Giá giao dịch mùa Covid vẫn tăng trưởng, đừng mơ bắt đáy?
Theo báo cáo mới đây của Savills về tốc độ hồi phục của thị trường nhà ở tại 30 thành phố trên toàn cầu. Trong khoảng thời gian từ giữa năm 2018 đến cuối năm 2020, thị trường nhà ở tại những thành phố này chỉ ghi nhận mức tăng trưởng giá khoảng 0,7%, phần lớn là bởi các lý do về bất ổn xã hội, những thay đổi về chính sách và thuế quan tại nhiều quốc gia và sau đó là đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2021, thị trường bất động sản cao cấp tại nhiều nước đã cho thấy sự phục hồi, bằng chứng là tăng trưởng giá trung bình đạt mức 3,9%, mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ tháng 12/2016.
Những yếu tố tác động tích cực đối với thị trường có thể kể đến: lãi suất thấp, sự cải thiện trong niềm tin của người mua, sự gia tăng số lượng giao dịch có giá trị cao cũng như các biện pháp kích cầu kinh tế.
Với việc nhiều nước hiện nay đang dần mở cửa biên giới, thị trường có thể kỳ vọng vào nhu cầu lớn hơn.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, hơn 70% các thành phố trong khảo sát ghi nhận tăng trưởng trong giá trị bất động sản nhà ở. Những thành phố ghi nhận tăng trưởng âm là những thị trường trước đó chủ yếu phụ thuộc vào nhu cầu từ khách hàng quốc tế, một phân khúc gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận khi bị hạn chế đi lại và du lịch.
Tại Mỹ, Los Angeles và Miami dẫn đầu với mức tăng trưởng trên 9% trong nửa đầu năm 2021, nhờ lợi thế về diện tích lớn cũng như thời tiết thuận lợi. Thị trường Miami đã ghi nhận mức tăng khá lớn trong nhu cầu, khi hầu hết mọi người phải làm việc tại nhà. Thêm vào đó, thị trường này cũng sở hữu chính sách thuế quan ưu đãi, sự gia tăng trong số lượng các công ty công nghệ và tài chính và lãi suất cho vay thấp, khiến lực mua gia tăng. New York cũng ghi nhận số lượng giao dịch tăng, dù giá bất động sản giảm liên tục trong vòng 4 năm trước.
Đối với thị trường châu Á, Trung Quốc là quốc gia ghi nhận sự tăng trưởng rõ rệt về giá bất động sản nhà ở trong năm 2021, mặc dù đã có những quy định tài chính được thắt chặt và nhiều thay đổi trong chính sách của địa phương để hạ nhiệt thị trường.
Trong đó, mức tăng tại Quảng Châu được ghi nhận là 7,9%, trong khi tại Thượng Hải lên tới 13,7%. Những giao dịch mua với mục đích cho thuê đã dẫn dắt mức tăng giá của thị trường trong năm qua. Hầu hết nhà đầu tư vẫn giữ niềm tin rằng bất động sản tại đây là kênh trú ẩn an toàn của dòng tiền.
Một vài thành phố như Singapore, Bangkok và Kuala Lumpur cũng ghi nhận tăng trưởng giá trong thời gian vừa qua, phần lớn là bởi nhu cầu gia tăng nhưng nguồn cung lại hạn chế.
Tại Hồng Kông, giá bất động sản nhà ở đã ghi nhận mức giảm từ năm 2019 đến nửa đầu năm 2020 bởi những bất ổn trong tình hình xã hội. Tuy nhiên, thị trường này bắt đầu có dấu hiệu hồi phục với mức tăng 1,9% trong 6 tháng đầu năm nay, nhờ lãi suất thấp và các hoạt động du lịch được cho phép hoạt động trở lại.
Còn tại châu Âu, giá trị bất động sản tại London ổn định trong năm 2020 và tăng 1,1% trong 6 tháng đầu năm nay.
Trong khi đó, thị trường nhà ở tại Paris ghi nhận mức giá giảm và số lượng giao dịch giảm khá lớn so với năm trước. Nguyên nhân chính nằm ở lệnh giãn cách xã hội kéo dài, từ đó tác động tiêu cực tới niềm tin của người mua tại thị trường này.
Không chỉ ghi nhận mức tăng trưởng về giá, số lượng giao dịch tại nhiều thành phố cũng ghi nhận mức tăng đáng kể, đặc biệt khi so sánh với cùng kỳ năm 2020, thời điểm lệnh giãn cách xã hội được áp dụng tại nhiều nơi.
Nội địa chỉ “trầm” không “sụt”
Tại thị trường trong nước, bất chấp dịch Covid – 19 đang vô cùng phức tạp nhưng nhiều địa phương giá giao dịch vẫn không hề suy giảm. Bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc cấp cao, Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills Hà Nội cho biết: “Đối phân khúc căn hộ, đất nền, do dịch bệnh còn đang diễn biễn phức tạp nên tình hình thị trường bất động sản các tháng cuối năm sẽ chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên do là các chủ đầu tư, các nhà đầu tư đều giữ tâm lý thận trọng trong việc tung bán cũng như các quyết định đầu tư. Giá được dự báo sẽ không giảm mặc dù đang có áp lực gia tăng về dòng tiền và việc chi trả của các nhà đầu tư".
“Nhìn chung, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động thị trường được dự báo sẽ sôi động hơn. Hiện nay, trên thị trường Hà Nội, các sản phẩm nhà ở với khoảng giá từ 35 - trên 40 triệu đồng/m2 đang nhiều hàng và cũng đang bán được với số lượng nhiều nhất, với lượng tiêu thụ dẫn đầu tính đến thời điểm nửa đầu năm 2021. Nguồn cung căn hộ dưới mức giá này hiện đang chiếm tỷ trọng ít hơn, ảnh hưởng đến sự lựa chọn của khách hàng. Trong khi đó, căn hộ cao cấp với mức giá trung bình từ 75 - 80 triệu đồng trở lên không nhiều, tốc độ bán cũng chậm hơn các khoảng giá khác”., bà Hằng nhận định.
Theo báo cáo của DKRA Vietnam cho thấy trong tháng 8 vừa qua, phân khúc căn hộ tại TP HCM và 4 tỉnh giáp ranh ghi nhận 4 dự án mở bán, bao gồm một dự án mới và ba giai đoạn tiếp theo của những dự án đã mở bán từ trước.
Trong đó, tổng số căn hộ cung cấp ra thị trường là 1.928 căn, gấp hai lần so với tháng trước (1.001 căn), bằng 56% so với cùng kỳ năm ngoái (3.450 căn).
Việc mở bán trực tuyến được thực hiện cùng loạt chính sách bán hàng và mức chiết khấu thanh toán nhanh "khủng" cũng đã được áp dụng nhằm kích cầu người mua, đồng thời bù đắp dòng tiền hoạt động cho nhà phát triển/chủ đầu tư dự án.
Cụ thể, tỷ lệ tiêu thụ chung toàn thị trường đạt xấp xỉ 80% (khoảng 1.548 căn), gấp 2,4 lần lượng tiêu thụ tháng 7 (634 căn), bằng 55% lượng tiêu thụ cùng kỳ năm trước (2.827 căn). Trong đó, TP HCM dẫn đầu toàn thị trường, chiếm 75% nguồn cung và 83% lượng tiêu thụ mới trong tháng.
The DKRA, tính riêng tại TP HCM, tháng 8 vừa qua, thị trường bất động sản căn hộ ghi nhận hai dự án mở bán, gồm một dự án mới và một giai đoạn tiếp theo. Thị trường có thêm 1.452 căn hộ, gấp 3,4 lần so với tháng trước (430 căn), bằng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đại diện DKRA Vietnam cho biết, nguồn cung mới tăng mạnh so với tháng trước nhưng vẫn ở mức tương đối thấp so với cùng kỳ năm 2020. Phân bổ nguồn cung cũng chưa thật sự đồng đều ở các phân khúc và khu vực. Căn hộ hạng C, nhà ở vừa túi tiền tiếp tục vắng bóng trong khi phân khúc căn hộ hạng A tiếp tục chiếm ưu thế.
Dù vậy, tháng vừa qua đã có 1.282 căn hộ mở bán mới giao dịch thành công, đạt tỷ lệ hấp thụ 88%. Lượng tiêu thụ gấp 4,9 lần so với tháng trước (261 căn), bằng 88% so với cùng kỳ năm trước (1.465 căn). Hình thức bán hàng, ráp căn online được áp dụng mạnh mẽ với tỷ lệ hấp thụ dự án đạt từ 79 - 100%.
Trong khi đó, thống kê của DKRA ghi nhận giá bán sơ cấp không ghi nhận giá giảm hơn giai đoạn/đợt mở bán trước đó.
Trên thực tế TP HCM bắt đầu giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch bệnh từ đầu tháng 6/2021. Giãn cách xã hội kéo dài gần 3 tháng, tuy nhiên, ghi nhận của các đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy căn hộ tại TP HCM vẫn được hấp thụ tốt do nhu cầu nhà ở thực vẫn cao và nguồn cung bị tắc nghẽn những năm vừa qua khiến giá nhà tăng cao.