Giá dầu thế giới bật tăng sau chuỗi giảm 4 tuần liên tiếp

Đông Bắc 11:07 | 03/10/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tính chung cả tuần, giá dầu Brent và WTI đều tăng giá khoảng 2%. Đây là tuần bật tăng đầu tiên của giá dầu sau 4 tuần giảm liên tiếp.

Giá dầu bắt đầu tuần ngày 26/9 (giờ Việt Nam) trong sắc đỏ với dầu Brent và WTI đều giảm hơn 2 USD - xuống mức thấp nhất trong vòng 9 tháng do áp lực của đồng USD mạnh lên.

Tuy nhiên, thị trường năng lượng đã phục hồi trong phiên giao dịch ngày 27/9 (giờ Việt Nam) do sự gián đoạn nguồn cung ở khu vực Vịnh Mexico trước cơn bão Ian và đồng USD giảm nhẹ từ mức đỉnh 20 năm.

Tại phiên giao dịch ngày 29/9 (giờ Việt Nam),  giá dầu tăng tới hơn 3 USD bởi tồn kho xăng của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến và nhu cầu tiêu dùng dần phục hồi.

Phiên giao dịch kế tiếp ngày 30/9 (giờ Việt Nam), giá dầu đã có lúc tăng lên hơn 90 USD/thùng và sau đó lao dốc khi các nhà giao dịch cân nhắc triển vọng kinh tế xấu đi trước khả năng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) có thể cắt giảm sản lượng trong cuộc họp vào tuần tới ngày 5/10.

 Giá dầu WTI tăng 0,95% lên 79,49 USD/thùng trong khi giá dầu Brent tăng 0,13% lên 85,14 USD/thùng trong tuần qua. Ảnh MXV.

Tiếp đà giảm, giá dầu Brent và WTI cùng lao dốc ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần ngày 1/10 (giờ Việt Nam). Tuy nhiên, tính chung cả tuần dầu Brent và WTI đều đã ghi nhận mức tăng tuần đầu tiên trong 5 tuần, nhờ sự hỗ trợ từ đồng USD yếu và khả năng OPEC+  đồng ý cắt giảm sản lượng.

Nhiều khả năng trong cuộc họp ngày 5/10 tới, OPEC+ sẽ xem xét cắt giảm hạn ngạch sản xuất cho tháng 11 từ 0,5 - 1 triệu thùng/ngày.

Các nhà phân tích cũng kỳ vọng hoạt động mua sẽ tăng lên khi Nga chuẩn bị sáp nhập 4 khu vực của Ukraine vào Nga trong một động thái có thể buộc các quốc gia phương Tây tăng cường các biện pháp trừng phạt chống lại Moscow.

Nỗi lo về suy thái kinh tế toàn cầu

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV),  tuy giá dầu đã tăng nhưng thị trường dầu vẫn ghi nhận mức giảm trong quý đầu tiên kể từ năm 2020. Rủi ro lớn nhất bao trùm lên tâm lý thị trường là lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu, khi các ngân hàng Trung ương như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hay Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cam kết sẽ tiếp tục tăng lãi suất để khống chế lạm phát.

Lãi suất cao làm gia tăng chi phí cho các nhà sản xuất và người tiêu dùng, trong khi vấn đề về nguồn cung chưa thực sự được giải quyết. Dollar Index duy trì quanh vùng đỉnh 20 năm cũng khiến cho giá dầu liên tục gặp sức ép lớn.

Hỗ trợ cho giá dầu tăng trở lại trong tuần vừa rồi là thông tin cho biết Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh OPEC+ đang có kế hoạch cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu. Tính từ vùng đỉnh tháng 6, giá dầu đã giảm hơn 30%, trong khi ngân sách của các thành viên phụ thuộc lớn vào nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ.

Thị trường hàng hoá bị ảnh hưởng

Theo MXV, đóng cửa tuần giao dịch vừa qua, mặc dù đã có sự phân hoá, tuy nhiên lực bán tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường. Năng lượng là nhóm duy nhất đóng cửa trong sắc xanh, nhưng mức tăng không quá lớn. Điều này khiến chỉ số MXV-Index kết thúc tuần giảm nhẹ 0,6% xuống 2.421 điểm, về mức đầu năm nay.

Mặc dù thị trường liên tục "rung lắc" và đảo chiều, dòng tiền đầu tư trong nước vẫn cho thấy sự ổn định, duy trì quanh mức trung bình 4.300 tỷ đồng mỗi phiên. Trong đó, các mặt hàng nông sản và năng lượng vẫn là tâm điểm thu hút dòng tiền, khi chiếm hơn 70% tổng giá trị giao dịch kể trên.