Nguồn cung dầu của Nga sang EU giảm 90%

Hải Bân (Dịch từ RT) 09:07 | 29/12/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Phó Thủ tướng Novak cho biết xuất khẩu sang khối đã giảm mạnh sau lệnh trừng phạt của phương Tây.

 

 

Ảnh: Getty Images/Chun han

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak tuyên bố hôm thứ Tư rằng doanh số bán dầu của Nga sang EU đã giảm xuống còn 1/10 so với mức trước đây do các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Quan chức này cho biết trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Rossiya24, tính đến cuối năm 2023, tỷ trọng dầu thô giao cho khối trong tổng xuất khẩu của Moscow đã giảm từ 40-45% trước xung đột Ukraine xuống còn 4-5% hiện nay.

Tháng 12 năm ngoái, EU, G7 và các đồng minh đã áp đặt lệnh cấm vận đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga cùng với mức trần giá 60 USD/thùng đối với các loại dầu thô khác, trong nỗ lực hạn chế nguồn thu từ năng lượng của Moscow. Những hạn chế tương tự đã được đưa ra vào tháng 2 đối với việc xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ. Mức trần được thỏa thuận cho dầu diesel là 100 USD/thùng và 45 USD cho các sản phẩm giảm giá như dầu nhiên liệu.

Để đáp lại, Nga - từng là nhà cung cấp lớn nhất của châu Âu - đã đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng và chuyển khoảng 60% lượng xuất khẩu dầu khí từ EU sang các nước châu Á, dữ liệu của Bộ Tài chính cho thấy.

Trong khi đó, một số quan chức phương Tây nhiều lần chỉ ra rằng dầu từ Nga vẫn vào thị trường EU bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây, chảy qua trung gian với giá cao hơn nhiều.

 

Theo Novak, Trung Quốc chiếm khoảng một nửa lượng xuất khẩu năng lượng của Nga trong năm nay, với lượng giao hàng dao động từ 45% đến 50%. Phó Thủ tướng lưu ý, trong 10 tháng đầu năm nay, Nga đã cung cấp nhiều dầu và sản phẩm dầu mỏ cho Trung Quốc hơn cả năm 2022.

Ấn Độ đã trở thành nước nhập khẩu năng lượng lớn thứ hai của Nga sau Trung Quốc, quan chức này tiếp tục. Thị phần hydrocarbon Nga của New Delhi đã tăng từ 2% lên khoảng 40% trong hai năm qua. Trước năm ngoái, nhập khẩu dầu thô từ Nga của Ấn Độ không đáng kể do chi phí vận chuyển cao.

Đầu tháng 4, Novak cho biết Nga đã chuyển 40 triệu tấn dầu thô trong tổng số 220 triệu tấn từ EU sang châu Á vào năm 2022. Theo ước tính của ông, năm nay xuất khẩu dầu của Nga sang khối này sẽ giảm 140 triệu tấn.

Không chỉ dầu, đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc cũng thắt hạn chế xuất khẩu đối với Nga. Mới đây nhất, quốc gia này  bổ sung gần 700 mặt hàng vào danh sách sản phẩm bị cấm vì khủng hoảng Ukraine.
 

Cụ thể, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE) công bố hôm thứ Ba rằng gần 700 mặt hàng đã được thêm vào danh sách các sản phẩm bị cấm xuất khẩu sang Nga hoặc Belarus. Động thái này đã mở rộng danh sách các mặt hàng bị hạn chế của Seoul lên 1.159, có hiệu lực vào đầu năm 2024, mặc dù chính phủ có thể xem xét miễn trừ trong các trường hợp “đặc biệt”.

Các mặt hàng xuất khẩu mới bị cấm sẽ bao gồm máy xúc, pin sạc, linh kiện máy bay, một số máy công cụ và ô tô chở khách có dung tích động cơ vượt quá 2.000 phân khối. Những sản phẩm như vậy không được phân loại là “chiến lược” theo quy định thương mại của Hàn Quốc, nhưng đang được bổ sung vào các hạn chế đối với Nga và Belarus vì chúng có khả năng sử dụng cho mục đích quân sự.