Mía Đường Sơn La (SLS) chi 98 tỷ đồng trả cổ tức 2021
Cụ thể, ngày ngày tiến hành giao dịch không hưởng quyền là 7/10, tương ứng ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức năm 2022 là 10/10. Ngày thanh toán dự kiến là 25/10. Cổ tức sẽ được trả bằng tiền mặt với tỷ lệ 100% (1 cổ phiếu được nhận 10.000 đồng/cp). Như vậy, với gần 10 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính SLS cần chi gần 98 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức này.
Từ 2018 đến nay, ngành mía đường trong nước liên tục lao đao khi phải chịu liên tiếp sức ép từ đường Thái Lan phá giá, hàng nhập lậu và gian lận thương mại. Dù đã áp thuế 47,64%, thời hạn áp dụng 5 năm từ tháng 2/2021 với đường Thái Lan, thế nhưng đường lậu vẫn lẩn tránh thuế bằng cách chuyển đường có nguồn gốc từ Thái Lan sang 5 nước ASEAN là Lào, Campuchia, Indonesia và Myanmar vào Việt Nam.
Vì vậy, đầu tháng 8/2022 Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 1514/QĐ- BCT áp dụng mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp là 47,64% đối với đường nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar có nguồn gốc nguyên liệu của Thái Lan. Chính sách này được áp dụng từ ngày 9/8/2022 đến 15/6/2026. Ngoài ra, lực lượng quản lý thị trường cũng tăng cường kiểm tra, truy quét đường nhập lậu tại các “điểm nóng”.
Hàng loạt các biện pháp được tiến hành cùng lúc đã gieo lại kỳ vọng cho ngành mía đường Việt Nam. Các công ty cũng dần trên đà hồi phục sau thời gian dài chịu sức ép và thiệt hại lớn.
Về kết quả kinh doanh, báo cáo tài chính cho thấy tình hình kinh doanh của SLS bán niên 2022 đã có nhiều khởi sắc. Cụ thể, Công ty có doanh thu thuần 869 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Sau thuế, công ty thu lãi 187,6 tỷ đồng, tăng 14,5%.
Tổng nợ của SLS tính đến hết quý II/2022 là 619,5 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ. Vay và nợ thuê tài chính cả ngắn hạn và dài hạn là 562,3 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tính đến 30/6/2022 là 760 tỷ đồng. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu là 0,82.
Tổng tài sản của SLS tính đến hết quý II là 1.379,6 tỷ đồng, tăng 15,6% so với đầu năm.
Tính đến 26/9, giá cổ phiếu SLS giao dịch ở mức 148.500 đồng/cp, giảm 2,69%.
Niên độ 2022-2023, Công ty dự báo ngành mía đường tiếp tục gặp khó khăn do nạn buôn lậu, gian lận thương mại vẫn chưa được kiểm soát triệt để, giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao làm giảm thu nhập của người trồng mía, vùng nguyên liệu của Công ty ngày càng bị cạnh tranh khốc liệt với các loại cây trồng khác…
Trong bối cảnh đó, SLS đặt kế hoạch doanh thu niên độ 2022-2023 tăng hơn 25% so với niên độ 2021-2022, tương đương hơn 1.110 tỷ đồng. Ngược lại, Công ty đặt mục tiêu lợi nhuận chỉ hơn 75 tỷ đồng, giảm 60%.
Tuy các doanh nghiệp đang trên đà phục hồi, tuy nhiên để tăng trưởng bền vững, các chuyên gia cho rằng, ngành mía đường trong nước cần đẩy mạnh cơ giới hóa để giảm giá thành nguyên liệu. Và các doanh nghiệp cần năng động hơn trong việc phát triển đa dạng sản phẩm, bên cạnh sản phẩm chính là đường để tăng doanh thu như: Sản xuất ethanol, ván ép, phân bón… từ bã mía; cần ứng dụng kinh tế tuần hoàn để gia tăng giá trị.