Giá đường hồi phục nhanh, ngành mía đường Việt kỳ vọng
Giá đường tăng liên tục và đang ở vùng cao nhất 4 năm qua do nguồn cung hạn chế và nhu cầu tăng. Dự báo giá đường sẽ hồi phục nhanh tạo kỳ vọng cho ngành mía đường Việt.
Thị trường thế giới tăng liên tục
Theo cafef.vn, giá đường trên thị trường thế giới tăng liên tục trong thời gian gần đây do nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu dự báo sẽ hồi phục nhanh.Trong tuần vừa qua (tuần đến hết ngày 19/2), giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 đã tăng tổng cộng 7,5%, lên 17,79 US cent/lb - cao nhất kể từ tháng 3/2017. Sang phiên giao dịch đầu tuần này ngày 22/2, dù mới mở cửa phiên, giá đường đã tăng tiếp lên mức 18 cent/lb.
Giá đường trắng kỳ hạn tháng 5/2021 cũng tăng mạnh lên mức cao nhiều năm, đạt trên 480 USD/tấn vào cuối tuần vừa qua - mức cao nhất trong 4 năm. Từ đầu năm tới nay, giá đường trắng đã tăng hơn 12%.
Xu hướng tăng giá đường vẫn chưa dừng lại
Đáng chú ý, vùng giá cao nhất 4 năm trên thị trường đường đã được duy trì vững chắc kể từ đầu tháng 2 tới nay.
Các nhà kinh doanh đường cho biết, giá đường tăng được thúc đẩy bởi nguồn cung hạn chế, với sản lượng đường Ấn Độ dự báo sẽ giảm nhẹ, sản lượng vụ thu hoạch Thái Lan giảm và sự không chắc chắn về vụ thu hoạch sắp tới tại Brazil.
Trong khi đó nhu cầu lại được dự báo hồi phục nhanh. Theo Tập đoàn hàng hóa Czarnikow, tiêu thụ đường toàn cầu trong năm nay sẽ trở lại mức như năm 2019 nhờ nền kinh tế toàn cầu hồi phục từ đại dịch COVID-19. Còn Bộ Nông nghiệp Mỹ thì dự báo tiêu thụ đường toàn cầu niên vụ 2020/21 sẽ cao kỷ lục do tăng mạnh ở Ấn Độ, Iran, Indonesia, Trung Quốc và nhiều thị trường khác
Trước đó, cafef.vn đưa ra nhận định sang năm 2021, xu hướng tăng giá đường vẫn chưa dừng lại bởi giá dầu thô tiếp tục tăng (nguyên liệu sản xuất đường cũng là một trong những nguyên liệu chính sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol) và tình trạng thiếu container gây khó khăn cho việc vận chuyển mặt hàng đường.
Ngành mía đường Việt kỳ vọng
Ngày 10/2 vừa qua, Bộ Công Thương đã ra quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời đối sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
Quyết định được ban hành dựa trên kết quả điều tra các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan, bao gồm đường tinh luyện và đường thô, đã được trợ cấp, bán phá giá ở mức 48,88%.
Thời gian tới, để đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với các bên liên quan, thẩm tra xác minh số liệu và tổ chức phiên tham vấn công khai để tất cả các bên có cơ hội bày tỏ ý kiến của mình, đồng thời đánh giá tác động toàn diện của vụ việc đến các bên liên quan. Dự kiến vụ việc sẽ kết thúc điều tra vào quý II/2021.
Tờ Nhân dân trích dẫn đánh giá của ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA): Quyết định trên của Bộ Công Thương đã minh oan cho ngành mía đường khi lâu nay, nhiều ý kiến cho rằng năng lực cạnh tranh của ngành rất kém.
Ông Nguyễn Văn Lộc cho biết, các doanh nghiệp trực thuộc hiệp hội rất phấn khởi với quyết định này, bởi quyết định này là minh chứng rõ ràng cho thấy những ý kiến cho rằng năng lực cạnh tranh của ngành mía đường rất kém, không chịu đầu tư mà chỉ đi xin cơ chế lâu nay vẫn áp vào ngành mía đường là không đúng.
“Thực tế, không ít nhà máy đường trong nước đã chủ động đầu tư công nghệ, xây dựng chuỗi liên kết với nông dân để sản xuất ra sản phẩm có tính cạnh tranh. Song, những gian lận về trợ cấp, bán phá giá đã được kết luận sau quá trình điều tra nghiêm túc mới chính là nguyên nhân khiến doanh nghiệp ngành mía đường “lao đao”, ông Nguyễn Văn Lộc cho hay.
Theo VSSA, cây mía có thể giúp người nông dân ở nhiều địa phương ổn định thu nhập
Quyết định tạm thời áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường mía Thái Lan được kỳ vọng sẽ chặn đứng đà lao dốc của ngành mía đường, đồng thời mang lại hiệu quả cho cả doanh nghiệp và người nông dân. Bởi khác với nhiều ngành sản xuất khác, sự liên kết trong ngành mía đường rất chặt bởi nhà máy sẽ không thể hoạt động nếu thiếu nguyên liệu, còn người nông dân nếu không bán mía cho nhà máy thì cũng khó có thể tiêu thụ được hết mía nguyên liệu.
“Trong bối cảnh này, doanh nghiệp mía đường cần tận dụng cơ hội để xây dựng lại các chuỗi liên kết với người nông dân, hình thành lại vùng nguyên liệu chất lượng sau thời gian dài bị gián đoạn vì phải giảm công suất. Tuy vậy, việc khôi phục lại vùng nguyên liệu không thể ngày một ngày hai, mà phải cần đến ít nhất ba năm, nên trong ba năm này, doanh nghiệp cần hỗ trợ thêm cho người nông dân nâng cao đời sống để gắn bó hơn với cây mía. Từ đó đôi bên cùng có lợi”, ông Nguyễn Văn Lộc kiến nghị.
Nhờ tác động của việc đánh thuế đường nhập khẩu bán phá giá, vừa qua một số nhà máy đã tăng giá mía từ 200 nghìn đồng/tấn lên khoảng 1 triệu đồng/tấn. Đây được đánh giá là động thái kịp thời để hỗ trợ người nông dân yên tâm mở rộng diện tích mía. Theo VSSA, với đà này, cây mía có thể giúp người nông dân ở nhiều địa phương ổn định thu nhập cho gia đình và sẽ tránh được tình trạng phải giải cứu như nhiều loại nông sản khác.
Về phía người tiêu dùng, đây là cơ hội để các sản phẩm mía đường Việt Nam lấy lại thị phần. Do đó, doanh nghiệp được khuyến cáo cần tiếp tục đưa ra thị trường các sản phẩm chất lượng, giá cạnh tranh, hài hòa lợi ích của người tiêu dùng và doanh nghiệp để có thể chắc chân trên thị trường.
Minh Hoa