Giải pháp chống tham nhũng ngoài khu vực nhà nước: công khai, kỷ luật, kiểm soát quyền lực (Bài 3)

Nhóm PV 10:00 | 04/06/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Để chống tham nhũng ngoài khu vực nhà nước từ gốc và có hiệu quả, các chuyên gia gợi ý nhiều giải pháp, với điểm chung là tăng cường kỷ luật từ lập pháp đến hành pháp và kiểm soát mối quan hệ công vụ giữa cá nhân trong nhà nước với các thực thể bên ngoài.

TS. Lê Xuân Nghĩa: Kiểm soát quan hệ giữa công vụ và tư nhân

“Thứ nhất, cần công khai các dự thảo luật có liên quan đến người dân và doanh nghiệp là những đối tượng thụ hưởng, để họ có thể góp ý cho phù hợp với thực tế và lâu dài, tránh tình trạng 3 năm soạn thảo luật, vừa ban bố thi hành được 1 năm lại phải sửa đổi.

Nhiều nước trên thế giới coi đây là vấn đề lớn và đã có kinh nghiệm rất đáng để tham khảo cho Việt Nam, trước tiên là việc hạn chế sự can thiệp của các cá nhân và doanh nghiệp vào quá trình xây dựng, soạn thảo và thông quan luật. Các hành vi can thiệp vào quá trình soạn thảo, vận động hành lang trước thời điểm thông qua luật đều phải được kiểm soát, buông lỏng quá trình này gây nhiều khó khăn cho quá trình chống tham nhũng.

TS. Lê Xuân Nghĩa (Ảnh: Baodautu)

Thứ hai, kỷ luật là nền tảng để phát triển cộng đồng và xã hội, trong đó kỷ luật công vụ có vai trò quyết định và là tấm gương của xã hội, đồng thời là nghĩa vụ của người hưởng thu nhập từ thuế của dân, có rất nhiều quy định chi tiết về kỷ luật công vụ. Ví dụ ở nhiều nước các cán bộ từ TW xuống địa phương công tác được thanh toán công tác phí nhưng lại được ăn, ở, đi lại không mất tiền đã bị coi là tham nhũng rồi.

Cuối cùng, kiểm soát tối đa quan chức các cấp tiếp xúc riêng với doanh nghiệp, kể cả những việc nhỏ như đi ăn, đến nhà, nhận quà… Tất cả các quan hệ "cánh hẩu" và tham nhũng ngoài nhà nước đều bắt đầu từ đây. Thậm chí nhiều nước quan chức không có công vụ không được gặp doanh nghiệp.

Ở Việt Nam do có những phong tục từ thời bao cấp (chứ không phải có trước đó), các quan hệ công vụ giữa công và tư bị xuề xòa là mảnh đất vô cùng béo bở đển mua chuộc công quyền, thậm chí lũng đoạn nhà nước. Đây là vấn đề tế nhị, phức tạp nhưng nhất định phải khắc phục”.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Hệ thống luật pháp cần đồng bộ

“Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 dành một Chương quy định về phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, trong đó quy định cụ thể về các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước và quy định việc áp dụng pháp luật phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước”.

Cụ thể, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kịp thời phát hiện, phản ánh và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng xảy ra trong doanh nghiệp, tổ chức mình theo quy định của pháp luật và điều lệ, quy chế, quy định của doanh nghiệp, tổ chức; kịp thời cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà

Ngoài Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, một số văn bản luật khác cũng đã quy định về PCTN khu vực ngoài nhà nước. Bộ luật hình sự năm 2015, quy định các tội phạm tham nhũng, gồm: Tội tham ô tài sản; Tội nhận hối lộ; Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Tội lạm dụng quyền trong khi thi hành công vụ; Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Tội giả mạo trong công tác. Khoản 2 và 3, Điều 8, Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp trong việc thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng. Khoản 6, Điều 41, Luật Chứng khoán năm 2019, nêu một số quy định có liên quan đến phòng ngừa tham nhũng ở công ty đại chúng. Luật các tổ chức tín dụng năm 2017 quy định nhằm kiểm soát xung đột lợi ích trong các tổ chức tín dụng.

Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định các loại thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, trong đó có những loại thỏa thuận bị cấm và các loại hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm. Bên cạnh đó, để nhận diện những hành vi có tính chất tham nhũng trong khu vực tư, ở một số văn bản, Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và kiểm toán.

Tuy nhiên, dù Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Bộ luật hình sự năm 2015 và một số Luật chuyên ngành đã quy định trách nhiệm phòng, chống tham nhũng của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp, các tổ chức khu vực ngoài nhà nước nói riêng, nhưng nhìn chung là chưa thống nhất, chưa đồng bộ. Việc quy định xử phạt hành chính đối với những hành vi tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước hầu như rất hiếm và chưa cụ thể, hoặc nếu có thì lại không phải là chế tài trực tiếp đối với những hành vi mang bản chất tham nhũng.

Trên thực tế đã có các văn bản, quy định về giám sát đã đầy đủ nhưng vấn đề quan trọng nhất chính là ở cán bộ thực hiện. Qua những vụ việc vừa qua bị phát hiện, do cán bộ yếu kém về đạo đức và thiếu bản lĩnh, chỉ vì lợi ích, vật chất mà bỏ qua danh dự, làm điều phạm pháp. Do đó, với các cơ quan nhà nước, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm, giám sát của tổ chức Đảng, từng cán bộ, đảng viên, tránh tình trạng ngại va chạm, không dám góp ý, không cần biết đúng sai hoặc thấy lợi ích là làm, bất chấp đạo đức, quy định pháp luật.

Các doanh nghiệp tư nhân, kể cả doanh nghiệp lớn, đều phải chịu giám sát, thanh tra, kiểm tra thường xuyên của các cơ quan chức năng. Chính vì thế cần xem lại việc thanh tra, kiểm tra có thực chất không, hay chỉ qua loa, nhận lợi ích rồi về, để khi vụ việc vỡ lở thì hậu quả đều rất nghiêm trọng. Bên cạnh đó, cũng cần xem lại vai trò của các tổ chức công đoàn, đoàn thể trong các doanh nghiệp đã phát huy được hết tác dụng chưa. Điều quan trọng hơn cả là phải thức tỉnh mọi người, nhất là đội ngũ cán bộ, để có đủ dũng khí vượt qua cám dỗ, tham gia đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.

Việc mở rộng phạm vi Luật Phòng chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước là vấn đề mới, nhưng là sự cần thiết, phù hợp với xu hướng phát triển của các nước trên thế giới. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, các thành phần kinh tế tư nhân của Việt Nam cũng ngày càng phát triển với quy mô hoạt động và tầm ảnh hưởng lớn. Nếu không thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng hữu hiệu trong khu vực ngoài Nhà nước thì sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển lành mạnh của môi trường đầu tư, kinh doanh, gây bức xúc dư luận xã hội”.

Luật sư Phạm Thị Thu: Thức tỉnh cán bộ, đủ dũng khí vượt cám dỗ

“Trước hết các cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền cần nâng cao vai trò, trách nhiệm kiểm tra, giám sát của tổ chức Đảng, của từng cán bộ, đảng viên, tránh tình trạng ngại va chạm, sợ “cấp trên”, không dám góp ý, cứ lãnh đạo nói thế nào nghe thế ấy, không biết đúng sai hoặc thấy lợi ích là làm, bất chấp đạo đức, quy định pháp luật.

Luật sư Phạm Thị Thu

Ngoài ra, theo quy định của pháp luật thì các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước (khu vực tư), cũng phải hoạt động theo quy định của pháp luật. Do đó, các cơ quan có trách nhiệm cần tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra pháp luật để ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm nhất là hành vi lợi dụng kẻ hở của pháp luật làm ăn phi pháp.

Bản thân các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước phải thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của mình. Cùng đó, quy định rõ trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức do mình quản lý; xây dựng văn hoá kinh doanh lành mạnh, thực hiện nghiêm túc quy tắc đạo đức kinh doanh, đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử.

Cuối cùng, phải nghiêm trị các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật, bất kể là ai, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, không chịu sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào. Thực tiễn cho thấy tất cả những vụ việc bị phát hiện vừa qua là do cán bộ yếu kém về đạo đức và thiếu bản lĩnh, chỉ vì lợi ích vật chất mà bỏ qua danh dự, làm điều phạm pháp, vì thế cần phải có biện pháp phù hợp, đủ mạnh để thức tỉnh mọi người, nhất là đội ngũ cán bộ để có đủ dũng khí vượt qua cám dỗ, tích cực tham gia đấu tranh phòng chống tiêu cực tham nhũng”.

 

Phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước: Nhận diện biểu hiện (Bài 1)

Chống tham nhũng ngoài nhà nước là bảo vệ và thúc đẩy kinh tế tư nhân (Bài 2)