Giải pháp nào tháo gỡ khó khăn ngành mía đường Việt Nam?

07:13 | 02/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Việt Nam thực hiện cam kết ATIGA với ngành đường từ 1/1/2020, giảm thuế nhập khẩu trong khu vực còn 5%. Tuy nhiên, cạnh tranh không công bằng đang góp phần bóp chết dần ngành mía đường Việt.

Bị cạnh tranh không lành mạnh ngay trên sân nhà

Ngay sau khi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) với ngành  đường có hiệu lực, một lượng đường nhiều “đột biến” với giá rẻ đã tràn vào Việt Nam. 

Thống kê của Tổng Cục Hải quan cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2020, tổng lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam trên 1,1 triệu tấn từ các nước như Thái Lan, Malaysia, Myanmar, Lào, Campuchia, Indonesia…. Trong đó, tổng nguồn gốc từ Thái Lan trên 1 triệu tấn, đạt 97,70%.
 
Thời gian Việt Nam thực hiện cam kết ATIGA với ngành đường mới 11 tháng nhưng đã bộc lộ nhiều bất thường. “Thời gian thực hiện tuy ngắn nhưng đã phơi bày thực trạng là các quốc gia trồng mía còn lại trong khối ASEAN đã không hề mở cửa thị trường đường theo đúng tinh thần của thương mại tự do trong khối, nhưng đã áp dụng những biện pháp khác nhau để bảo vệ thị trường đường của mỗi nước”, thông tin từ Hiệp hội mía đường Việt Nam cho biết.
 
Nguồn tin từ Hiệp hội này cũng cung cấp thông tin chi tiết về sự bảo hộ của Chính phủ Thái Lan với ngành đường trong nước họ. Theo đó, niên vụ 2019-2020, Thái Lan hạn hán khiến năng suất, sản lượng mía giảm đáng kể, chi phí sản xuất tăng lên đến 45 USD/tấn mía. Thái Lan cũng hỗ trợ cho nông dân trồng mía khoảng 325 triệu USD. Mặt khác, thị trường nội địa quy định giá trần cho đường là 23,5 Bath, tương đương 17.695 đồng/kg, khoảng 755 USD/tấn. Trong khi đó, giá xuất khẩu đường thô và luyện chỉ có 334 USD/tấn. Hiệp hội này cho rằng, đường Thái Lan đã bán phá giá khi tràn vào Việt Nam.
 
Thái Lan là một quốc gia trong ASEAN 6 đã thực thi ATIGA từ năm 2010 nhưng đường bị cấm nhập khẩu vào nước này. “Những diễn biến của niên vụ sản xuất 2019-2020 tại Thái Lan đã bộc lộ một khía cạnh tàn nhẫn khác của hội nhập ngành đường khu vực ASEAN, khi ẩn dưới chiêu bài thương mại tự do của Hiệp định ATIGA, dòng đường từ một quốc gia có năng suất thấp hơn (nhưng được trợ cấp tốt hơn) đã tràn vào và tước đi quyền sản xuất ngành hàng đó tại một quốc gia khác”, thông tin từ Hiệp hội mía đường Việt Nam khẳng định.
 
Đại diện Công ty cổ phần mía đường Sơn La cho biết thêm, gần đây Thái Lan đã có sự thay đổi trong điều hành xuất khẩu nhưng vẫn có những hình thức trợ cấp trực tiếp, gián tiếp, trợ cấp chéo cho các công ty sản xuất đường. Tại Thái Lan vẫn duy trì nghịch lý, người tiêu dùng trong nước phải chi trả gấp đôi hoặc hơn gấp đôi giá xuất khẩu để giữ vững chính sách trợ cấp cho đường xuất khẩu và phá giá để chiếm thị phần các quốc gia trong khu vực và quốc tế. 

Doanh nghiệp mía đường Việt "hấp hối" 

Trong 5 năm trở lại đây, ngành mía đường Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh do lượng đường thế giới dư thừa. Do vậy, giá bán thấp hơn giá thành sản xuất, đường sản xuất ra không tiêu thụ được, tồn kho lớn dẫn đến dòng tiền không lưu thông. Nhiều doanh nghiệp mía đường lâm vào cảnh phá sản hoặc hoạt động thoi thóp.
 
Giải pháp nào tháo gỡ khó khăn ngành mía đường Việt Nam? - ảnh 1
Nhiều doanh nghiệp mía đường lâm vào cảnh phá sản hoặc hoạt động thoi thóp. Ảnh minh họa
 
Trong tổng số 40 nhà máy, vụ sản xuất 2019-2020 chỉ còn 29 nhà máy hoạt động, thậm chí chỉ còn 25 nhà máy. Vì thêm 4 nhà máy đóng cửa gồm Sơn Dương, Nông Cống, Vạn Phát và Phổ Phong do không đảm bảo nguồn nguyên liệu. Đang lao đao thì năm 2020, ngành mía đường nhận tiếp “cú đấm kép”. Đó là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và ATIGA.
 
Sau khi Việt Nam thực hiện cam kết ATIGA, đường giá rẻ tràn vào Việt Nam khiến cho giá đường trong nước duy trì ở mức thấp hơn giá thành. Từ đó, giá đường của Việt Nam cũng thấp nhất khu vực và giá mía cũng thấp nhất.
 
Giá đường thấp, giá mía tụt giảm ảnh hưởng đến thu nhập và cuộc sống của người trồng mía. Diện tích trồng mía theo đó mà cũng thu hẹp lại. Thống kê của Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn cho biết, diện tích mía bị thu hẹp chỉ còn lại 30% so với 5 năm trước đây. Thật khó có thể hình dung, một tập đoàn hùng mạnh đi lên từ mía đường, thống lĩnh 40 năm tại vùng núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa, làm thay đổi diện mạo cả vùng nay cũng đang lâm vào khó khăn.
 
Với Công ty cổ phần mía đường Đăk Lăk, những tác động tiêu cực từ ATIGA cũng rất rõ rệt. Niên vụ 2018-2019, diện tích mía đạt 5.282 ha thì đến niên vụ 2019-2020 giảm chỉ còn 2.004 ha và niên vụ 2020-2021 còn 1.900 ha. Theo đó, giá đường cũng giảm sâu lần lượt từ 14.000 đồng/kg xuống còn 11.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá đường của Thái Lan chỉ khoảng 8.400 đồng/kg. 
 
"Niên vụ 2019-2020, nhà máy cạn kiệt  vốn đầu tư do thua lỗ, ngân hàng đóng băng tín dụng, nông dân không còn mặn mà với cây mía nên phá bỏ gốc mía”, Đại diện công ty mía đường Đăk Lăk cho biết. Vì vậy, niên vụ tới, diện tích mía chỉ đáp ứng 50% công suất nhà máy và công ty tiếp tục thua lỗ, đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. 

Ai cứu ngành mía đường? 

ATIGA mở cửa cho đường giá rẻ, chủ yếu từ Thái Lan tràn ngập thị trường Việt Nam khiến doanh nghiệp mía đường trong nước không cạnh tranh nổi và có nguy cơ phá sản, đời sống của người trồng mía bất ổn. Sự bất thường của giá đường nhập khẩu khiến cho các doanh nghiệp cho rằng, đường của các nước trong khu vực được bảo hộ và bán phá giá. Vì vậy, đã đề nghị điều tra chống bán phá giá.
 
Trước tình hình đó, trên cơ sở yêu cầu của các doanh nghiệp ngành đường, tháng 9/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2466/QĐ-BCT về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Bên cạnh đó, tháng 6/2020, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1715/QĐ-BCT về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô, có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
 
Về vấn đề này, Ông Lê Triệu Dũng-Cục trưởng Cục phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết thêm: Hiện tại, cả hai vụ việc đều đang trong quá trình điều tra. Cục phòng vệ thương mại,  Bộ Công Thương sẽ tiến hành điều tra theo đúng quy định của Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản liên quan nhằm thiết lập một môi trường cạnh tranh công bằng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngành sản xuất trong nước trước các hành vi phản cạnh tranh từ bên ngoài.
 
Ngoài việc tích cực chống gian lận thương mại, về lâu dài, biện pháp phòng vệ bền vững nhất là ngành mía đường cần tái cơ cấu để hội nhập. Doanh nghiệp nên đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh bằng các biện pháp như ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất kinh doanh để tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm… Cùng với đó là đa dạng hóa sản phẩm nhằm hấp dẫn người mua, tăng thị phần trong nước cũng như hội nhập với các nền kinh tế khác.
 
Kim Thanh