Chuyên gia: Độc quyền đẩy giá vàng quá cao, nên chuyển sang quản lý bằng thuế

Hạ An 07:59 | 03/04/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia đề xuất cần sớm bỏ độc quyền vàng miếng để giá vàng giảm xuống, sát với thế giới, đồng thời chuyển qua quản lý bằng thuế nhập khẩu.

Nêu kiến nghị tại cuộc họp của Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia hôm 28/3, các thành viên hội đồng đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC do mục tiêu "chống vàng hóa" đã thành công và nếu giữ lại quy định này sẽ gây hệ luỵ lớn đến thị trường vàng và nền kinh tế.

Chênh lệch giá cao dẫn tới nhập lậu vàng

Trao đổi với chúng tôi, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng Nghị định 24 với mục tiêu chống hiện tượng "vàng hoá" nền kinh tế đến nay đã cơ bản hoàn thành sứ mệnh của mình.

Ở bối cảnh hiện tại, chuyên gia cho rằng các quy định này không cần thiết mà ngược lại còn gây ảnh hưởng đến các yếu tố vĩ mô khác. Theo đó, giá vàng tăng cao và chênh lệch lớn với thế giới có thể phát sinh hoạt động nhập khẩu vàng nhẫn qua kênh không chính thống còn khiến tỷ giá căng thẳng cục bộ.

"Vàng miếng SJC thực chất không khác gì với các thương hiệu vàng khác nhưng chênh lệch giá lại rất lớn, lên đến 10 - 12 triệu đồng/lượng trong thời gian vừa qua. Điều này tạo ra giá trị ảo cho doanh nghiệp và nền kinh tế, dẫn đến hiện tượng buôn lậu do chênh lệch giá vàng", chuyên gia nói.

Vì vậy, TS. Cấn Văn Lực cho rằng bỏ độc quyền vàng là bước đi cần thiết để giảm giá vàng trong nước qua đó làm giảm thiểu hiện lượng nhập lậu vàng, tăng lượng ngoại tệ trong nền kinh tế, thậm chí có thể tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá.

Diễn biến giá vàng từ tháng 1/2022 đến nay. (Nguồn: Wichart).

Đồng quan điểm, Chuyên gia kinh tế - tài chính Lê Xuân Nghĩa cho biết khi giá vàng chênh cao hơn vàng thế giới sẽ dẫn tới hiện tượng nhập lậu vàng về bán để lấy chênh lệch, khi nào chênh lệch giá vàng ở mức thấp, nhập lậu vàng sẽ không còn nữa.

 

"Theo số liệu của Hội đồng vàng thế giới (WGC), mỗi năm chúng ta nhập lậu vàng khoảng 50 tấn, tương đương 3 tỷ USD. Đây là điều không thể chấp nhận được.", ông Nghĩa nói.

Trong khi đó, ông cho rằng nếu cho phép doanh nghiệp chủ động nhập khẩu vàng thì họ sẽ phải mua USD ở hệ thống ngân hàng, mở thư tín dụng (LC) để nhập khẩu vàng chính ngạch. Sẽ không còn tình trạng mua USD ở thị trường tự do để buôn lậu, tạo áp lực lên tỷ giá.

Doanh nghiệp còn có thể tạo giá trị gia tăng từ xuất khẩu vàng trang sức, từ đó tăng ngoại tệ thu về, điều mà Việt Nam vẫn đang khuyến khích. "Con số 3 tỷ USD nếu nhập khẩu vàng miếng về và gia công thành vàng trang sức đem xuất khẩu có thể còn đạt hơn 3 tỷ USD rất nhiều", ông cho hay.

Nên quản lý bằng thuế thay vì độc quyền

Trở lại bối cảnh khi ban hành Nghị định 24 từ 12 năm trước, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho biết trước đây, nền kinh tế bị vàng hóa vì chúng ta cho phép các ngân hàng thương mại nhận tiền gửi và cho vay bằng vàng.

Khi đó, vàng trở thành một phương tiện luân chuyển trong ngân hàng, một phương tiện thanh toán. Hiện tượng, vàng hoá cũng giống như USD hóa, khi gửi vàng hoặc USD vào trong hệ thống ngân hàng là trở thành tiền gửi và cho vay.

Đến nay, việc nhận tiền gửi và cho vay vàng bị cấm, thanh toán bằng vàng bị cấm, vàng hóa theo đó cũng chấm dứt. Ngoài ra, nhu cầu về đầu cơ thị trường vàng của người dân đã giảm hơn trước rất nhiều, hiện nay chủ yếu là tích cóp hoặc thừa kế.

"Nên xóa bỏ độc quyền vàng bởi bối cảnh tạo ra nó không còn nữa. Vĩnh viễn sẽ không có chuyện vàng hóa nữa, vì vàng không được gửi vào hệ thống ngân hàng với tư cách tiền gửi", TS. Nghĩa cho hay.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia. (Ảnh: VPBS).

TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh hiện nay trên thế giới không còn nước nào mà ngân hàng trung ương độc quyền kinh doanh vàng miếng, chỉ có ngân hàng trung ương dự trữ vàng như là dự trữ quốc gia bằng USD, để chia sẻ rủi ro khi cần. Hàng năm, Trung Quốc, Nga hay Ấn Độ vẫn mua vàng dự trữ.

Chuyên gia cho rằng nên bỏ cách quản lý độc quyền nguồn cung vàng, cho phép các doanh nghiệp đủ tiêu chí được nhập khẩu vàng, trả lại thương hiệu SJC về cho Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, đồng thời bỏ luôn quy định quản lý vàng theo hạn ngạch, chuyển sang quản lý bằng thuế. Ngân hàng trung ương có thể vẫn duy trì dự trữ bằng vàng, có thể can thiệp khi cần.

Nhà nước muốn khuyến khích nhập khẩu thì giảm thuế và ngược lại thì tăng thuế lên, Nhà nước thu được thuế và hoàn toàn chủ động, ông chỉ ra các điểm có lợi. Ngân hàng trung ương có thể vẫn duy trì dự trữ bằng vàng, có thể can thiệp khi cần.

Theo các chuyên gia, bỏ độc quyền vàng miếng của SJC sẽ khiến nguồn cung tăng, giá vàng giảm xuống, sát hơn với thị trường thế giới. Và khi trả lại thương hiệu SJC về cho Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng SJC trên thị trường sẽ giảm xuống như vàng 9999 bình thường hoặc cao hơn không đáng kể (do có thương hiệu).