Giá vàng có thể biến động trong tuần tới
Tuần qua, giá vàng trong nước ghi nhận bước giảm duy nhất vào sáng đầu tuần 27/2, sau đó liên tục tăng từ 28/2 đến cuối tuần.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần 4/3, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,2 - 66,9 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 100 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 80 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 66,15 - 66,85 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên ở chiều mua vào và tăng 50 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn thế giới chốt phiên cuối tuần tăng mạnh, khép lại tuần qua tăng tuần đầu tiên trong năm tuần, với mức tăng mạnh nhất kể từ giữa tháng 1/2023, khi đồng USD xuống giá.
Cụ thể, chốt phiên 3/3, giá vàng giao tháng 4/2023 tăng 14,1 USD, hay 0,77%, lên 1.854,6 USD/ounce.
Giới phân tích nhận định, đồng USD mạnh có thể gây sức ép lên các hàng hóa được định giá theo đồng tiền này, khi khiến hàng hóa trở nên đắt hơn với những người mua bằng các đồng tiền khác.
Nhà phân tích Gary Wagner tại Chuyên trang về Thị trường vàng Kitco Metals (Canada) cho rằng, đồng USD là yếu tố chính tác động đến giá vàng khi các nhà đầu tư đánh giá về lộ trình lãi suất của Fed.
Nhà phân tích Christopher Louney tại Ngân hàng Đầu tư RBC Capital Markets cho rằng, giá vàng cũng được đẩy lên khi có lo ngại việc Fed tăng mạnh lãi suất có thể khiến kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, trong khi việc lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng cùng với đồng USD vẫn tương đối cao khiến đà tăng bị hạn chế.
Lợi suất trái phiếu tăng làm tăng chi phí cơ hội cho việc nắm giữ các tài sản không sinh lời như hàng hóa.
Tuy nhiên, giá vàng có thể điều chỉnh trong tuần tới, khi Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ điều trần về báo cáo chính sách tiền tệ hai lần một năm trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện.