Kinh doanh dưới giá vốn, Dabaco lỗ kỷ lục 321 tỷ đồng

Trang Mai 13:55 | 29/04/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
CTCP Tập đoàn Dabaco (mã: DBC) vừa công bố BCTC quý I/2023 với doanh thu thuần đạt 2.314 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ 2022. Đáng chú ý, việc kinh doanh dưới giá vốn cùng chi phí lãi vay tăng cao đã khiến doanh nghiệp lỗ hơn 320 tỷ đồng.

 

Quý lỗ đậm nhất trong lịch sử hoạt động

Theo báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố, Dabaco ghi nhận doanh thu đạt 2.314 tỷ đồng, giảm 17,5% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, giá vốn lại cao hơn doanh thu đã khiến doanh nghiệp lỗ gộp hơn 70 tỷ đồng, sụt giảm mạnh so với cùng kỳ lãi hơn 254 tỷ đồng.

Trong cơ cấu doanh thu, bán thành phẩm sản xuất vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 94% tổng doanh thu với 2.248 tỷ đồng, theo sau là doanh thu thương mại, siêu thị, khách sạn, nhà hàng. Tuy nhiên, Dabaco không còn ghi nhận nguồn thu từ kinh doanh bất động sản, hoạt động xây dựng trong khi cùng kỳ năm trước vẫn đạt gần 19 tỷ đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính gia tăng nhẹ lên mức 8 tỷ đồng, đến từ lãi tiền gửi, cho vay và một vài khoản khác, song chi phí tài chính lại bật tăng tới 70 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay với gần 69 tỷ.

Khấu trừ các chi phí khác, Dabaco báo lỗ sau thuế 321 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 9 tỷ đồng. Đây là quý thứ 2 liên tiếp doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế là số âm, đồng thời kết quả này cũng trở thành mức lỗ lớn nhất của doanh nghiệp từ khi đi vào hoạt động. 

Theo giải trình, Dabaco cho biết kinh tế quý I/2023 bị ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực của giai đoạn hậu Covid 19 và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Ngành nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh trên đàn gia súc, đặc biệt dịch tả lợn Châu Phi vẫn liên tục tái phát.

Ngoài ra, chi phí chăn nuôi tăng cao trong khi sức mua giảm, giá bán các sản phẩm trên thị trường ở mức thấp trong thời gian dài, dẫn đến kết quả chăn nuôi của các công ty con giảm mạnh so với cùng kỳ.

Với việc ghi nhận số lỗ gần 321 tỷ đồng trong quý I/2023, Công ty đã xoá bỏ toàn bộ lợi nhuận kiếm được trong các năm trước, kéo số lỗ luỹ kế lên 312,6 tỷ đồng và gần bằng 13% vốn điều lệ.

Năm 2023, Dabaco công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh với mục tiêu doanh số lên đến 24.562 tỷ đồng doanh thu, tương đương hơn 1 tỷ USD và 569 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Sau quý đầu năm, doanh nghiệp hoàn thành chưa đầy 10% mục tiêu doanh thu và còn cách rất xa kế hoạch lợi nhuận.

 

Kết quả kinh doanh kém sắc trong quý I/2023 của Dabaco cũng được thể hiện trong bảng lưu chuyển tiền tệ. Theo đó, dòng tiền kinh doanh chính ghi nhận âm 872 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 113 tỷ đồng. Nguyên nhân đến từ việc suy giảm lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh và tăng hơn 7 lần các khoản phải trả (từ âm 140 tỷ lên âm 1.018 tỷ). 

Ngoài ra, dòng tiền đầu tư ghi nhận âm 215 tỷ đồng, giảm 108 tỷ so với cùng kỳ năm ngoái nhờ cắt khoản khoản chi, mua lại công cụ nợ của đơn vị khác và tiền thu hồi cho vay tăng gấp đôi. Dòng tiền tài chính ghi nhận dương 610 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.

85% tổng nợ là nợ ngắn hạn

Tính tới 31/3/2023, tổng tài sản của Dabaco giảm 6,5% so với đầu năm, về 12.137 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho giảm 9%, xuống còn 4.739,4 tỷ đồng, chiếm 39% tổng tài sản. Trong quý, doanh nghiệp không ghi nhận hàng đang đi đường, trong khi cùng kỳ gần 291 tỷ đồng. 

Đáng nói, tiền mặt của Dabaco đã giảm hơn 4 lần, từ 622 tỷ xuống 150 tỷ. Bù lại, khoản tiền gửi có kỳ hạn tăng 11% lên 564 tỷ đồng. Trong quý I, khoản tiền gửi này đem về hơn 6 tỷ tiền lãi cho doanh nghiệp. 

Bên kia bảng cân đối, tính tới cuối quý I/2023, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Dabaco tăng 13,3% so với đầu năm, tương ứng tăng 610 tỷ đồng lên 5.201 tỷ đồng, chiếm 43% tổng nguồn vốn. Chủ nợ của doanh nghiệp chủ yếu là các ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam. Vốn chủ sở hữu giảm 7%, xuống còn 4.321 tỷ đồng. 

Trước đó, Dabaco là một trong những doanh nghiệp ghi nhận lãi ròng năm 2022 "bốc hơi" nhiều nhất sau kiểm toán. Cụ thể, sau kiểm toán, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp giảm tới 97%, về còn hơn 5 tỷ đồng. Với kết quả này, Dabaco thực hiện chưa đến 1% kế hoạch lợi nhuận năm.

Nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận chênh lệch sau kiểm toán là do có sự thay đổi về các quy định của pháp luật liên quan đến thủ tục nghiệm thu công trình xây dựng đưa vào sử dụng.Dabaco đã điều chỉnh giảm doanh thu và lợi nhuận của hoạt động kinh doanh Bất động sản trên BCTC của Công ty mẹ.

Theo báo cáo tự lập, năm 2022,Dabaco mang về 12.269 tỷ đồng doanh thu, tăng 13,5% so với cùng kỳ và 150 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 82% so với năm 2021. 

Tại buổi gặp mặt đầu xuân 2023, ông Nguyễn Như So - Chủ tịch HĐQTDabaco cho biết, hai yếu tố tác động đến công ty là dịch bệnh và sự bấp bênh của thị trường. “Có thể nói năm 2022 là năm khó khăn chưa từng có tiền lệ trong suốt 26 năm xây dựng và phát triển Tập đoàn. Với một doanh nghiệp hoạt động trong toàn bộ chuỗi giá trị khép kín của ngành thì việc chịu tác động từ dịch bệnh và sự bấp bênh của thị trường là điều không thể tránh khỏi” - vị Chủ tịch nói.