Giá xăng dầu có thể tăng trở lại trong ngày mai 10/9

09:10 | 09/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Giá xăng ngày 10/9 dự kiến tăng theo xu hướng giá thế giới. Nếu không tác động đến quỹ bình ổn, giá xăng E5 RON 92 có thể tăng 170 đồng/lít, giá xăng RON 95 tăng 270 đồng/lít.

Theo Dữ liệu từ Bộ Công thương cho thấy, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 7/9 tăng so với kỳ tính giá ngày 26/8.

Cụ thể, giá xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 trung bình 79,52 USD/thùng, xăng RON 95 là 81,48 USD/thùng, cùng tăng trên 2% so với kỳ trước. Giá dầu cũng biến động đi lên, dầu thô có ngày chạm mức cao nhất trong vòng một tháng, đạt 77,67 USD/thùng.

Giá xăng, dầu trong nước ở phiên điều chỉnh giá ngày mai (10/9) có thể tăng theo xu hướng của giá xăng, dầu thế giới. (Ảnh minh họa)

Trao đổi với Zing, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối ở TP.HCM cho biết giá xăng thế giới những ngày qua có xu hướng tăng. Nếu không tác động đến quỹ bình ổn, ở kỳ điều hành ngày 10/9, giá xăng E5 RON 92 có thể tăng 170 đồng/lít, giá xăng RON 95 tăng 270 đồng/lít.

Trong khi đó, giá bán đối với mặt hàng dầu diesel có khả năng tăng 480 đồng/lít; dầu hỏa tăng 480 đồng/lít và dầu mazut tăng 910 đồng/kg.

Nếu đúng như dự báo, giá các mặt hàng xăng trong nước sẽ có lần tăng trở lại sau 3 kỳ chỉ giảm hoặc giữ nguyên. Tính từ ngày 11/11/2020, giá các mặt hàng xăng trong nước đã tăng tới 13 lần, giảm 3 lần và giữ nguyên giá 3 lần, với xăng E5 RON 92 tăng tổng cộng 6.006 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 6.430 đồng/lít.

Ở chiều ngược lại, nếu cơ quan quản lý giảm trích lập hoặc tăng chi quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng có thể nhích nhẹ, thậm chí không đổi. Tuy nhiên, chuyên gia không nghiêng về phương án này bởi mức chi quỹ bình ổn giá xăng dầu đang khá cao (với mặt hàng xăng E5 RON 92 là 950 đồng/lít).

Còn tại thị trường thế giới, tính đến đầu giờ sáng ngày 9/9 (theo giờ Việt Nam), trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2021 đứng ở mức 68,93 USD/thùng, giảm 0,12 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 8/9, giá dầu WTI giao tháng 11/2021 đã tăng 0,63 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 11/2021 đứng ở mức 72,53 USD/thùng, giảm 0,07 USD/thùng trong phiên nhưng đã tăng 0,67 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 8/9.

Giá dầu ngày 9/9 giảm nhẹ chủ yếu do đồng USD tiếp tục duy trì đà phục hồi, đạt mức đỉnh 1 tuần trong bối cảnh thị trường dự báo Fed sẽ không sớm thực hiện điều chỉnh chính sách tiền tệ khi các điều kiện cần thiết, đặc biệt là thị trường việc làm không ủng hộ.

Lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu thô yếu khi dịch Covid-19 đang tác động ngày càng tiêu cực đến các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu, làm gián đoạn nhiều hoạt động sản xuất cũng tạo áp lực khiến giá dầu hôm nay trượt nhẹ.

Việc Saudi Aramco thông báo về việc giảm giá bán dầu cho các nước châu Á được xem là một tín hiệu cho thấy nguồn cung dầu đang có dấu hiệu tồn kho dầu thô đang gia tăng.

Hiện thị trường đang hướng chờ dữ liệu về thị trường thô Mỹ sẽ được Viện Dầu mỏ Mỹ (API) và số liệu chính thức từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) để có thêm cơ sở đánh giá triển vọng của giá dầu.

Trong diễn biến mới nhất, theo một kết quả khảo sát của Reuters, dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 3/9 có thể giảm khoảng 3,8 triệu thùng, dự trữ xăng giảm khoảng 3,6 triệu thùng và các sản phẩm chưng cất giảm khoảng 3 triệu thùng.

Tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, giá dầu hôm nay cũng nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ nhờ dữ liệu kinh tế tích cực từ Trung Quốc.

Cụ thể, theo dữ liệu vừa được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố, xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 8 đã tăng tới 25,6% so với cùng kỳ 2020, con hơn mức tăng 19,3% của tháng 7 và vượt xa mức 17,1% theo kết quả một cuộc khảo sát của Reuters.

Giá dầu ngày 9/9 còn được hỗ trợ mạnh bởi hoạt động khai thác dầu khí ở Vịnh Mexico, khu vực mang tới 79% sản lượng dầu của Mỹ, tương đương 1,44 triệu thùng/ngày, vẫn tàm dừng sau khi bão Ida đổ bộ.

Hà Lan (T/h)