Hà Nội, giảm lần lượt là 54% và 19% so với năm trước. Giá nhà chung cư bình quân toàn thị trường bán dự kiến tăng khoảng 4%.

Giám đốc cấp cao CBRE đánh giá, nhiều khả năng nguồn cung căn hộ cuối năm chỉ bằng một phần tư đến một phần năm những giai đoạn hoàng kim của thị trường nhà ở. Tuy cung giảm, lực cầu của thị trường có thể bị ảnh hưởng khi người mua nhà để ở lẫn đầu tư đều sẽ cân nhắc thận trọng do gặp khó khăn tài chính trong đợt dịch lần thứ tư.

Số liệu thống kê từ Hội Môi giới BĐS Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy, tổng lượng cung mới sản phẩm BĐS cả nước đạt khoảng 129.900 sản phẩm. So với cùng kỳ năm 2020, lượng giao dịch chào bán trên toàn thị trường tăng 10,8%, giao dịch tăng 132,3%. Nhưng so với 6 tháng cuối năm 2020, lượng giao dịch trên toàn thị trường chỉ đạt 83,1%, giao dịch chỉ đạt 87,7%. Trong đó, dòng sản phẩm thấp tầng có tỷ lệ hấp thụ tốt nhất 47,3%, căn hộ cao cấp đạt tỷ lệ thấp nhất 10,9%.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam nhận định: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thu nhập người dân trên tổng thể bị suy giảm, dẫn tới nhu cầu sử dụng sản phẩm giảm đi, giá bán cũng bị áp lực giảm. Nhưng thực tế BĐS tương lai đang đối mặt với áp lực phải tăng giá do đất nền trải qua nhiều “cơn sốt” khiến mặt bằng giá tăng cao; vướng mắc về thủ tục phê duyệt dự án, giá các loại vật liệu xây dựng tăng dẫn đến tăng chi phí, kéo theo giá thành BĐS cũng sẽ tăng.

 

Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Việt Nam, chi nhánh Hà Nội cho rằng, sự kết hợp giữa chủ đầu tư trong nước và nước ngoài hoặc chủ đầu tư trong nước với các đơn vị quản lý nước ngoài đang giúp thị trường Hà Nội thêm nhiều lựa chọn sản phẩm mới, khác biệt và có tính cạnh tranh cao hơn. Xu hướng này dự kiến tiếp diễn trong thời gian tới, và là bằng chứng cho thấy thị trường ngày càng gia tăng sự cạnh tranh và các sản phẩm ngày càng đa dạng hơn.