Giải ngân đầu tư công ì ạch: Đưa vào tiêu chí đánh giá, xếp loại của người đứng đầu

Diên Vỹ 17:34 | 24/05/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo tờ trình của Chính phủ, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, đồng thời là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu.  

Nhiều nguyên nhân khiến giải ngân đầu tư công chậm chạp

Theo báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 mà Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV;  tính đến ngày 25/4/2022, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương vẫn chưa phân bổ chi tiết 38.578,624 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ, dự án, bằng 7,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. 

Báo cáo cho biết trong 4 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt 16,36% kế hoạch được giao, tương đương cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, vẫn còn 17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch đầu tư vốn năm 2022. 

Ước thanh toán từ đầu năm đến 31/5/2022 là 115.922,47 tỷ đồng, đạt 20,67% kế hoạch và đạt 22,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2021 đạt 19,99% kế hoạch và đạt 22,12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Báo cáo cũng nêu rõ năm 2022, kế hoạch đầu tư vốn NSNN được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 34/2021/QH15 là 526.105,895 tỷ đồng. Bên cạnh nguồn vốn này, cần phải giải ngân một lượng vốn lớn từ 60.000 - 80.000 tỷ đồng thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, nhiệm vụ giải ngân rất nặng nề. 

Theo các bộ, cơ quan trung ương, có nhiều nguyên nhân dẫn đến giải ngân chậm trong 4 tháng đầu năm. Cụ thể, đối với các dự án khởi công mới, sau khi được giao kế hoạch vốn, chủ đầu tư mới triển khai các thủ tục như: phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đến bước lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, lựa chọn nhà thầu xây lắp, cung cấp thiết bị cho hạng mục tương ứng với giá trị kế hoạch vốn được giao. Thông thường, thời gian chuẩn bị các thủ tục này khoảng 6 tháng nên sẽ bắt đầu giải ngân từ quý II.

Còn đối với các dự án chuyển tiếp, đã được tạm ứng hợp đồng từ cuối năm 2021, đến nay các nhà thầu đang triển khai thi công, những tháng đầu năm 2022 chưa đến kỳ thanh toán theo hợp đồng cho nhà thầu nên chưa giải ngân.

Ngoài ra còn một nguyên nhân khác là một số dự án vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng nhất là công tác kiểm đếm đất để bồi thường, hỗ trợ cho người dân.

Riêng với các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến nay cũng được nhận định là chậm so với yêu cầu, chưa trình được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vốn.

Nguyên nhân chính do phần lớn các dự án dự kiến bố trí từ nguồn Chương trình là các dự án mới, cần thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công. Sau khi có đủ điều kiện theo quy định mới có cơ sở để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc bố trí vốn theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Đưa giải ngân đầu tư công thành một tiêu chí đánh giá, xếp loại người đứng đầu

Áp lực giải ngân vốn trong năm 2022 là rất lớn, đòi hỏi sự vào cuộc, nỗ lực của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương.

Để đốc thúc tiến độ giải ngân đầu tư công ngay từ đầu năm, ngày 2/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 548/QĐ-TTg thành lập 6 tổ công tác do 4 đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Tổ trưởng. 6 tổ công tác có nhiệm vụ kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến ngày 30/4 chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được giao; có tỷ lệ giải ngân đến ngày 30/4 dưới mức trung bình của cả nước (18,48%). 

Không dừng lại ở vai trò đốc thúc của các cơ quan quản lý, vai trò của người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và địa phương cũng được đề cao.

Trong nhóm phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm để phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu Quốc hội đã giao, Chính phủ khẳng định việc tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, đồng thời là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu.  

“Người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải làm tốt vai trò chủ thể trong việc ban hành các quyết định để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá; chủ động, tích cực trong việc lãnh đạo, chỉ đạo ban hành nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; rà soát, điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn,... chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư của các dự án được giao quản lý”, báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội nhấn mạnh.