Giải ngân đầu tư công 3 tháng mới đạt hơn 11%, không thể cứ 'đầu năm đủng đỉnh'

Nguyễn Thị Thùy Dung 08:27 | 20/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Từ tinh thần “suy cho cùng đều là từ tiền thuế của nhân dân” mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh tại phiên khai mạc kỳ họp bất thường thứ Nhất của Quốc hội hôm 4/1/2022, giải ngân từng đồng vốn đầu tư công năm nay chắc chắn sẽ phải nhanh hơn nữa, phải mạnh hơn nữa và hiệu quả hơn nữa ngay từ những tháng đầu năm.

Giải ngân đầu tư công quý I mới đạt hơn 11%

Theo Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ của Bộ Tài chính gần đây, ước thanh toán vốn đầu tư công tính đến hết tháng 3/2022 đạt 61.536,08 tỷ đồng, tương đương 11,03% kế hoạch và đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tốc độ này chậm hơn mức giải ngân 13,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao vào cùng kỳ năm ngoái.

Cho đến hết ngày 31/3/2022, Bộ Tài chính cho biết vẫn còn hơn 50.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được phân bổ và 29 đơn vị chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Nguyên nhân làm chậm giải ngân vốn đầu tư công quý I được cho là do Thủ tướng Chính phủ đã giao 100% kế hoạch vốn năm 2022 cho các Bộ, ngành trung ương và địa phương tại Quyết định số 2048 ngày 6/12/2021; sau đó đến ngày 21/2/2022, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 236 về việc giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 (đợt 2). Đến nay, các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương vẫn đang tiếp tục triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2022 đã được giao.

Ngoài ra, 3 tháng đầu năm cũng là thời điểm các chủ đầu tư tập trung hoàn chỉnh hồ sơ để thanh toán, đồng thời các dự án khởi công mới đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, thực hiện công tác đấu thầu, chấm thầu, thương thảo hợp đồng.

Với các dự án vốn nước ngoài, hiện nhiều dự án còn đang trong quá trình đàm phán với đối tác, lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, lựa chọn đối tác nước ngoài... nên chưa giải ngân kế hoạch vốn đã được giao.

Trong bối cảnh phục hồi kinh tế đối diện nhiều thách thức cả trong và ngoài nước như hiện nay, giải ngân nhanh và hiệu quả đồng vốn nào là tăng cơ hội phục hồi từ đồng vốn đó. Tinh thần chung của Chính phủ và các bộ, ngành lúc này đã rất rõ: không thể để chậm trễ thêm.

Nhiệm vụ giải ngân năm 2022 rất nặng nề

Quyết tâm cao là làm được

Nhìn lại công tác giải ngân đầu tư công năm 2021, đến hết tháng 11/2021, tỷ lệ giải ngân vốn NSNN khi đó mới đạt khoảng 63,86% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trả lời chất vấn của đại biểu tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết tiến độ giải ngân đầu tư công còn chậm do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch.

Nóng lòng trước tiến độ giải ngân ì ạch, liên tục trong những ngày cuối năm, Chính phủ cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các cơ quan, bộ ngành liên quan nỗ lực thúc giải ngân. 6 Tổ công tác của Chính phủ được lập ra để thúc đẩy giải ngân ở các bộ, ngành địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp đã gấp rút hoàn thành nhiệm vụ. 

Chủ trương tiêu hiệu quả từng đồng vốn để tạo động lực cho phục hồi cùng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị đã mang lại kết quả bất ngờ. Theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 31/1/2022, tức thời điểm kết thúc niên hạn ngân sách năm 2021, giải ngân vốn đầu tư từ nguồn NSNN năm 2021 đạt trên 431.188 tỷ đồng, tương đương 93,47% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Riêng 6 tháng cuối năm, giải ngân đạt 64,45% kế hoạch cả năm, con số bất ngờ và cao hơn cả tốc độ giải ngân cùng kỳ năm ngoái là 64,04%.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát vào những tháng cuối năm, kết quả giải ngân 93,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là con số hết sức ấn tượng, tạo tiền đề tích cực để đạt mục tiêu giải ngân 100% vốn trong năm 2022.

Từ bài học khẩn trương và quyết liệt của năm ngoái, từ đầu năm đến nay, Chính phủ cùng Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan đã liên tục ra điều hành đốc thúc giải ngân đầu tư công ngay từ đầu năm, tránh tình trạng “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng” như lời Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Nhiều tiền đề để đẩy mạnh giải ngân đã được chuẩn bị, chẳng hạn như việc Quốc hội thông qua “1 luật sửa 8 luật” và 3 cơ chế đặc thù trong khuôn khổ Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội 2022-2023 bao gồm Cơ chế chỉ định thầu; Cơ chế quy định thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản với nhà thầu thi công và Cơ chế phân cấp phân quyền cho UBND cấp tỉnh của địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc theo hình thức đầu tư công đi qua địa bàn. 

Cơ chế đã mở, vướng mắc chủ yếu còn lại là ở công tác thực thi. Về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo: “Khi chúng ta đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tổng vốn đầu tư công cần hấp thụ trong 2 năm 2022-2023 là rất lớn, nếu không đổi mới tư duy, cách tiếp cận, cách làm, cách tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra, thì không thể hoàn thành nhiệm vụ”.

Từ tinh thần “suy cho cùng đều là từ tiền thuế của nhân dân” mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh tại phiên khai mạc kỳ họp bất thường thứ Nhất của Quốc hội hôm 4/1/2022, giải ngân từng đồng vốn đầu tư công năm nay chắc chắn sẽ phải nhanh hơn nữa, phải mạnh hơn nữa và hiệu quả hơn nữa ngay từ những tháng đầu năm.

 

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính mới đây tiếp tục đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp tại Công điện 126/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 8/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 và công văn số 1684/VPCP-KTTH ngày 17/3/2022 của Văn phòng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Về việc phân bổ vốn, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương án xử lý phù hợp theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công đối với những trường hợp chưa hoàn thành phân bổ, giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương năm 2022 theo các quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Trường hợp các bộ, ngành, địa phương không có nhu cầu sử dụng, chưa phân bổ hết kế hoạch vốn năm 2022, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền cắt giảm kế hoạch vốn năm 2022 để điều chỉnh, bổ sung cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có nhu cầu và có khả năng giải ngân cao.