Giá vàng trong và ngoài nước chênh hàng chục triệu, Chính phủ yêu cầu NHNN xử lý
Giá vàng liên tục tăng cao và cách xa giá vàng thế giới
Ngày 9/4, giá vàng các thương hiệu trong nước được điều chỉnh tăng mạnh với mức tăng cao nhất lên tới hơn 1 triệu đồng/lượng so với ngày đầu tháng 4.
Theo đó, giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng niêm yết ở mức 80,4 triệu đồng/lượng mua vào và 82,42 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng. Như vậy, so với rạng sáng qua, giá vàng SJC đã được điều chỉnh tăng 900.000 đồng giá mua và 500.000 đồng giá bán.
Trong khi đó, DOJI tại khu vực Hà Nội đã điều chỉnh tăng giá vàng miếng thêm 500.000 đồng chiều mua và 100.000 đồng chiều bán lên lần lượt 79,5 triệu đồng/lượng và bán ra mức 82,1 triệu đồng/lượng. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng thương hiệu này đang mua vào và bán ra cao hơn 100.000 đồng so với khu vực Hà Nội, tăng 600.000 đồng chiều mua và 200.000 đồng chiều bán.
Giá mua và giá bán vàng thương hiệu Bảo Tín Minh Châu đang lần lượt là 80,1 triệu đồng/lượng và 82,15 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng ở cả 2 chiều.
Giá vàng thế giới tăng nhẹ với vàng giao ngay tăng 5,7 USD lên 2.337,4 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.358,4 USD/ounce, tăng 13 USD so với rạng sáng hôm qua (8/4).
Tính trung bình, giá vàng trong và ngoài nước đang chênh lệch tới hơn 11 triệu đồng/lượng. Đây là mức giá cao và duy trì trong suốt thời gian dài.
Chính phủ yêu cầu NHNN xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước
Tại Nghị quyết 44 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp bình ổn thị trường vàng, xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
NHNN khẩn trương rà soát, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động thị trường vàng để phát triển thị trường vàng ổn định, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, bền vững, không để tình trạng vàng hóa nền kinh tế.
Cùng đó, Chính phủ yêu cầu NHNN bám sát diễn biến kinh tế thế giới, trong nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; kiên định, nhất quán định hướng ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng. Điều hành hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Đồng thời, NHNN theo dõi chặt chẽ tình hình, kết quả cấp tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế, kết quả cấp tín dụng của từng tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại để chủ động có biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng hiệu quả, khả thi, kịp thời theo thẩm quyền và đúng quy định, bảo đảm thực hiện được các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã đề ra trong năm 2024, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế.
Ngoài ra, NHNN tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng; hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng... kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.